SỐNG CHÍNH NIỆM TRONG ĐẠI DỊCH VIRUS COVID-19

 1.Mở đầu

Sống bằng chính niệm giúp ta cân bằng được cuộc sống đang hối hả diễn ra, với bao lo toan về gia đình, công việc và các mối quan hệ xã hội đan xen. Có chính niệm ta có cột tâm vững vàng để vượt qua những thử thách, trông gai, cho ta có được lăng kính quán sát thực tại khách quan được đa chiều, tránh được cái nhìn phiến diện, chủ quan. Trong tình hình dịch bệnh virus Covid-19 đang bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, thì chúng ta càng thấy rõ vai trò của chính niệm đối với đời sống con người và xã hội. Chính niệm là thước đo sự bình an, là phương pháp đạt được hạnh phúc với thực tại, là la bàn chỉ dẫn cho tư duy và hành vi của cá nhân. Do đó, trong bài viết này tác giả sẽ phân tích vai trò, ý nghĩa của chính niệm như một phương pháp tâm lý nhằm góp phần ổn định xã hội giữa đại dịch virus Covid-19.  

2. Tìm hiểu về virus Corona, sự tiến hóa và quá trình nhân rộng của chúng

Coronavirus, cũng được gọi là virus Corona (virus Covid-19), là một nhóm gồm các loại virus thuộc phân họ Coronavirinae trong Họ Coronaviridae. Coronavirus gây bệnh ở các loài động vật có vú, bao gồm cả con người và chim. Ở người, virus gây nhiễm trùng đường hô hấp thường là nhẹ nhưng trong trường hợp ít gặp có thể gây tử vong. Coronavirus là virus bao bọc với hệ gen ARN sợi đơn chiều dương và với một nucleocapsid đối xứng xoắn ốc. Kích thước bộ gen của coronavirus khoảng từ 26 đến 32 kilo base pair, lớn nhất đối với virus RNA.

Tên “coronavirus” có nguồn gốc từ tiếng Latin corona, có nghĩa là vương miện hoặc hào quang, và đề cập đến sự xuất hiện đặc trưng của virion dưới kính hiển vi điện tử (E. M.) với một rìa lớn, tạo thành một hình ảnh như vương miện hoàng gia hoặc vành nhật hoa. Hình thái học này được tạo ra bởi các peplomers tăng đột biến của virus, là các protein cư trú trên bề mặt của virus và xác định ở vật chủ. Protein đóng góp vào cấu trúc tổng thể của tất cả các coronavirus là spike (S), envelope (E), membrane (M) và nucleocapsid (N)). Trong trường hợp cụ thể của coronavirus SARS, một miền liên kết thụ thể xác định trên S làm trung gian sự gắn kết của virus với thụ thể tế bào của nó, enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2). Siêu vi khuẩn coronavirus (đặc biệt là các thành viên của nhóm con Betacoronavirus A) cũng có một loại protein giống như gai ngắn hơn gọi là hemagglutinin esterase (ANH). Coronavirus thường gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng mũi, xoang hoặc cổ họng và lây lan qua hắt hơi, ho. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến các bệnh hô hấp nghiêm trọng hơn ví dụ như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và gây tử vong. Virus corona được phát hiện vào những năm 1960. Những người đầu tiên được phát hiện là virus viêm phế quản truyền nhiễm ở gà và 2 loại virus từ khoang mũi của bệnh nhân bị cảm lạnh thông thường được đặt tên là coronavirus 229E ở người và coronavirus OC43 ở người. Các thành viên khác của họ virus này đã được xác định, bao gồm SARS-CoV năm 2003, HCoV NL63 năm 2004, HKU1 năm 2005, MERS-CoV năm 2012 và Covid-19 năm 2019. Hầu hết trong số này đã có mặt trong các dịch bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. Sự tiến hóa của virus corona tổ tiên chung gần đây nhất của coronavirus đã được giả định ở khoảng thời gian 8000 TCN. Thực tế chúng có thể đã tồn tại từ trước đó rất lâu.

Một ước tính khác đặt tổ tiên chung gần đây nhất (MRCA) của tất cả các coronavirus vào khoảng 8100 BCE. MRCA của Alphacoronavirus, Betacoronavirus, Gammacoronavirus và Deltacoronavirus đã được giả định ở khoảng 2400 TCN, 3300 TCN, 2800 TCN và 3000 TCN. Dường như dơi và chim, động vật có xương sống có máu nóng, là vật chủ lý tưởng cho nguồn gen coronavirus (với dơi là Alphacoronavirus và Betacoronavirus, và chim là Gammacoronavirus và Deltacoronavirus). Coronavirus bò và coronavirus đường hô hấp chó có chung họ hàng từ một tổ tiên chung vào năm 1951. Bovine coronavirus và coronavirus OC43 của con người đã chuyển hướng vào năm 1899. Bovine coronavirus chuyển hướng từ các loài coronavirus ở ngựa vào cuối thế kỷ 18. Một ước tính khác cho thấy rằng coronavirus OC43 lây bệnh cho con người đã chuyển hướng từ coronavirus của bò vào năm 1890. MRCA của coronavirus OC43 ở người đã có từ những năm 1950. Hội chứng hô hấp Trung Đông coronavirus, mặc dù có liên quan đến một số loài dơi, dường như xuất phát từ một loại coronavirus đã tiến hóa từ những thế kỷ gần đây. Các coronovirus dơi liên quan chặt chẽ nhất và coronavirus SARS chuyển hướng vào năm 1986. Một con đường tiến hóa của virus SARS và mối quan hệ nhạy bén với dơi đã được đề xuất. Các tác giả cho rằng các coronavirus đã được liên kết với dơi trong một thời gian dài và tổ tiên của virus SARS đã lây nhiễm lần đầu tiên các loài thuộc chi Hipposideridae, sau đó lây lan sang các loài thuộc họ Rholophidae và sau đó đến cầy hương, cuối cùng lây sang người. Alpaca coronavirus và coronavirus 229E ở người đã tiến hóa trước năm 1960. Các coronavirus NL63 của người và một coronavirus ở loài dơi đã có chung tổ tiên vào khoảng 563-822 năm trước.

3.Sự bùng phát của dịch bệnh virus corona (Covid-19)

Vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, một chủng coronavirus mới, ở Geneva (Thụy Sỹ) ngày 11/02/2020, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Quốc lục địa và gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có tên là Covid-19. “Co” là chữ viết tắt của “corona”, “vi” là “virus” và “d” là “dịch bệnh” (“disease” trong tiếng Anh). Dịch bệnh bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và đã gây ra dịch nghiêm trọng tại đó, rồi lan sang các nơi khác trên giới. Đến ngày 31 tháng 1 năm 2020, có 213 trường hợp tử vong đã được báo cáo và 2,877 trường hợp được xác nhận. Chủng virus tại Vũ Hán đã được xác định là một chủng mới của dạng β CoV từ nhóm 2B với độ tương tự di truyền ~ 80% so với SARS-CoV, chủng vừa mới được WHO đặt tên là Covid-19. Virus này bị nghi ngờ là có nguồn gốc từ các động vật hoang dã như rắn và dơi, được lây lan do việc buôn bán tại chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán.

Dịch virus Covid-19, dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona bắt đầu vào giữa tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán trong tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc. Các nhà khoa học Trung Quốc sau đó đã phân lập được một loại coronavirus mới. Virus Covid-19 được phát hiện có trình tự gen giống ít nhất 70% với SARS-CoV. Sự lây nhiễm từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỉ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 01 năm 2020. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày, đã có bằng chứng rằng bệnh có thể truyền nhiễm trong khoảng thời gian này. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ho, khó thở. Tính tới ngày 02 tháng 02 năm 2020, khoảng 14,569 ca nhiễm đã được xác nhận toàn cầu, tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều ghi nhận ca nhiễm. Các ca nghi ngờ đầu tiên được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, với các triệu chứng đầu tiên xuất hiện khoảng hơn ba tuần trước đó, vào ngày 8 tháng 12 năm 2019. Chợ đóng cửa vào ngày 1 tháng 1 năm 2020 và những bệnh nhân có triệu chứng được cách ly. Sau đó, những người tiếp xúc gần gũi với người bị nghi ngờ mắc bệnh đã được theo dõi. Ngày 09 tháng 01 năm 2020, ca tử vong Covid-19 đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán.

Các ca nhiễm virus được xác nhận bên ngoài Trung Quốc đầu tiên bao gồm hai người phụ nữ ở Thái Lan và một người đàn ông ở Nhật Bản. Ngày 23 tháng 01 năm 2020, Trung Quốc cô lập thành phố Vũ Hán, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng đến và đi đều bị tạm ngưng. Cho tới ngày 24 tháng 01 năm 2020, một số thành phố lân cận cũng bị cô lập bao gồm Hoàng Cương, Ngạc Châu, Xích Bích, Kinh Châu, Chi Giang. Tuyên bố của Ủy ban Y tế Hồ Bắc cũng cho biết thêm số ca nhiễm mới trong ngày 11/02 tại tỉnh là 1.638 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm ở vùng tâm dịch lên con số 33.366. Theo đó, số ca nhiễm mới ở Hồ Bắc giảm so với trước đó một ngày (2.097 ca), theo đà giảm trong 10 ngày liên tiếp. Như vậy, tính đến nay, số ca tử vong do Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 1.110 người.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 18h00 ngày 22/02/2020, thế giới đã ghi nhận 77.903 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 2.361 trường hợp tử vong (Trung Quốc: 2.345, Tàu Diamond Princess: 02, Hàn Quốc: 02, Nhật Bản: 01, Hồng Kông (Trung Quốc): 02, Đài Loan (Trung Quốc): 01, Pháp: 01, Iran: 04, Ý: 02, Philippin: 01). Số trường hợp mắc ghi nhận tại Trung Quốc là 76.291 tại 31/31 tỉnh, thành phố, chiếm 97,93% tổng số trường hợp mắc trên toàn thế giới, ngoài Trung Quốc ghi nhận 1.612 trường hợp mắc, gồm: Tàu Diamond Princess: 634, Singapore: 86, Nhật Bản: 110, Hồng Kông (Trung Quốc): 69, Hàn Quốc: 433, Thái Lan: 35,  Đài Loan: 26, Malaysia: 22, Đức: 16, Úc: 21, Hoa Kỳ: 35, Pháp: 12, Ma cao (Trung Quốc): 10, Vương quốc Anh: 09, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất: 11, Canada: 09, Ấn Độ: 03, Philippines: 03, Ý: 21, Nga: 02, Tây Ban Nha: 02, Campuchia: 01, Phần Lan: 01, Nepal: 01, Srilanka: 01, Thụy Điển: 01, Bỉ: 01, Ai Cập: 01, Iran: 18, Israel: 01, Li Ban: 01, Việt Nam: 16.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 22/02/2020 ghi nhận 16 trường hợp mắc (trong ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới), trong đó số trường hợp đã điều trị khỏi: 15; số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 12. Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 1.251 (trong đó: số mẫu dương tính: 16, số mẫu âm tính: 1.235).

4.Sự ảnh hưởng virus corona (Covid-19) đối với đời sống xã hội

4.1. Ảnh hưởng về kinh tế

Hậu quả của dịch virus corona đối với kinh tế Trung Quốc và toàn cầu dự báo sẽ khốc liệt hơn trận dịch SARS trước đây. Vai trò của Trung Quốc trong kinh tế thế giới đã quá lớn so với gần 20 năm trước. Loại virus corona mới đang lây lan nhanh chóng ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc hiện nay là một mắt xích quan trọng của kinh tế toàn cầu, bất cứ sự gián đoạn, suy thoái nào do dịch bệnh cũng sẽ kéo theo cả hệ thống.

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, với số dân trên 1,405 tỷ người. Với diện tích là 9,596,961 km², Trung Quốc là quốc gia có diện tích lục địa lớn thứ tư trên thế giới. Theo báo New York Times, ngay thời điểm này các công ty quốc tế lệ thuộc vào hệ thống nhà máy sản xuất và thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã nhìn nhận về những khoản tổn thất khổng lồ sắp tới. Hệ thống Apple, Starbucks, Ikea đã tạm đóng chuỗi cửa hàng ở Trung Quốc. Các trung tâm thương mại vắng tanh lập tức đe dọa doanh số của Nike (giày dép), Under Armour (quần áo), McDonald’s (thức ăn nhanh)… Các nhà máy lắp ráp xe cho General Motors và Toyota đang ngừng hoạt động chờ công nhân quay lại sau tết âm lịch nhưng chính quyền đang kéo dài kỳ nghỉ để chặn tốc độ virus lây lan. Các hãng hàng không quốc tế, bao gồm American, Delta, United (Mỹ), Lufthansa (Đức) và British Airways (Anh) đã hủy mọi chuyến bay đến Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng chỉ đạt 5,6% năm 2020, giảm từ mức 6,1% năm ngoái, theo một dự báo của hãng phân tích tài chính Oxford Economics (Anh) dựa trên đánh giá về ảnh hưởng của dịch corona tính đến thời điểm này. Nếu điều đó xảy ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm nay, xuống còn 2,3% – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập niên.

Nhưng vai trò của Trung Quốc trong kinh tế thế giới đồng nghĩa hậu quả của trận dịch này sẽ vượt qua SARS năm nào. “Hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn nhiều so với thời dịch SARS”, ông Nicholas R. Lardy, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Washington), nhận định.

Ở Việt Nam tình hình dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế

Về kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của dịch virus corona đối với kinh tế – xã hội năm 2020. Đây là những số liệu mang tính dự báo sơ bộ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tính đến ngày 05/02/2020. Theo đánh giá sơ bộ và dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch virus corona sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chỉ số giá tiêu dùng. Về tăng trưởng kinh tế, bộ dự kiến có 2 kịch bản.

Theo kịch bản 1, nếu dịch virus corona được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01. Trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%. Với kịch bản 2, nếu dịch virus corona được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01). Trong đó quý I, GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%. Như vậy, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra”, báo cáo nêu. Theo kịch bản 1, Bộ KHĐT dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%. Theo kịch bản 2, cơ quan này dự báo CPI tăng 4,86%.

Thực tế, các nước châu Á có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, đều được dự báo chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt về du lịch và hàng không. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nếu dập được dịch vào cuối quý II, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong nửa đầu năm có thể giảm 2,3 triệu lượt, còn khách từ các quốc gia khác cũng giảm 50-60%. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán KB Việt Nam, tiêu dùng tại Trung Quốc cũng có khả năng bị chững lại, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 gần 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Năm 2019, Việt Nam nhập siêu gần 34 tỷ USD từ Trung Quốc, đứng đầu là điện thoại và linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Với việc là một trong những nước phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, tác động của dịch với hoạt động sản xuất của Việt Nam không nhỏ. Theo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nhiều doanh nghiệp cho biết chỉ có thể “cầm cự” được thêm một tuần trước tình cảnh khó khăn về nguyên liệu sản xuất và khâu vận chuyển qua biên giới.

4.2.Diễn biến phức tạp của tình hình trật tự trị an xã hội

Kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, tình trạng dụng cụ y tế kém chất lượng, khẩu trang dùng một lần tái sử dụng, bán lại. Các sản phẩm nước xịt khuẩn, rất dễ bị làm giả, và nhiều nơi cho dung dịch kém chất lượng để đưa lên mạng bán… Sàn giao dịch thương mại điện tử xử lý các doanh nghiệp đẩy giá sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp vi phạm đẩy giá sản phẩm lên cao trong mùa dịch đã bị các sàn giao dịch như Lazada, Shopee… xử lý. Theo điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì hành vi này được xem là hành vi đầu cơ. Tuy nhiên, khẩu trang không rơi vào mặt hàng bình ổn giá hay danh mục hàng hóa tại nghị định 177/2013/NĐ-CP nên chỉ có thể xử lý về mặt hành chính theo nghị định 185/2013/NĐ-CP. Mức xử phạt với hành vi găm khẩu trang này từ 5.000.000 đến 80.000.000 đồng. Hiện nay có một số nhà thuốc đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì hành vi găm khẩu trang, tuy nhiên trong quá trình kiểm tra phát hiện các nhà thuốc này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số khẩu trang đó.

Các cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến việc buôn lậu khẩu trang y tế. Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Lào Cai), đã liên tiếp bắt giữ 2 vụ vận chuyển lậu khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Trung Quốc. Cụ thể, lúc 20 giờ ngày 03/02/2020, Đội kiểm soát Hải quan phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh này phát hiện lô hàng 5 thùng các tông lớn bên trong chứa đầy khẩu trang. Kết quả xác minh cho thấy, chủ hàng là Ngô Thị Hương, trú tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong 05 thùng các tông chứa 245 hộp khẩu trang với số lượng là 12.250 chiếc, toàn bộ lô hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng khai nhận đã mua gom toàn bộ số khẩu trang ở một số địa phương của Việt Nam và đang trên đường vận chuyển lậu sang Trung Quốc bán kiếm lời.

Đến 23 giờ ngày 03/02/2020, tổ công tác liên ngành tiếp tục phát hiện một lô hàng khẩu trang khác được tập kết tại tổ 10, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Chủ hàng được xác định là Nguyễn Thị Quyên, trú tại tổ 34, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Qua kiểm đếm, Quyên đang tập kết 7 thùng các tông với 13.850 khẩu trang. Quyên cũng đã khai nhận mua gom số khẩu trang từ các tỉnh trong nội địa khi để tìm cách vận chuyển sang Trung Quốc bán kiếm lời khi dịch viêm phổi cấp do virus Corona khiến giá mặt hàng này ở biên kia biên giới giá cao, được tiêu thụ rất mạnh.

Lợi dụng sự lo ngại lây nhiễm, lan truyền dịch bệnh viêm phổi cấp, khẩu trang đang là mặt hàng buôn lậu được nhiều đối tượng thu gom, chuyển lậu sang Trung Quốc để bán kiếm lời. Qua khảo sát, giá khẩu trang bên phía Việt Nam trong khoảng 50.000 – 55.000 đồng/hộp nhưng nếu vận chuyển thành công sang bên kia biên giới, giá mỗi hộp khẩu trang được đẩy lên cao gấp nhiều lần.

Bán khẩu trang kém chất lượng cho người dân: Trong 4 ngày (từ ngày 01 đến 04/02/2020), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế (C03) đã tiến hành kiểm tra, đấu tranh, xử lý 26 vụ việc liên quan đến các hành vi nêu trên. Qua đó, đã phát hiện, thu giữ hơn 422.000 khẩu trang y tế các loại và gần 4.000 chai dung dịch rửa tay không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ… Trước nguy cơ của dịch bệnh và sự gia tăng đột biến nhu cầu của người dân về một số mặt hàng, vật tư y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và các loại thuốc tăng cường miễn dịch… một số cá nhân đã gia tăng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn. Để trục lợi, một số cá nhân đã gia tăng sản xuất khẩu trang kém chất lượng hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nâng giá bán khẩu trang y tế cho người dân lên gấp 4 đến 5 lần; mặt hàng thuốc Tamiflu tăng giá từ 1,5 đến 2 lần.

Đặc biệt, lợi dụng việc giá khẩu trang và các thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh tăng cao tại Trung Quốc, một số người còn thu gom khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay… vận chuyển, buôn lậu qua biên giới để kiếm lời. Hành vi này đã trực tiếp tác động đến mục tiêu ổn định giá cả thị trường và đời sống của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vi phạm pháp luật trong việc đăng thông tin sai về dịch bệnh, gây hoang mang trong nhân dân

Vi phạm pháp luật trong việc chia sẻ, phát tán thông tin thiếu căn cứ, sai sự thật về dịch bệnh do virus Covid-19, phát tán, gieo rắc hoang mang dư luận. Xã hội tiếp tục bị “tấn công” bởi tin giả, tin sai nhiễu loạn giữa những ngày nóng bỏng dịch bệnh. Theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3-2-2020, có hiệu lực từ 15/4/2020. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 đến 20 triệu đồng. Kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, lực lượng Công an đã lập danh sách hàng trăm đối tượng, tổ chức triệu tập gần 200 trường hợp và xử lý hành chính hơn 30 trường hợp có hành vi tung tin thất thiệt về dịch bệnh Covid-19. Đó là những đối tượng phát tán tin giả nhằm mục đích “câu like”, “câu view” ở Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa… Trong đó, cơ quan chức năng xác định có một số trường hợp do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết đã vô tình chia sẻ các thông tin bịa đặt này. Còn một số đối tượng thì cố tình phát tán thông tin nhằm công kích, nói xấu Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, nhằm chống phá, gây hoang mang xã hội. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin tiếp tay cho cái sai để nỗi hoang mang lan xa, khiến xã hội tiếp tục bị “tấn công” bởi tin giả, tin nhiễu loạn giữa những ngày nóng bỏng dịch bệnh, tạo sự bất an trong xã hội. Sẽ nguy hiểm hơn nếu sự lan truyền tin giả mạo đó cộng hưởng với hiệu ứng đám đông.

Bộ Công an, Cục An ninh mạng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban, ngành, địa phương nắm sát diễn biến tình hình, khẩn trương xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật để đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ các thông tin sai sự thật đó và xử lý nghiêm đối với các cá nhân có vi phạm.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, ta cần có sự phân tích vai trò, ý nghĩa của chính niệm đối với tâm của con người. Điều đó, sẽ góp phần tạo sự ổn định trong xã hội, hạn chế những hành vi trục lợi, gây tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân.

5.Chính niệm, giải pháp định tâm tạo sự ổn định xã hội trong đại dịch virus Covid-19

Con người là sản phẩm của tự nhiên và xã hội cho nên con người chịu sự chi phối của môi trường tự nhiên và xã hội cùng các quy luật biến đổi của chúng. Các quy luật tự nhiên như quy luật về sự phù hợp giữa cơ thể và môi trường, quy luật về quá trình trao đổi chất… tác động tạo nên phương diện sinh học của con người. Các quy luật tâm lý, ý thức hình thành và hoạt động trên nền tảng sinh học của con người hình thành tư tưởng tình cảm khát vọng niềm tin, ý chí. Các quy luật xã hội quy định mối quan hệ giữa người với người, điều chỉnh hành vi của con người. Hệ thống các quy luật trên cũng tác động lên con người, tạo nên thể thống nhất hoàn chỉnh giữa sinh học và xã hội bên trong con người. Với tư cách là con người xã hội, bằng hoạt động thực tiễn của mình con người lao động để sản xuất ra của cải vật chất. Từ đó, con người tác động vào tự nhiên cải tạo tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống và dần giảm sự phụ thuộc vào thế giới tự nhiên. Do con người nằm trong quy luật sinh tồn của tạo hóa, nên vòng quay Sinh – Lão – Bệnh tử chi phối quá trình sinh trưởng và phát triển của con người. Sự bùng phát dịch bệnh do virus Covid-19 tại Trung Quốc sau đó dịch bệnh lây lan sang một số quốc gia như hiện nay đòi hỏi con người phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Con người là sản phẩm của tự nhiên và xã hội nên khi đối mặt với dịch bệnh con người phải vừa tìm ra phương thức kiểm soát nó, vừa phải giữ được sự ổn định và phát triển của xã hội. Đó là việc làm đòi hỏi sự chỉ đạo, đường lối của những người lãnh đạo đất nước và ý thức, trách nhiệm của mọi công dân. Với con số người chết tăng lên hàng ngày và tình trạng bệnh dịch chưa trong tầm kiểm soát, đã đặt ra cho toàn cầu những yêu cầu bức thiết về y tế để khống chế dịch bệnh và bảo vệ sự sống của con người. Các nhà khoa học đã thực hiện quá trình phân lập virus, nghiên cứu, bóc tách, phân tích để tìm hiểu về nó từ đó điều chế vắc xin… Đây là bước đầu tiên của con người để nhìn thấy nguyên nhân gây ra dịch bệnh, định nghĩa nó để chế ngự nó. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu loại bỏ gen độc giữ lại các gen có ý nghĩa về mặt kháng nguyên để làm vắc xin bảo vệ cơ thể tránh mắc bệnh. Khi phân lập, nuôi cấy thành công virus tới một số lượng lớn có thể tạo ra các virus tinh khiết được kháng nguyên. Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của tất cả các nhà khoa học và sự phối hơp chia sẻ của các quốc gia trong cuộc chiến chống lại virus Covid-19.

Giữ ổn định xã hội trong giai đoạn hiện nay đóng vai trò hết sức quan trọng. Đó chính là tiền đề và là sức mạnh của hệ thống chính trị trong trận chiến chống lại dịch bệnh. Ổn định xã hội phải dựa trên sự ổn định của tâm lý xã hội. Tâm lý xã hội bao gồm những hiện tượng tâm lý chung nảy sinh từ tác động qua lại trong hoạt động và giao tiếp giữa các thành viên trong xã hội, theo đó nó chi phối đến thái độ hành vi của các cá nhân trong xã hội đó. Những hiện tượng tâm lý xã hội có mối liên hệ mật thiết với nhau, chi phối lẫn nhau. Nó có diễn biến rất phức tạp mặc dù được hình thành và phát triển có quy luật. Khi xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng. Chính trong quá trình đó nảy sinh nhiều các hiện tượng tâm lý xã hội khác nhau. Cá nhân và xã hội có mối tương quan tác động qua lại lẫn nhau. Khi tâm lý xã hội tích cực, thì cá nhân trong xã hội đó cũng sẽ có nền tảng tư duy tích cực. Việc xây dựng tâm lý xã hội trên cơ sở chính niệm của Phật giáo có ý nghĩa giáo dục xã hội to lớn.

Chính niệm là sự tỉnh thức, biết sống hòa hợp với chính mình và thế giới xung quanh. Chính niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại mình, quan niệm sống của mình, và ý thức được tính chất toàn vẹn của mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống. Và trên hết, chính niệm có nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta. Khi ta sống thiếu chính niệm trong giờ phút hiện tại, những thói quen xấu, lòng ham muốn, thói ích kỷ sẽ thúc đẩy chúng ta, đem đến cho chúng ta sự sợ hãi và bất an. Những vấn đề này sẽ tích tụ qua thời gian, nếu lâu ngày không được chăm sóc, chúng có thể gây cho ta một cảm giác bị mắc kẹt và xa lìa thực tại. Cuối cùng, ta có thể sẽ đánh mất đi niềm tin vào khả năng giải thoát của chính mình.

Chính niệm là chi thứ 7 trong Bát Chính Đạo, là cột tâm, chú tâm vào một đối tượng nào đó, được gọi là chính niệm. Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn hết? Chúng ta phải biết chính niệm tỉnh giác từng tâm niệm của mình, khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mặc y, ôm bình bát đi khất thực đều tỉnh giác; khi ăn uống đều tỉnh giác; khi đi đại tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi đứng, nằm, thức, ngủ, nói năng hay yên lặng đều tỉnh giác”. Phương pháp chính niệm tỉnh giác, giúp ta nhận biết rõ ràng từ ý nghĩ, lời nói, hành động, không khởi tâm bám víu chạy theo, không khởi tâm buông xả, ta chỉ nhìn thấy và quán sát. Để tạo được tâm lý xã hội ổn định, người dân có nhận thức đúng đắn về dịch bệnh thì việc truyền thông cung cấp đầy đủ, kịp thời kiến thức về phòng ngừa bệnh dịch, tạo làn sóng tâm lý xã hội trên cơ sở chính niệm, để người dân giữ được tâm lý phòng ngừa và sự bình an trước dịch bệnh.

Trong Kinh Chuyển pháp luân là bài giảng pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển sau khi Ngài đắc đạo. Theo đó, khi đã là con người không thể nằm ngoài quy luật sinh, lão, bệnh, tử: “Này các Tỳ-kheo, sau đây là bốn chân lý cao quý vi diệu của cuộc đời: Chân lý thứ nhất là thực tại đau khổ. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà phải xa nhau là khổ, thù ghét mà phải gặp nhau là khổ, mong cầu mà không toại nguyện là khổ, chấp vào thân năm uẫn là khổ và cuối cùng là sầu bi, ưu phiền, khổ não. Chân lý thứ hai là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Đó là phiền não nhiễm ô, là tâm dính mắc vào ái dục, là sự tham đắm và chấp thủ về cái ta, cái của ta, bởi luyến ái và chấp trước trong sự ràng buộc. Chân lý thứ ba là Niết-bàn, tức là sự trừ diệt hoàn toàn gốc rễ của khổ đau và những nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Đó là sự không còn chấp trước ta, người, chúng sinh bởi đam mê say đắm ham muốn, biết buông xả và giải thoát. Chân lý thứ tư là con đường dẫn đến Niết-bàn, đó là tám phương pháp tâm linh mầu nhiệm là thấy biết chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành vi chân chính, nghề nghiệp chân chính, nỗ lựcchân chính, ý niệm chân chính và thiền định chân chính, là con đường Trung đạo. Này các Tỳ-kheo, mỗi hành giả cần phải thấu hiểu về thực tại khổ đau, do ham thích luyến ái dục vọng mà dẫn đến luân hồi sống chết. Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe biết, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấy biết đúng như thật, nên thấu rõ bản chất mọi sự vật”. Con đường để giải thoát khỏi khổ đau chính là bản thân con người cần thấy được nguồn gốc của khổ đau, và tinh tấn tu học suy nghĩa chính niệm để sống chính niệm. Bệnh dịch do virus Covid-19 gây ra chính là nguồn cơn của khổ đau, nó tước đi sinh mạng của hàng ngàn người, nhiều gia đình tan nát và gieo rắc sự sợ hãi của con người. Nhưng với tư duy chính niệm ta cần nhận thức vấn đề đúng đắn và khách quan. Chính phủ mỗi quốc gia đều có nhiều biện pháp để ứng phó với dịch bệnh, duy trì xã hội ổn định, còn người dân thì cần thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, tuân thủ các quy định về phòng, ngừa dịch bệnh và khi bị cách ly phải chấp hành đúng, trong trường hợp bị bệnh cũng phải giữ được tĩnh để được điều trị theo đúng phác đồ của bác sỹ. Cái tạo ra nỗi khổ của chúng ta là bị vướng mắc bởi những thứ vô thường. Bị chấp kẹt vào nó nên tâm của ta bị trói buộc, phần vô thức và ý thức của con người không tìm ra được lối thoát. Virus Covid-19 là một hiện tượng tự nhiên, sự lây lan của nó rất dễ dàng từ người mang bệnh sang người khác qua đường giao tiếp, tuy nhiên khi chúng ta thực hiện tốt việc kiểm soát, cách ly, điều trị, khử trùng thì virus Covid -19 không thể tồn tại và tiếp tục lây lan được. Nhận thức được như vậy, chúng ta mới không bị hoang mang, lo sợ thái quá mà bình tĩnh thực hiện theo sự chỉ dẫn của chính quyền địa phương, cơ quan y tế tại nơi sinh sống và làm việc. Hiểu biết về nó thì ta sẽ không bị chấp kẹt vào nỗi sợ vô hình.

Chủng mới của virus corona, virus Covid-19 đã được chuyên gia dịch tễ học tại trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Quảng Châu (Trung Quốc) phát hiện trên tay nắm cửa tại nhà bệnh nhân nhiễm virus. Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc phát hiện virus Covid-19  ở môi trường bên ngoài, trước đó các nghiên cứu cho thấy virus chủ yếu thông qua đường nước bọt. Điều này thực sự đáng lo ngại, bởi nguy cơ lây nhiễm chéo từ việc tiếp xúc trực tiếp các vật dụng khiến dịch bệnh có thể lây lan mạnh hơn. Hiện các chuyên gia đã đưa axit nucleic của virus Covid-19 tìm thấy trên tay nắm cửa về phòng thí nghiệm trung tâm để tiến hành nghiên cứu và đánh giá khả năng “sống” của virus trong môi trường bên ngoài cũng như khả năng lây lan của chúng, “tuổi thọ” của chúng là bao lâu và có thể bị hủy hoại trong điều kiện môi trường thế nào… Hiểu biết về virus Covid-19 còn rất hạn chế, đa số thông tin được dựa trên virus SARS năm 2003. Mặc dù chưa có số liệu virus Covid-19, nhưng theo các chuyên gia nhận định, virus corona sống dai không kém SARS. Cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37 độ C, lúc sốt có thể lên đến 40 độ C hoặc hơn. Ở nhiệt độ đó virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng. Bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm, thông thường chúng chết chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp, virus có thể kéo dài thời gian sống. Các nghiên cứu về khả năng tồn tại trong môi trường của virus gây bệnh SARS, người ta nhận thấy môi trường lạnh và khô (độ ẩm thấp) thì chúng càng sống lâu. Với nhiệt độ 4 độ C, virus sống hơn một tháng trong môi trường. Ở nhiệt độ phòng 22-25 độ C, độ ẩm 40-50%, virus sống khoẻ tới 5 ngày, sau đó sẽ giảm từ từ. Đây là nhiệt độ và độ ẩm điển hình của một căn phòng có điều hoà nhiệt độ. Ở nhiệt độ vừa phải 28-33 độ C, độ ẩm không ảnh hưởng tới virus đáng kể, có thể sống trong môi trường tới 4-5 ngày. Khi nhiệt độ đạt tới 38 độ C và độ ẩm đạt tới 80-90%, virus sẽ giảm mạnh sau 24 giờ. Độ ẩm đạt tới 95%, chúng sẽ giảm nhanh hơn nữa. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những nước có khí hậu nóng ẩm và nhiều nắng như ở Việt Nam trong việc hạn chế thời gian tồn tại của virus này ở môi trường ngoài cơ thể. Bên cạnh điều kiện thời tiết, các hỗn hợp sát khuẩn chứa 75% alcohol, chất chlrorine và peroxyacetic cũng được công nhận có hiệu quả tốt trong việc tiêu diệt virus này. Biện pháp tốt nhất là rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trong ít nhất 20 giây, sẽ tiêu diệt gần hết mầm bệnh trên tay. Dùng dung dịch sát khuẩn cũng có hiệu quả diệt khuẩn, nhưng điều khác biệt chủ yếu là thời gian diệt khuẩn. Theo một nghiên cứu gần đây, dung dịch diệt khuẩn phải mất khoảng 3-4 phút mới xuyên qua lớp chất nhầy của đường hô hấp và bất hoạt virus cúm mùa, trong khi rửa tay với xà phòng diệt khuẩn loại bỏ virus ngay lập tức. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo người dân, trong điều kiện có nước sinh hoạt thì tốt nhất là nên rửa tay với nước và xà phòng diệt khuẩn, các loại dung dịch diệt khuẩn hay nước rửa tay khô chỉ nên là giải pháp thay thế khi cần nhanh chóng và sự thuận tiện. Bộ y tế Việt Nam đã ban hành Quyết định số 322/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút Corona mới (Covid-19). Việc chẩn đoán và điều trị của Việt Nam đạt kết quả tốt. Theo thống kê tình hình dịch bệnh của Bộ y tế đến ngày 22/02/2020 Việt Nam có 16 ca nhiễm, tử vong 0, nghi nhiễm: 13, hồi phục 15, số ca âm tính: 1.235; Trung Quốc: số ca nhiễm: 76.291, tử vong: 2.345, nghi nhiễm: 5.365, hồi phục: 20.659; Số liệu trên toàn thế giới có 77.974 ca nhiễm, tử vong: 2.363, hồi phục: 20.870  . Với kết quả đã đạt được trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh do virus Covid-19 gây ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch – tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành. Ngày 19/02/2020, bà Erika Elvander, Giám đốc Văn phòng châu Á – Thái Bình dương, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ và ông Mitchell Wolfe, Chuyên gia Y tế trưởng, Văn phòng Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch Covid-19. Tại cuộc gặp, phía Mỹ đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung và đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 nói riêng. Bộ Y tế Mỹ nhận định lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với Covid-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng.

Chính phủ và toàn hệ thống chính trị, người dân chúng ta đã làm tốt công tác phòng, chống dịch thể hiện tinh thần quyết tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Hiện nay, diễn biến của dịch bệnh trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp. Đến 11h15 trưa ngày 22/02 tại Hàn Quốc, số người mắc Covid-19 lên tới 346 người, 2 người tử vong. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế Việt Nam, ngoài Trung Quốc đại lục, có 15 trường hợp tử vong đã được ghi nhận: Philippine: 01, Hồng Kông (TQ): 02, Nhật Bản: 01, Pháp: 01, Đài Loan (TQ): 01, Iran: 04, Tàu Diamond Princess: 02, Hàn Quốc: 02, Italia: 01. Do đó, chúng ta không được chủ quan với dịch bệnh, mỗi người dân vẫn cần nâng cao ý thức trong phòng ngừa dịch, các biện pháp phòng chống vẫn cần tiếp tục được triển khai và duy trì.

Để có được sự cân bằng tâm lý trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, Chúng ta cần phải thực tập chính niệm trong đời sống hằng ngày. Ta cần sống chậm lại, tư duy sâu lắng hơn. Đôi khi công việc, cuộc sống với bao lo toan đã kéo chúng ta đi xa với cột tâm của chính mình. Dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra cũng chính là cơ hội để giúp ta định tâm lại, hiểu thực sự giá trị của cuộc sống nằm ở vị trí nào trong cuộc đời của ta. Chính niệm giúp ta quay lại với chân tâm của mình. Ta cần quan sát bản thân, từ thân – khẩu – ý. Ta biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì? Ta cần phải biết cách làm chủ bản thân trong đời sống và không để cho các hoàn cảnh xấu lôi kéo và chi phối. Trong Bát Chính Đạo, chính niệm tỉnh giác là một phương pháp tu tâm siêu tột, dành cho người đã nhận ra ông chủ của chính mình, để dẫn đến thành tựu đạo pháp viên mãn. Phương pháp này không dùng ý thức để phân biệt thiện ác, mà chỉ quán sát rõ ràng sự sống của bản thân mình. Ta cần phải biết cách làm chủ bản thân trong đời sống và không bị lôi kéo bởi những hoàn cảnh xấu dữ, làm ảnh hưởng đến sự chính niệm tỉnh giác.

Để thấy được rõ hơn giá trị của tư tưởng Chính niệm trong Phật giáo đối với con người, ta sẽ đi phân tích dưới góc độ khoa học tâm lý. Ta sẽ đi từ vấn đề về ý thức con người. Khi nghiên cứu ta không được coi ý thức như một loại hiện tượng thứ yếu về mặt sinh học, sinh lý học và tâm lý học. Phải tìm cho nó một vị trí và giải thích nó trong cùng một dãy hiện tượng cùng với tất cả các phản ứng của cơ thể. Đó là đòi hỏi đầu tiên đối với giả thuyết làm việc của chúng ta, ý thức là một vấn đề của cấu trúc hành vi. Những đòi hỏi khác là: giả thuyết cần phải nhanh chóng giải thích những vấn đề cơ bản có liên quan đến ý thức – vấn đề bảo toàn năng lượng, tự ý thức, bản chất của các lĩnh vực tâm lý học thực nghiệm (của tư duy, tình cảm và ý chí), khái niệm vô thức, sự tiến hoá của ý thức, sự đồng nhất và thống nhất của nó. Ý thức chi phối toàn bộ hành vi của con người. Do vậy, để điều chỉnh hành vi đi đúng hướng, phù hợp với lợi ích của tập thể, xã hội thì điều trước tiên ta phải tác động các yếu tố để hình thành ý thức tích cực của cá nhân. Trong Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Phẩm Vô tận tạng thứ hai mươi hai Phật có chỉ cho chúng ta thấy sự chân thật của thế giới: Chính là thế gian hữu biên, vô biên, cũng hữu biên cũng vô biên, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, thế gian hữu thường, vô thường, cũng hữu thường, cũng vô thường, phải phải hữu thường, chẳng phải vô thường; Như Lai sau khi diệt độ là có, là không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng không; ngã và chúng sinh có không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng không… thế gian từ đâu đến, đi qua đâu; có bao nhiêu thế giới thành, bao nhiêu thế giới hoại, thế gian từ đâu lại, đi đến chỗ nào; gì là ngằn tối sơ của sinh tử, gì là mé tối hậu của sinh tử. Đây gọi là pháp vô ký.

Đoạn kinh trên cung cấp cho chúng ta cái nhìn về thế giới quan, sự sinh diệt của vạn vật. Vạn pháp không đến không đi, có đến có đi, có trụ có diệt, có sinh có tử đó là quy luật tất yếu. Nhưng Phật giáo nhìn thấu triệt từ bản thể bất sinh bất diệt của các pháp tất cả đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Đủ duyên khắc tụ, hết duyên khắc tán. Mười hai nhân duyên của luân hồi là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác, trong một đời cũng như trong nhiều đời. Mười hai nhân duyên ấy là: vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử. Khi tâm chúng sinh chịu cái quả báo đó, thì do sự đối đãi giữa thân và cảnh lại sinh ra những điều ưa ghét, đó là ái. Rồi do có ưa ghét, mà gắn bó với thân và cảnh, chấp là thật có, không biết thân tâm và cảnh giới đều duyên khởi như huyễn, đó là thủ. Do có chấp trước, nên mọi sự vật, vốn là huyễn hóa, lại biến thành thật có, thân cũng có, cảnh cũng có, ý thức phân biệt cũng có, mình cũng có, người cũng có, rồi từ đó, sinh ra có gây nghiệp và có chịu báo. Đã có gây nghiệp và đã có chịu báo, thì khi hết thân này, nghiệp báo sẽ dẫn dắt vào một thân khác trong vị lai, đó là sinh, mà đã có sinh thì nhất định có lão tử. Do vậy, chúng ta phải nhìn nhận thế giới khách quan đang tồn tại một cách biện chứng thì mới hình thành nên được hệ thống ý thức có chủ đích, từ đó tinh thần mới đạt được trạng thái lạc quan với hoàn cảnh. Trong thời điểm dịch bệnh do virus Covid-19 như hiện nay, thì việc giữ cho thân và tâm được trạng thái cân bằng rất quan trọng. Khi tâm sinh ra lo âu, phiền não thì thân cũng bất an, hoặc giữa thời điểm dịch bệnh tâm tham khởi lên thì thân ắt sinh ra những việc phi pháp…

Dịch bệnh cũng chính như liều thuốc thử cho tất cả chúng ta. Đó là nỗi sợ hãi, sợ phải đối mặt với bệnh tật và cái chết. Nó không còn mơ hồ nữa mà nó ở ngay sát chúng ta, nó hiện diện và ta có thể cảm nhận và nhìn thấy nó. Đứng trước điều đó, ta mới thấy tính vô thường của vạn vật. Tính chất của vật chất là biến đổi, virus Corona cũng biến đổi theo quy luật của nó với tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm, ngoài dự kiến của con người. Chính niệm ở chỗ, chúng ta cần đánh giá khách quan để đánh giá về dịch bệnh, biết về nó thì mới có nhận thức đúng, phòng ngừa và điều trị bệnh. Với nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học, ngày 07/02/2020, virus nCoV được nhận diện thông qua hình ảnh kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) bằng phương pháp nhuộm âm bản – soi mẫu trực tiếp tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Việt Nam. Từ kết quả này, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 3 nuôi cấy thành công virus này. Kết quả nuôi cấy thành công sẽ giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của virus, độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của virus Covid-19 với tế bào chủ cung cấp các thông tin cần thiết để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp, ngoài ra sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Như vậy, chúng ta sẽ dần nhận diện được chủng virus này và sẽ có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả, ngăn chặn được sự lây lan và bùng phát. Chúng ta đã biết về virus, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục không mệt mỏi để tìm ra phương thức phòng chống nó. Trung Quốc và Việt Nam đã chữa khỏi nhiều ca bệnh, họ đã được xuất viện và trở về nhà.

Khi tâm điên đảo thì thân sẽ thực hiện hành vi phạm pháp, làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Lòng tham thúc đẩy thì người vi phạm sẽ bất chấp các chuẩn mực đạo đức để đạt được lợi ích cho bản thân. Như các trường hợp như đã nêu ở trên, nhiều cá nhân đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để thực hiện hành vi buôn lậu, tăng giá, đầu cơ các vật tư y tế thiết yếu như: khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… hay tình trạng tung tin thất thiệt gây hoang mang trong xã hội… đó là những hành vi sai trái, không mang lại lợi ích cho chúng sinh. Phật đã chỉ rõ, tất cả chúng sinh do phiền não mà tạo đủ tội ác. Do đây, nên chẳng kính nhau, chẳng nhường nhau, chẳng hộ vệ cho nhau, trái lại giết hại nhau, thành kẻ thù của nhau… nếu nay không dứt hẳn hành vi tội lỗi thời tam thế chư Phật cũng sẽ thấy rõ…. nếu vẫn còn phạm mãi không thôi thời là điều rất không nên. Vì thế phải chuyên tâm dứt bỏ để được chứng Vô thượng Bồ đề… Khi tâm con người tỉnh thức, nhận thấy rõ quy luật vô thường của vật chất thì mới có thể dứt bỏ được tâm tham, sân, si từ đó giúp con người vượt qua được sự hối thúc của lòng tham và nỗi sợ hãi đối với dịch bệnh. Có lìa bỏ được tâm tham thì con người mới đến được cánh cửa của sự giải thoát và tìm được sự an trú trong tâm. Từ đó, xã hội mới kiến tạo được sự ổn định, đất nước mới vững mạnh và chúng ta sẽ chiến thắng tất cả mọi sự đe dọa.

6.Kết luận

Virus Covid-19 như một hồi chuôn cảnh tỉnh tất cả chúng ta quay trở lại với giá trị thực sự của cuộc sống. Một quốc gia có vững mạnh hay không, thể hiện rõ ở việc người cầm quyền có thực sự vì dân, người dân trong đất nước đó có đồng lòng, chung sức để bảo vệ, xây dựng đất nước đó không. Đại dịch này là một minh chứng về một đất nước Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Đảng và Nhà nước ta chăm lo đến sức khỏe, tính nạng của nhân dân. Việc phòng, chống dịch bệnh được triển khai khẩn trương và tích cực trên phạm vi toàn quốc, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Từ việc điều trị bệnh đến việc cách ly đều được Nhà nước ta thực hiện rất tốt, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt về vật chất và tinh thần thể hiện tính nhân văn và nhân đạo của Đảng và toàn hệ thống chính trị ta. Chính niệm chính là ở đó, ở sự chỉ đạo của Chính quyền các cấp ở sự đồng tâm hợp lực của toàn dân. Có chính niệm chúng ta sẽ có sự ổn định, có chính niệm chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng được dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra. Tới đây tác giả mượn mấy câu thơ mộc trong bài “Chính niệm diệt Covid” để tóm lược bài viết của mình như là: 

Nỗi sợ hãi mang tên Covid
Hái tử thần gieo rắc lầm than
Tâm chính niệm giữ an thân xác
Quán vô thường Covid tiêu tan”.

Tác giả bài viết: Tiến sỹ Tội phạm học: Lê Thị Thu Dung. 
Đơn vị công tác: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng. 
Số điện thoại: 0914465652; Gmail: ledungksv@gmail.com

***

 

Bài viết khác