Chùa Làng Diềm – TP Bắc Ninh

Nằm trong vùng đất có bề dày lịch sử, dân cư đông đúc, kinh tế, văn hóa phát triển nên chùa Diềm được khởi dựng khá sớm và nằm ở một vị trí đắc địa. Chùa Diềm có tên chữ là Hưng Sơn Tự, TP Bắc Ninh, tọa lạc ngay đầu làng, nhìn thẳng ra đường cái quan. Theo truyền thuyết về Đức Thánh Tam Giang, chùa Diềm có thể đã được khởi dựng và tồn tại từ thế kỷ thứ VI, tuy nhiên đây chỉ là truyền thuyết không có căn cứ khoa học rõ ràng. Tài liệu chính xác nhất về quá trình tồn tại của chùa được lưu lại qua minh văn trên quả chuông đúc năm Phúc Thái thứ 7 (1649): “Chùa Hưng Sơn, Phủ Từ Sơn là một danh lam cổ tích, xã Viêm Xá mới bỏ tiền của đúc quả chuông, tức là không phải là việc phúc đức và nghe tiếng để niệm phật mà chính là trí tuệ đã hòa vào trái tim, thấy suốt sự lý, như biển lớn tràn đầy phúc tuệ…”. Ngoài ra trong chùa Diềm còn lưu giữ được 2 tấm bia đá làm năm Chính Hòa thứ 4 (1683) và năm Cảnh Hưng 38 (1777) ghi dấu quá trình tôn tại và trùng tu chùa. Với những bằng chứng xác thực trên, có thể khẳng định sự hiện diện của chùa Diềm có trước năm 1649…Mỗi khi đi xa, người Việt Nam đều nhớ về quê hương. Trong tâm thức họ là những hình ảnh mái chùa, ngọn tháp, tiếng chuông, những hình ảnh rất đỗi quen thuộc và không thể thiếu được trong cuộc sống tâm linh của người dân. Chùa Diềm là một bằng chứng vật chất phản ánh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, là một biểu hiện cụ thể nhất về bản sắc văn hóa Việt Nam. Hiện nay trong xu thế phát triển của xã hội đòi hòi phải có sự giao lưu với thế giới nên không thể tránh khỏi việc giao lưu văn hóa. Cho nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là hết sức cần thiết, vì chính ở các di tích lịch sử văn hóa ta tìm thấy được bản sắc văn hóa dân tộc rõ nét nhất.

img_3789

Hình ảnh chùa Hưng Sơn năm 2014 (ảnh Phúc Trí)

 

Đến bất cứ làng quê nào của người Việt ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, chúng ta đều dễ dàng nhận ra bộ mặt văn hóa vật thể của nó là những kiến trúc Phật giáo và tín ngưỡng khác. Hòa mình trong khung cảnh làng quê là hình ảnh tam quan, gác chuông, ngọn tháp… Đó là di sản kiến trúc cổ Việt Nam, đồng thời là chỗ dựa tâm linh và là nơi ẩn chứa nuôi dưỡng bản sắc tâm hồn Việt.

Làng Viêm Xá (có tên nôm là Diềm) là một vùng đất cổ nằm ven hữu ngạn sông Cầu thuộc xã Hòa Long, huyện Tiên Phong tỉnh Bắc Ninh. Xưa kia, làng Diềm thuộc tỉnh Châm Khê, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, đó là một vùng quê thanh bình, dân cư đông đúc và có phong hóa đẹp. Từ thủ đô Hà Nội, theo quốc lộ 1A ta về thành phố Bắc Ninh qua đường Vệ An rồi theo đường cái quan về làng Diềm chỉ khoảng 4 km. Vừa đặt chân lên địa đầu xã Hòa Long đã thấy cảnh sắc quyến rũ, sông Cầu trong xanh lượn vòng như dải lụa, núi Quả Cảm đột khởi nghĩa giữa cánh đồng xanh mướt đứng soi mình xuống dòng sông như một viên ngọc quý.

Xưa kia, vùng đất này hoang vắng, âm u, cây cối rậm rạp bao phủ, nhưng vị trí, địa hình thuận lợi, cảnh quan quyến rũ, đất đai màu mỡ, lại có đất cao nơi sườn đồi, soi bãi dễ lập làng xóm, vì thế con người đến sinh sống ở làng Diềm rất sớm. Truyền thuyết kể rằng: Khi Đức Vua Bà bị cơn phong vũ cuốn lên trời rồi giáng xuống làng Diềm cùng với 20 người điền phu. Bà đã ở lại nơi núi gọi là Kim Sơn để giúp đỡ mọi người khai khẩn ruộng bãi trống cấy, lập gia đình, làng xóm, xây dựng thuần phong mỹ tục, đó là làng Diềm thủa ban đầu. Để mọi người an cư và có nghề sống lâu dài, Đức Vua Bà đã dạy dân cấy lúa trồng màu nơi bờ bãi, trồng mía để kéo mật, trồng dâu nuôi tằm để dệt vải. Chính vì thế mà mật làng Diềm ngon nổi tiếng và nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ là nghề cổ truyền của dân làng vẫn tồn tại và phát triển đến tận ngày nay:

Dù ai buôn bán trăm nghề

Không bằng Viêm Xá có nghề tằm tang

Dù ai buôn đâu, bán đâu

Cũng không quên được gốc sâu làng Diềm

Làng Diềm còn có huyền thoại về Nhữ Nương, thủy tổ của làn điệu dân ca quan họ đặc sắc của xứ Kinh Bắc. Truyện kể rằng: Ngày xưa thời vua Lê – chúa Trịnh ở làng Diềm có một người con gái xinh đẹp, hàng ngày phải đi cắt cỏ. Tuy là con nhà nghèo khó lam lũ nhưng nàng có trí thông minh khác người và đặc biệt có giọng hát mượt mà, sâu lắng. Mỗi khi nàng cất tiếng hát thì cảnh vật im phăng phắc, chim cũng ngẩn ngơ, cá cũng lờ đờ lắng nghe. Một hôm chúa Trịnh đi dọc sông Nguyệt Đức (sông Cầu), đang say đắm với cảnh nương dâu xanh mướt bên bờ, chợt nghe thấy tiếng hát mượt mà từ cánh đồng vọng đến:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang

Bao nhiêu cây cỏ lai hàng tay ta

Nhìn ra mới biết là một cô gái có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành đang cầm liềm cắt cỏ, chúa Trịnh ngạc nhiên lắm, bởi cái liềm mà ví như nửa mặt trăng thì thật là tài tình, lý thú, lại để ý thấy cô gái đi đến đâu có mây vàng che chở đến đây. Chúa mang lòng yêu mến, mới cho vời cô về kinh lấy làm vợ. Ở kinh đô chẳng bao lâu, chán cảnh đô thị phù phiếm, chạnh lòng nhớ tới làng nhỏ nơi thôn dã nên bà xin được vế sống ở làng Diềm. Tại đây, bà đã tụ tập bọn trai thanh, gái lịch để dạy họ hát. Những bài hát do bà nghĩ ra thật là khó, lại thêm lối hát đôi, hát đối nên phải tụ tập từng “bọn” để dạy hát. Sau khi bà mất, dân làng lập đền thờ làm thủy tổ làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng xứ Kinh Bắc:

Thủy tổ quan họ làng ta

Những lời ca xướng vua bà sinh ra

Xưa nay nam nữ trẻ già

Ai mà ca được ắt là hiển vinh

Nằm trong vùng đất có bề dày lịch sử, dân cư đông đúc, kinh tế, văn hóa phát triển nên chùa Diềm được khởi dựng khá sớm và nằm ở một vị trí đắc địa. Chùa Diềm có tên chữ là Hưng Sơn Tự, tọa lạc ngay đầu làng, nhìn thẳng ra đường cái quan. Theo truyền thuyết về Đức Thánh Tam Giang, chùa Diềm có thể đã được khởi dựng và tồn tại từ thế kỷ thứ VI, tuy nhiên đây chỉ là truyền thuyết không có căn cứ khoa học rõ ràng. Tài liệu chính xác nhất về quá trình tồn tại của chùa được lưu lại qua minh văn trên quả chuông đúc năm Phúc Thái thứ 7 (1649): “Chùa Hưng Sơn, Phủ Từ Sơn là một danh lam cổ tích, xã Viêm Xá mới bỏ tiền của đúc quả chuông, tức là không phải là việc phúc đức và nghe tiếng để niệm phật mà chính là trí tuệ đã hòa vào trái tim, thấy suốt sự lý, như biển lớn tràn đầy phúc tuệ…”. Ngoài ra trong chùa Diềm còn lưu giữ được 2 tấm bia đá làm năm Chính Hòa thứ 4 (1683) và năm Cảnh Hưng 38 (1777) ghi dấu quá trình tôn tại và trùng tu chùa. Với những bằng chứng xác thực trên, có thể khẳng định sự hiện diện của chùa Diềm có trước năm 1649.

Trong kiến trúc truyền thống của người Việt thì cảnh quan, cây cỏ và hướng là những yếu tố quan trọng, chúng phản ánh quan niệm, sắc thái văn hóa của dân tộc. Việc chọn đất xây dựng thường bị chi phối bởi quan niệm phong thủy, cho rằng vị trí chỗ làm, thế đất có ảnh hưởng đến con người sống trên nó. Trong sách Tam tổ thực lục danh sư Pháp Loa (1284-1330) đã tổng kết: “Khi đã ngộ liễu chính tông rồi thì chọn cảnh chùa mà trụ trì, tránh những nơi nước độc non thiêng. Cảnh có 4 điều: một là nước, hai là lửa, ba là lương thực, bốn là rau. Đây là một điều cần, lại cũng không gần nhân gian mà cũng không xa nhân gian vì gần thì ồn ào mà xa thì không ai giúp đỡ cho”… Khi xét về vị trí thì chùa Diềm không ở gần dân mà cũng không xa dân, bên trái có hồ nước rộng, bên phải có núi Quả Cảm, Kim Sơn quay đầu về chầu, phía trước có núi Dạ cao chót vót làm minh đường. Chùa Diềm quay về hướng Đông Nam. Hướng Đông là hướng của các thần, là hướng mang sinh lực vũ trụ đến cho con người, Phật ở phương Tây nhìn về phương Đông để cứu chúng sinh. Hướng Nam là hướng đây dương tính, sáng sủa mát mẻ tránh được giá rét, đồng thời đó là hướng của các bậc đế vương “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” – Thánh nhân quay mặt về phía Nam mà nghe lời tâu bày của thiên hạ. Cảnh Đức và Bồ Tát quay về hướng Nam để nghe lời kêu cứu của chúng sinh trong kiếp đời tục lụy, dùng pháp lực vô biên vô lượng mà cứu vớt. Hướng Nam còn là hướng bát nhã tức là trí tuệ, có trí tuệ thì mới diệt trừ được u tối, bởi u tối là mọi mầm mống của tội ác.

Theo lời kể của các cụ già trong làng và những dấu vết để lại thì quy mô của chùa Diềm rất lớn, có kết cấu mặt bằng kiến trúc theo hình nội công ngoại quốc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với sự tàn phá của thiên nhiên và con người, chùa Diềm ngày nay là một quần thể kiến trúc nhỏ với mặt bằng chính theo hình chữ Đinh. Kiến trúc cổ truyền Việt Nam không chỉ đẹp về hình dáng, tầm vóc, kết cấu không gian hài hòa cùng thiên nhiên mà còn chứa đựng giá trị mỹ thuật lớn và ý nghĩa của nó với mục đích sử dụng. Tam quan của chùa Diềm là một biểu tượng của Phật triết sâu sắc. Mỗi khi chúng sinh bước qua tam quan chùa thì phần nào đã mang tâm Phật, ít nhiều giác ngộ được cái vi diệu của đạo pháp. Tam quan thực chất là “nhất chính đạo”, ba cửa nhưng chỉ có một con đường – con đường đi đến thế giới cực lạc. Qua tam quan là kiến trúc chính của chùa gồm tiền đường và thượng điện, nơi các vị phật ngự và là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng. Tại đây chúng sinh có thể cầu xin các vị Phật từ bi, hỉ xả phù hộ, độ trì cho nhân gian có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với không gian trang nghiêm, ẩn chứa một sức mạnh cao siêu, vi diệu mà cuộc sống bên ngoài không thể lấn át được nên khi vào đến đây ta như thoát khỏi cái dung tục của đời thường.

Chùa là nơi thờ Phật, do đó chùa nào cũng có tượng Phật. Chùa Diềm có khá nhiều tượng, trong đó đa phần có niên đại khá sớm khoảng thế kỷ XVII-XVIII với kỹ thuật tạo tác tinh xảo, giá trị nghệ thuật cao, gây ấn tượng mạnh mẽ, mỗi bức tượng là một tác phẩm điêu khắc tuyệt vời. Điểm chung của các tượng Phật là toát lên vẻ đẹp trí tuệ cùng sự cảm thông, cứu độ mang tính chất nhân bản sâu sắc. Nếu là lần đầu tiên ta vào sẽ bị choáng ngợp trước không gian tĩnh mịch và huyền bí của phật điện. Người Việt tạc tượng là để hương khói thờ phụng đồng thời gửi gắm trong đó mong muốn không chỉ cho cuộc sống đương thời mà cho cả thế hệ mai sau. Có lẽ hậu thế chúng ta như được tiếp xúc với quá khứ, gặp gỡ tổ tiên mỗi khi vào chùa thăm Phật, để tâm hồn cùng với khói hương lan tỏa:

Hưng Sơn chùa soi

Trần thuộc nam phương

Phong cảnh hoàn hảo

Chế độ kỷ cương

Phật thần hiển ứng

Phù hộ quê hương

Trước sông sau núi

Trong ngoài trang nghiêm

Chùa Diềm đã hòa mình vào cuộc sống của dân làng, trải qua năm tháng nó đã mang trên mình bề dày lịch sử và phản ánh lại chính mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng. Chùa Diềm là một di tích phật giáo với tư tưởng khuyến thiện, trừng ác, luân hồi, nhân quả, là nơi giáo dục con người diệt trừ mọi phiền muộn, cùng tà tâm để hướng tới những điều thiện và là nơi gửi gắm niềm tin, khát vọng trên cõi đời đau khổ, tục lụy vô thường. Sự bao dung của Đức Phật đã gắn bó mật thiết ngôi chùa với cuộc sống tinh thần của nhân dân địa phương. Ngôi chùa là nơi bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ kế tiếp nhau của cộng đồng dân cư làng Diềm. Sự tồn tại của chùa Diềm còn góp phần khơi dậy lòng tự hào, yêu quê hương đất nước. Chính do vị trí và tác dụng to lớn của ngôi chùa đã làm lắng đọng trong lòng người, hòa vào cuộc sống thế tục của làng xã nên trong suốt hàng trăm năm tồn tại, chùa Diềm luôn được nhân dân địa phương trân trọng gìn giữ. Điều đó được thể hiện qua văn bia Cảnh Hưng thứ 38 (1777) hiện đang được lưu giữ trong chùa: “Phong cảnh trang nghiêm tràn đầy lẽ kỳ diệu, xóm làng yên tĩnh, cảnh đẹp có phúc điền thường trú ở thế gian giữ mạch đồng ruộng để yên dân cho thêm tốt tươi mãi…”.

Hàng năm, tại chùa Diềm vẫn diễn ra những hoạt động mang tính nghi thức trong mối quan hệ giữa người và thần linh, giữa người với người. Đó là ngày Phật Đản (ngày 8/4 âm lịch), một nghi thức quan trọng của ngày này là lễ tắm phật, nghi thức này gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của người dân Việt Nam. Ngày rằm tháng 7 cũng là một ngày lễ quan trọng của phật giáo, đó là lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan được tổ chức dựa vào kinh Vu Lan Bồn để cầu nguyện cho những người chết được siêu độ. Người ta tin là vào ngày đó, linh hồn ông bà, cha mẹ hay người thân thích được xá tội trở về. Ngoài ra trong chùa Diềm còn diễn nhiều lễ hội khác như: lễ Thượng Nguyên (15/1), lễ vía phật Thích Ca xuất gia (8/2), lễ vía phật Quan Âm Bồ Tát thành đạo (19/6).v.v… Do là nơi khai sinh ra làn điệu dân ca quan họ nên những ngày lễ hội tại chùa cũng là ngày hội hát quan họ của làng. Vào ngày 15 tháng giêng các “liền anh, liền chị” của làng ra chùa hát đối đáp quan họ với nhau, khách quan họ làng khác đến cũng được mời vào chùa lễ phật, lễ xong khách và chủ đều hát. Cửa chùa luôn rộng mở đón khách thập phương biết bao lượng thông tin của quá khứ và tăng cường mối liên kết của cộng đồng người.

Mỗi khi đi xa, người Việt Nam đều nhớ về quê hương. Trong tâm thức họ là những hình ảnh mái chùa, ngọn tháp, tiếng chuông, những hình ảnh rất đỗi quen thuộc và không thể thiếu được trong cuộc sống tâm linh của người dân. Chùa Diềm là một bằng chứng vật chất phản ánh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, là một biểu hiện cụ thể nhất về bản sắc văn hóa Việt Nam. Hiện nay trong xu thế phát triển của xã hội đòi hòi phải có sự giao lưu với thế giới nên không thể tránh khỏi việc giao lưu văn hóa. Cho nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là hết sức cần thiết, vì chính ở các di tích lịch sử văn hóa ta tìm thấy được bản sắc văn hóa dân tộc rõ nét nhất.

 img_3858anh-cong-hs

Hình ảnh Phật đản trong chính điện chùa Hưng Sơn 2014 (Ảnh Phúc Trí)

ST

Bài viết khác