Còn lại gì sau chuyến trở về Yên Tử

“Còn lại gì sau chuyến trở về Yên Tử”

Tác giả: Ths.Lý Thị Thảo
1.Dẫn nhập
Trong ca dao Việt Nam có câu: ​​”Trăm năm tích đức tu hành,
Chưa đi Yên Tử chưa đành quả tu”
Đây là một thiền ngữ thâm diệu ẩn chứa triết lý sâu xa, khiến người đọc liên tưởng ngay tới phong cảnh núi chen mây trập trùng điệp điệp, nơi tâm linh thiêng liêng, là nơi tu hành lý tưởng để mỗi người hoàn thiện nhân cách hơn, khi họ có dịp được trải nghiệm chốn danh sơn Yên Tử. Chính nơi đây, sơn cảnh giao hòa kết duyên, bắt nhịp kết nối giúp một người vừa làm vua, vừa làm tướng đánh giặc, lại là thiền sư, một ẩn sĩ từ bỏ ngai vàng nhẹ nhàng như chưa từng có để tìm về với “Núi hoang rừng quạnh”, “Chiều vắng âm thanh”… Để tự nhủ lòng mình và từ trong yên tĩnh cảm nhận vẻ đẹp cuộc đời qua trực giác vô ưu, từ đó góp phần cứu khổ cho chúng sinh.Vậy người đó là ai? Không ai khác, chính là Phật hoàng Trần Nhân Tông mà ta đang hướng tới. Hôm nay, trước khi vào phát biểu tham luận khoa học của mình, với danh nghĩa cá nhân tôi xin được gửi tới quý vị một lời chào trân trọng nhất.
Kính thưa quý liệt vị! Nhìn một cách biện chứng ta thấy, chúng ta với vũ trụ, tồn tại trong vũ trụ là một chỉnh thể hoà hợp không thể tách rời. Nhìn qua lăng kính màu nhiệm ta thấy mọi thứ đều thật giá trị và ý nghĩa. Xưa tôi chưa được biết tới Yên Tử, tôi khao khát, ngưỡng mong được đặt chân tới đó và rồi những gì tôi thu hoạch được sau chuyến đi này, có thể là những kiến thức cũ của người đi trước nhưng lại rất mới giá trị đối với tôi. Nhưng có lẽ, đây là điều mới đối với người sau nữa, từ ấy giúp tôi và mọi người cùng tìm hiểu, thấy cái hay, cái chân thực lưu lại cho cuộc đời.
2. Nội dung
Thứ 1, Trần Nhân Tông xuất gia nơi Yên Tử thành Phật


Địa danh núi Yên Tử (Yên Tử Sơn 安子山) thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 130km về phía Đông, kéo dài từ Đông Triều tới Uông Bí. Đỉnh núi Yên Tử cao khoảng 1068m, như vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc. Vẻ đẹp của Yên Tử được bộc lộ rõ nhất khi mùa xuân về, khi núi rừng đơm hoa khoe sắc, khi mây giăng bao phủ kín đỉnh núi như màn sương, khiến cảnh sắc thêm lung linh huyền ảo. Đó là danh sơn xuất hiện của thiền phái Trúc Lâm với hệ thống chùa am, tháp cổ, những cảnh vật tự nhiên ở đây như thể thuyết pháp mang sức thu hút lạ thường. Phạm Sư Mạnh vào thế kỷ XIV đã từng vịnh thơ về cảnh sắc Yên Tử : “Lối đi có trúc, khe suối có hoa”
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và theo Tam tổ thực lục vua Trần Nhân Tông, tên húy là Khâm, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong thứ 8, ngày 11 tháng 11 (tức ngày 11/11/1258), là con trưởng của vua Trần Thánh Tông. Ông sinh ra vào đúng năm đất nước đánh đuổi quân Nguyên – Mông. Trần Khâm được sinh ra “được tinh anh, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thân túy tươi sáng… Ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân, Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng”
Hành cung Vũ Lâm cũng là nơi xuất gia tu hành đầu tiên của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thời gian vào khoảng tháng bảy năm 1294. Tháng 10 năm 1299 ông lên núi Yên Tử tu hành. Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, nhân từ, hoà nhã, ông kế thừa, dung hợp tư tưởng Tam giáo: Nho, Đạo và Phật với ba thiền phái nổi tiếng dưới triều đại nhà Lý là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, đặc biệt là tư tưởng của Trần Thái Tông,Tuệ Trung Thượng Sĩ. Từ đó ông đã sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hệ thống tư tưởng triết học có nội dung phong phú cả về thế giới quan và nhân sinh quan. Tư tưởng của Trần Nhân Tông được thể hiện trong các tác phẩm như: Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mị ngữ, Trung hưng thực lục, theo Thơ văn Lý – Trần tập 2, quyển thượng. Tuy nhiên, những tác phẩm này đã bị thất lạc, nên hiện chỉ còn những đoạn trích ngắn được chép lại trong Tam tổ thực lục,Thánh đăng lục, Tam tổ hành trạng, Thiền đạo yếu học…Vì vậy chúng ta có thể thấu hiểu được tư tưởng của ông qua những bài kệ tụng, thiền ngữ, bài thơ và những đoạn vấn đáp của ông với những môn đệ. Hơn nữa, ông đã cho xây dựng nhiều công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để phục vụ việc tu hành, tâm linh, giảng đạo. Sau khi Trần Nhân Tông qua đời, người kế tục sự nghiệp của ông là Pháp Loa Đồng Kiên Cường (1284 – 1330), vị tổ thứ 2 của thiền phái Trúc Lâm. Người kế nghiệp Nhị Tổ là Huyền Quang Lý Đạo Tái ( 1254-1334), vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm.
Bàn về vấn đề bản thể luận, Trần Nhân Tông đã tiếp thu tư tưởng của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, qua các phạm trù, khái niệm như “thể”, “diệu thể”, “diệu bản”, “tâm”, “tâm thể”, “chân tâm”, “pháp tính”, “chân như”…. Ông muốn dùng chữ bản để chỉ cái gốc, cái bản nguyên của vũ trụ. Nhưng trong tư tưởng của ông bản thể, Phật tính cũng là “tâm tĩnh lặng”, nên tâm vẫn là khái niệm trung tâm, quan trọng nhất, là “tinh yếu của thiền”, nó chi phối xuyên suốt mọi vấn đề. Điều này được thể hiện rõ trong Cư trần lạc đạo phú:
“Vậy mới hay!
Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuây bản nên ta tìm bụt
Đến cốc hay chỉn bụt là ta”

Ở đây,Trần Nhân Tông cho rằng Bụt ở trong bản thân mình, không phải tìm đâu khác bên ngoài. Nghĩa là gốc, “bản” ở chính trong tâm ta. Tất nhiên cái tâm ở đây là cái tâm đã giác ngộ chứ không phải cái tâm sai khác. Tư tưởng này ông đã tiếp thu tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ, theo Tuệ Trung Thượng Sĩ, đó cũng là cái gốc của thiền, và trong Phật tâm ca, ông viết:
“Phật, Phật, Phật không thể thấy được,
Tâm, Tâm, Tâm không thể nói được
Khi Tâm sinh thì Phật sinh
Khi Tâm diệt thì Phật diệt
Không có chỗ nào diệt tâm mà còn Phật,…”
Khi nói đến tư tưởng Phật ở trong tâm hay bản tâm là Phật, Thường Chiếu thiền sư cũng có bài kệ rất hay:
“Ở đời này làm thân người
Tâm là kho tàng của Như Lai
Soi sáng khắp nơi nơi
Càng tìm càng thấy rộng”
Trong lời tựa của Thiền tông chỉ nam có ghi lời của Quốc Sư núi Yên Tử nói với Trần Thái Tông như:“Núi vốn không có Phật, Phật ở nơi tâm. Tâm lặng lẽ sáng suốt ấy là chân Phật. Nay, nếu bệ hạ giác ngộ ngay tâm đó, thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài”. Vậy, theo quan điểm của các vị thiền sư thời Lý -Trần; khi quan sát các sự vật hiện tượng biến đổi của thế giới khách quan, họ vẫn nhìn ra cái bản thể nhất như hay gọi là pháp tính, không, vô vi …Tuy gọi là không nhưng không phải là cái không tuyệt đối mà nó cùng với sự vật trên thế gian là một và nó phổ biến ở khắp nơi. Sự biểu hiện của nó với mỗi người là chân tâm, Phật tính. Vậy Phật không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm mỗi người. Cho nên, đến hiện nay ai đã đặt chân tới Yên Tử không những cảm nhận hết cái đẹp, cái sâu sắc của tư tưởng tâm là Phật, lúc là vua là bụt nhưng luôn đặt vương triều lên trên hết.
Tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hóa thành gió núi mây ngàn, giác ngộ mỗi người khi hành hương tới nơi đây. Lấy việc đi tu để đoàn kết dân tộc, ông là tấm gương đạo đức cho đời. Hòa trong quy luật cái chân – thiện – mỹ, ông còn là nhà thơ, nhà văn hóa lớn thế kỷ XIII. Thơ ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự….Ông là người có công đầu trong việc xây dựng nền Quốc âm, với bài phú Cư trần lạc đạo nổi tiếng thời đại.
Sự kiện Trần Nhân Tông rời bỏ hoàng cung lên Yên Tử tu hành và sáng lập phái Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là dấu mốc lịch sử đặc biệt, như vừng Đông sáng rực rỡ của thời Trần còn chiếu rọi mãi mai sau. Bằng sự kết hợp các trường phái thiền trước như trên đã liệt kê, trên cơ sở văn hóa truyền thống Việt Nam, Trần Nhân Tông đã xây dựng nên trường phái thiền mang đậm dấu ấn và bản sắc Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam thời kỳ Lý-Trần phát triển rực rỡ. Đó là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, với tư tưởng của ông hay ở chỗ; không thề thốt mà người ta vẫn tin, không mệnh lệnh mà người vẫn nghe, tư tưởng ấy khiến ông lập lên quốc đạo.
Thứ 2, Dấu tích Yên Tử với Trần Nhân Tông:
Hệ thống chùa tháp ở Yên Tử tập trung ở phía nam núi Voi, được giới hạn bởi hai con suối tạo nên thác Vàng phía Tây thác Bạc phía Đông với suối Giải Oan với rừng Tùng cổ thụ, thác nước hòa quện thật mơ mộng, huyền bí, linh thiêng. Chùa đầu tiên không phải leo núi: chùa Trình, ngôi chùa cũ đã bị hư hỏng, hiện nay đã xây lại với quy mô hơn, to đẹp hơn, phía sau chùa là Tam Tổ Trúc Lâm đây là nơi trình báo để lên Yên Tử. Theo con đường nhựa dài khoảng 14 km được hoàn thành 2008, ta đi theo vào đất Phật. Đi khoảng hơn 10 km, ta gặp chùa Suối Tắm, người xưa tương truyền rằng vua Trần Nhân Tông thường tắm gội ở đây, trước khi ông lên Yên Tử. Tiếp theo là chùa Cầm Thực nghĩa là không ăn, ở đây vua Trần bố thí cơm chay cho dân chúng, không còn gì, chỉ có uống nước cầm thực nhưng một lòng cầu đạo.
Ẩn hiện dưới gốc thông già là chùa Lân, chùa nằm trên sườn núi giống như hình con lân. Có lẽ tên chùa cũng bắt nguồn từ đó. Dấu tích chùa cũ không còn, chùa mới được xây dựng lại 2002, nay gọi là Thiền Viện Trúc Lâm. Đi tiếp vào chân núi, ở độ cao 150m, chùa có tên là chùa Giải Oan. Năm 1299 Trần Nhân Tông chính thức lên núi tu hành đi theo ông là hàng trăm mỹ nữ can ngăn, nhưng không thuyết phục được họ đã trầm mình xuống suối Hồ Khê. Để giải oan cho linh hồn mỹ nữ vua Trần Nhân Tông đã lập đàn để cúng, để giải oan cho linh hồn của họ. Đàn tràng nơi cúng giải oan cho các cung nữ chết đuối sau được lập thành chùa để thờ Phật, chùa cũng từ đó mà có tên là Giải Oan. Danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền viết:
“Giải hết tấm lòng ngay với chúa
Oan theo dòng nước sạch cùng vua”
Tiếp tục hành hương dưới hàng Tùng có tuổi 700 năm, ta như cảm nhận được linh khí của đất trời hòa trong hơi thở. Trải qua độ dài vô tận của thời gian nhưng hàng Tùng già vẫn vươn thẳng, bóng Tùng vẫn xanh tỏa bóng mát, dễ Tùng như lát đá nâng bước chân người qua đây.
Điểm dừng chân tiếp theo là chùa Hoa Yên ở độ cao khoảng hơn 500m. Ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất ở Yên Tử được nhà thơ Hoàng Quang Thuận miêu tả qua bài Hoa Đại như sau: “Hai mùa Xuân – Hạ đại nở hoa, Óng ánh hơi sương trắng cánh ngà, Hoa rụng sân chùa hương thơm ngát,Gót vàng ai dạo giữa nền hoa”. Phía sau chùa Hoa Yên là chùa Một Mái, lưu giữ nhiều tượng đá trắng thời Lê, phía trong chùa có độn gạo, giếng nước. Theo con đường nhỏ men theo vách đá dựng đứng hoang sơ, thác Ngự Dội, thác vàng trong nắng xuân cùng hương hoa tỏa mát, cảnh sắc thật nên thơ huyền ảo. Men theo lối, ta gặp lối đi của người xưa, hiển hiện trước mắt là am Dược, am Hoa là nơi hái thuốc của người tu hành xưa ở Yên Tử:
Am Dược Tiên
“Tìm về nơi dấu Phật, tích Tiên
Tiêu dao trong cõi động rừng thiền
Giữa trời thảm cỏ xanh ngút ngát
Mọc đầy dược thảo núi Hoa Yên”
Hoàng Quang Thuận
Tiếp đến là chùa Bảo Sái mang tên một đệ tử của Trần Nhân Tông ở độ cao 800m, dựa vào vách đá dựng đứng.“Thạch hóa Trúc Lâm lưu điển tích, Sơn cao bảo tọa kết lâu đài”. Chùa Vân Tiêu mới xây dựng năm 2003.Vân Tiêu có nghĩa là tan mây.
Nguyễn Trãi có viết:
“Muôn hàng giao ngọc, tre gài cửa
Bao giải tua châu, đá rủ mành
Di tích Nhân Tông còn lưu đấy
Trùng đông thấy giữa ánh quang minh”
Ẩn hiện trong mây là Chùa Đồng được dựng lại vào tháng 1/2007 theo kích thước chùa cũ. Ở nơi đây thoát nắng, thoát mưa, đứng ở đây bao quát cả núi rừng Đông Bắc, xa xa là Vịnh Hạ Long nhấp nhô lượn sóng, sông Bạch Đằng như dải lụa mềm kéo dài đến tận chân trời, trong gió, rừng trúc như lượn vờn trong đỉnh Phù Vân, ta như tỉnh như mơ, chỉ khi tiếng chuông chùa vang lên ta mới biết mình đang đứng trên đất Phật.
Thứ 3, Lợi ích thực tập hành thiền ở Yên Tử theo tư tưởng Trần Nhân Tông ​
​Trong Thiền uyển tập anh, khi nói về phép tu thiền để đạt tới giác ngộ đã ghi rằng, các thiền sư luôn sống giữ gìn giới luật, thanh lọc tâm thân, hòa vào cuộc sống thiên nhiên “giới hạnh trang nghiêm, đạo tâm mở rộng, hàng ngày ăn rau rừng, uống nước suối”. Trần Thái Tông đã phát triển tính chất nhập thế của thiền Việt lên một bước mới đi từ quan điểm “chân Phật” lên “hoạt Phật”. Phát triển tư tưởng thiền này, Tuệ Trung Thượng Sĩ còn táo bạo hơn, ông tu luyện phá chấp triệt để, ông quan niệm đạo và đời không tách rời nhau. Ông tu đạo trong chính cuộc đời bụi bặm, cuộc đời với mọi sự biến ảo mới là thử thách, như đóa sen ở trong lò lửa đỏ. Tư tưởng này của Tuệ Trung Thượng Sĩ góp phần làm cho Phật giáo thời Trần có tinh thần nhập thế tích cực. Đến Trần Nhân Tông với sự ảnh hưởng sâu sắc tính chất thiền nhập thế của ông nội Trần Thái Tông và thầy dạy là Tuệ Trung Thượng Sĩ, đã phát triển tính chất này ở thời đại ông lên một lăng kính mới, thừa nhận tính chất thiền hành động nhập thế tích cực như một đặc trưng riêng của thiền Việt Nam. Điều này được biểu hiện ở chỗ, thiền không dừng lại ở những hoạt động giới hạn trong việc tu hành như ăn chay, niệm Phật, tọa thiền, tu thiền, vui đạo, vô tâm,…, mà còn biểu hiện ở những hành động thiết thực trong cuộc sống vì chúng sinh, nội dung sâu sắc, ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là “hoạt Phật”, sống thiền. Đó không chỉ đơn thuần là gánh nước, bổ củi, đi, đứng, nằm, ngồi cũng là thiền, mà đánh giặc giữ nước cũng thiền, lo cho dân khỏi đói khổ, lo cho nước khỏi tiêu vong cũng là thiền, theo đúng tôn chỉ của thiền Việt. Đây là điểm đặc sắc của thiền Việt Nam. Danh từ “thiền” tiếng Nhật dịch là zena hay “thiền na”, phiên âm từ tiếng Phạn “dhyana” nghĩa là tĩnh lự, yên lặng. Thiền định nghĩa là ngồi yên, chú tâm vào một chỗ mà ngẫm nghĩ về đạo lý, duyên sinh màu nhiệm. Vậy thiền thực chất là sự thể nghiệm trực tiếp về bản chất của cái tôi, là sự nhận thức hướng nội, là sự suy tư, chiêm nghiệm trực tiếp về bản thân cái tâm của mình, không qua khâu trung gian, là sự nhận thức trọn vẹn đối tượng, không chia cắt đối tượng và là sự nhận thức đối tượng sinh động như nó vốn có. Thiền là một pháp hành căn bản trong mọi thời kỳ lịch sử của Phật giáo. Tuy nhiên trong quá trình tồn tại và phát triển, thiền được biểu hiện ra qua những khuynh hướng, tính chất khác nhau ở từng thời gian địa điểm cũng khác nhau. Nếu như thiền ở Ấn Độ là sự suy tư chiêm nghiệm, có tính chất suy lý, trừu tượng thì khái niệm thiền đã được các thiền sư thời Lý – Trần, đặc biệt là Trần Nhân Tông mở rộng nội dung và tính chất của nó, mang lại cho nó tính chất mới, đó là thiền hành động, nhập thế tích cực. Trần Nhân Tông quyết tâm phục hồi và phát huy vai trò chủ đạo của tư tưởng Phật giáo, đưa triết lý đạo đức Phật giáo thâm nhập sâu rộng và trở thành nền tảng đạo đức của nhân dân Đại Việt. Đồng thời cũng là đem triết lý Phật giáo gắn với đời sống xã hội, thể hiện bằng hoạt động, sống tích cực, không kêu gọi xa lánh cuộc đời… Tư tưởng thiền hành động của Trần Nhân Tông ảnh hưởng và tiếp thu tinh thần nhập thế qua tư tưởng chính trị đạo đức trong đạo trị nước của Nho gia, đem những yếu tố tích cực trong học thuyết chính trị của Nho gia như “tam cương, ngũ thường”, như quan điểm về đấng trượng phu, kết hợp với cái tinh yếu trong tư tưởng thiền là đề cao cái tâm gắn với yêu cầu thực tiễn lịch sử Việt Nam. Tư tưởng thiền mang đậm tính chất thiền hành động, nhập thế tích cực của Trần Nhân Tông còn ảnh hưởng và tiếp thu tinh thần phá chấp của thiền phái trước kia, đặc biệt là tiếp thu quan điểm của Trần Thái Tông và Tuệ trung Thượng Sĩ. Nên Trần Nhân Tông có quan điểm về sinh tử, cho rằng con người không thể tránh khỏi sinh tử, mà ở ngay trong sinh tử để thấu suốt bản tính của nó và để nhận ra triết lý “vô thường”, “vô ngã” là không sinh, không tử. Trần Nhân Tông cho rằng cần chấp nhận chuyện sinh tử như lẽ tự nhiên. Sống nhưng không lầm, không chấp vào những cái huyễn ảo của cuộc đời. Phải sống giữa đời, “tùy duyên hành đạo”. Đó chính là tinh thần nhập thế tích cực. Trong bài Sống chết là lẽ thường mà thôi, Tuệ Trung Thượng Sĩ viết:
“ Người ngu điên đảo tử và sinh
Bậc trí, tử sinh thường thôi vậy”
Chính quan niệm sinh tử của Tuệ Trung Thượng Sĩ đi trước như vậy đã giúp cho Trần Nhân Tông tạo nên triết lý thiền mang tính chất hành động, nhập thế tích cực. Mặt khác cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông với vị trí xã hội và địa vị tôn giáo đặc biệt của mình, vừa là vị vua vừa là thiền sư, ông không chỉ là người sáng lập ra thiền phái lớn nhất Việt Nam thời đó mà còn là vị vua anh minh dẫn dắt muôn dân trị vì đất nước, đã khiến ông không thể tách rời đạo với đời, gắn lợi ích bản thân với lợi ích dân tộc.Tư tưởng của Trần Nhân Tông còn thể hiện tính nhân văn hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm và đề cao con người. Có nhà nghiên cứu đã nhận định, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã định nghĩa Thiền một cách hết sức đơn giản: “Thiền là sáu căn đối với sáu trần mà tâm không dấy động”, là đối cảnh vô tâm, tâm không vọng động khi đối cảnh bên ngoài hay nói cách khác là căn trần bất nhiễm. Trong thời đại kinh tế thị trường như ngày nay, mọi vấn đề trở nên số hóa, tâm hồn mỗi người cũng trở nên chai sạn, đạo tâm con người đang xuống cấp, xa cách thờ ơ với thế sự cuộc đời thì việc ứng dụng tư tưởng thiền của Trần Nhân Tông sẽ phù hợp hơn bao giờ hết. Có lẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông là hóa thân của Phật gửi thông điệp tới chúng ta về vấn đề tứ oai nghi, thực hành việc ăn, thiền trà trong chính niệm trên đất Phật Yên Tử… Vấn đề đi, đứng, nằm, ngồi trên nhân gian đối với con người cũng đặc biệt quan trọng, nếu ta biết thực tập thực hành theo đúng thì ta ắt bình an, hạnh phúc. Chúng ta từ hiện tại hướng về quá khứ, trở lại những trang sử đã qua ta chợt thấy nhiều vị như chư tôn Đức, học giả, hay những người có đủ duyên họ đã giác ngộ giải thoát vì thực tập, hành đạo theo giáo lý thiền nên mới thấy mười phương đều có Phật, cái thấy này là cái thấy bằng trí, thấy Phật thông qua vô tướng, tâm tĩnh lặng. Đến hôm nay trên đất Phật Yên Tử đã có nhiều chuyến thăm, thảo luận, dự thiền trà, học cách hành thiền khi ăn, uống, lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương, đem lại hiệu quả ứng dụng cao trong cuộc sống thực tại.
Trong buổi hành hương trở về đất Phật Yên Tử vào đầu năm 2018, đoàn chúng tôi có gần 200 thành viên đã được trải nghiệm, được hướng dẫn thực tập Thiền Trần Nhân Tông, như thiền ăn, uống trong chính niệm do Đại đức TS. Thích Quảng Hợp (Bắc Ninh), Đại Đức Thích Khai Từ, Đại đức Thích Khai Trung chùa Trình Yên Tử kết hợp với tiểu ban danh thắng di tích đồng tham gia hướng dẫn tại Yên Tử. Đại đức. TS.Thích Quảng Hợp đã đưa ra, nhắc lại và làm rõ thêm khái niệm Chính niệm trong đạo Phật, chính niệm là tỉnh thức, nhớ nghĩ một cách chính xác, khi lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức, cần biết rõ lục thức đó như thật, tâm thấy cảnh sinh tâm hoan hỷ, yêu đời yêu đạo, tri ân trời Phật, nhớ báo đáp bốn ân, nhờ có bốn ân nên ta có mặt trên đời. Sự hướng dẫn thiền trà và giải đáp nhiều câu hỏi của quý Phật Tử trên tinh thần triết duyên sinh sinh động.
Chính niệm (正念) Chính niệm là một trong tám chi phần quan trọng của Bát chính đạo, là sự tỉnh giác, tỉnh thức về chính đạo, không quên niệm, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, biết rõ những gì phát sinh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. Trong Phật giáo Nguyên Thủy, chính niệm là trái tim của thiền tập, là nguồn năng lượng quán chiếu không thể thiếu của một thiền giả; là cột trụ, là cốt tủy trong đạo Phật. Vậy nên ta có thể nói người có chính niệm trở nên thanh tịnh, lướt khỏi diệt sạch sự sầu lo đau đớn, người đó là Phật vậy.
Trong khế kinh Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn hết? Chúng ta phải biết chính niệm tỉnh giác từng tâm niệm của mình, khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mặc y, ôm bình bát đi khất thực đều tỉnh giác; khi ăn uống đều tỉnh giác; khi đi đại tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi đứng, nằm, thức, ngủ, nói năng hay yên lặng đều tỉnh giác”. Đoạn kinh trên Phật dạy người xuất gia cần biết chính niệm là như thế, người Phật tử tại gia cũng cần nên hiểu chính niệm như vậy. Nhờ Phật dạy Trần Nhân Tông lĩnh hội thiền chính niệm giúp ta khi biết tin chủ Tịch nước Trần Đại Quang vừa từ trần lúc 10h05 phút (21/09/2018), ta đã khởi tâm từ bi vô lượng, mong cầu Phật, làm việc lành hồi hướng hương linh chủ tịch siêu thoát… Vậy nên, Chính niệm là một khía cạnh của cuộc sống mang lại nhiều lợi ích cho con người hiện đại. Trong xã hội, chúng ta thường gặp nhiều vấn đề với các mối quan hệ khác nhau, mặt khác chúng ta cũng phải đối đầu với những chướng ngại vật và khó khăn với sự liên lạc. Do đó, chính niệm là một phương tiện, giúp ta bỏ tà quy chính, chuyển tâm loạn thành tâm an, mang lại hạnh phúc lớn cho mọi người. Chính niệm không chỉ áp dụng cho những suy nghĩ của riêng mình, trong bài phát biểu và hành động mà nó còn áp dụng ở mọi nơi, như thực tập mỗi ngày khi chúng ta tương tác với nhau. Chúng ta phải sống với chính niệm từ thời điểm chúng ta tỉnh dậy, đi làm và kết thúc ngày của chúng ta. Ta luôn ý thức được mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì, và do đó có thể soi sáng mọi tư tưởng, lời nói và hành động của mình bằng nguyên lý duyên sinh. Phương pháp chính niệm dạy chúng ta phải ý thức được rằng, khi ta ăn ta biết mình đang ăn, nhai thật kỹ, nghĩ thật tường, chậm dãi, thảnh thơi, nếu ta quán chiếu được như vậy chúng ta ăn cơm với muối cũng thấy vị ngọt ngon của thức ăn. Khi ta đang ngồi ta biết mình đang ngồi, khi ta đang đi ta biết mình đang đi, ta tỉnh thức trong từng phút giây với sự quan sát rõ ràng trong từng tâm niệm và hành động của mình ta sẽ thấy an lạc và hạnh phúc. Mỗi chúng ta hãy thắp lên ngọn đuốc của chính niệm, từ đó ta sẽ làm chủ được chính mình và thoát khỏi được si mê, ganh ghét, vội vàng, hối hả của cuộc sống thường nhật. Chúng ta hãy luôn quan sát những sự việc xảy ra qua con mắt duyên khởi, sẽ thấy cuộc đời là ngọn nguồn của dòng chảy yêu thương vô tận, bởi chính ta có trái tim từ bi, hiểu biết, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, nên mọi phiền muộn khổ đau sẽ tan vào hư không. Như vậy, mỗi ngày thức dậy, ta thấy mình thêm niềm vui, lạc quan và tràn đầy năng lượng. Ta chỉ làm một việc ấy thôi cũng đủ đưa mình về thực tại cuộc sống mầu nhiệm, để mình có thể bao bọc và chở che cho tất cả muôn loài. Vì vậy mỗi chúng ta chỉ cần một sự thay đổi nhỏ của mình là ta đã làm nên một điều khác, một điều màu nhiệm cho cuộc sống cho ta và cho xã hội. Khổ thơ đầu trong bài “Mê Ngộ Bất Dị” được dịch như sau:
“Mê đi sinh không sắc
Tỉnh lại chẳng sắc không
Sắc không cùng mê tỉnh
Xưa nay một lý cùng”
Đó là sự giác ngộ được thực hiện ngay trong cuộc sống hiện hữu giữa cái giả hợp, cái vô thường.Ta nên biết rằng, ta thường xuyên quán chiếu, nghiệm xét lại chính mình, sẽ giúp ta cảm nhận bình an, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ (Now and here). Sự khác nhau giữa người có tu và người không biết tu là ở chỗ, khi có quả xấu đến, người có tu quán quả xấu là duyên sinh giả hợp, không chấp nên giữ được tâm thanh tịnh, an lạc, xử lý hoá giải quả xấu một cách dễ dàng ngay trong cuộc sống.
​Và cũng thật may mắn và hạnh phúc trong chuyến về với Yên Tử lần này, đoàn chúng tôi cũng được dự buổi thiền trà, được lắng nghe và chia sẻ, để thấy tâm ta tĩnh lặng, được trải nghiệm, được tương tác cùng Phật tử và được trao đổi đạo pháp cùng quý thầy và thấy cái màu nhiệm của đạo Phật. Trong khi dự thiền trà, tâm ta thấy thoải mái, an lạc. Thi sĩ Tô Đông Pha người Trung Quốc (1037-1101) đã ca ngợi trà có tính chất tinh khiết và giống như một người có đức hạnh cao quý, trà không sợ bị hư hỏng. Trà đạo được coi như đạo lập ra nhằm tôn sùng vẻ đẹp trong những công việc tầm thường trong sinh hoạt hằng ngày, sâu xa hơn đó còn là một loại tín ngưỡng dành cho những người bị quyến rũ bởi tính hồn thiện và tinh khiết của thế giới thiên nhiên. Trà đạo gắn liền với văn hóa phương Đông, hiện hữu ngay trong sự dân dã nơi cuộc sống thường ngày của xã hội. Chén trà hiện hữu trong ẩm thực, trong giao tế, lễ lộc, trà đạo đi vào văn chương đi vào ngõ ngách đời sống. Trà đã theo con người từ cuộc sống từ sinh đến tử, gắn liền với cuộc sống. Từ sự dân dã con người tìm ra thế giới yên bình, thông qua tách trà để nội soi bản thể, thức tỉnh tâm hồn. Bên chén trà, thong thả nâng chén trà lên nhấp ngụm ta có thể cảm nhận luồng năng lượng tinh khiết len lỏi trong huyết mạch, lan tỏa từ thể xác tới tâm hồn cũng như len lỏi trong tâm thức mình, chủng tử buông xả đã chiếm lĩnh phần nào trong tạng thức, đâu là chỗ cứng đầu, lì lợm và điều gì đã ngoan ngoãn nghe theo. Người thế tục uống trà là để tìm sự an tĩnh cho tâm hồn nhưng với người thiền định thì uống trà là một phương cách để tĩnh tọa: “茶味禪味是一味”(Trà và thiền là một). Nhận thức chén trà đầu tiên đem đến cảm giác dung nhập vào vũ trụ mà trong đó chỉ có mình, tách trà và thế ngồi của chính mình. Chỉ cần thưởng trà chúng ta cũng đã thiền định, lâu hay mau tuỳ theo sự thoải mái của cơ thể. Chỉ cần vậy là chúng ta sẽ có được những giây phút an lạc, tim sẽ đập nhẹ nhàng hơn và hơi thở sẽ sâu lắng hơn. Chính hôm nay, trên đất Phật Yên Tử, những người con từ muôn phương đã hội tụ về đây, hòa mình trong phương pháp thiền định của cha ông, bên chén trà ta tưởng nhớ đến dấu tích người xưa, Phật hoàng Trần Nhân Tông giúp ta cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc giáo Pháp của ngài. Từ ấy phản quan tự kỷ, hoàn thiện nhân cách đạo đức để tu, sống có ích cho đời, cho đạo để xây dựng đất nước ta thêm giầu mạnh, văn minh. Chia sẻ đến đây ta có thể mượn mấy câu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi luận thiền trà trong chính niệm để tạm kết như sau:“Chén trà trong hai tay, Chánh niệm nâng tròn đầy, Thân và tâm an trú, Bây giờ và ở đây”.
3. Kết luận
Ta có thể khiêm tốn và ca ngợi rằng, cảnh non thiêng Yên Tử thật tuyệt trần, cảnh bồng nai, Phật hoá hiện ra như thế ấy. Cảnh sắc nơi Yên Tử dễ giúp người xưa, nay tu tập đạt an định, phát tuệ, Phật hoàng Trần Nhân Tông là điển hình. Qua đây đã khẳng định thêm rằng; dù ở đâu nếu ta khai tâm, mở trí quyết tu tâm sẽ thành Phật, vì Phật hoàng đã nhắc ta trong tâm vốn có Phật, tâm vô ngã không chấp, khiêm tốn, từ, bi, hỷ, xả, thương chúng sinh hơn sẽ được thân khỏe tâm an thực sự. Đến ngày giỗ hàng năm, những người con Phật trên mọi miền đất nước lại hướng tâm thành kính đến vị tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Họ tri ân Tam Bảo, Phật hoàng tiền bối, cũng là tri ân mọi người hôm nay có công tìm hiểu ôn cố tri tân về đạo màu, “một lần nhắc lại một lần mới”, góp phần đạo đời xương minh, thịnh vượng, còn lưu lại cái tâm tinh tiến, quán các pháp giai không, thấy tâm tịnh tức là Phật tịnh, Phật tâm chính là một, không khác, không phải cầu đâu xa. Con đường hành hương trong mùa xuân đưa đoàn chúng tôi về với phát tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong cảnh sắc huyền ảo của mùa xuân nơi đây, muôn loài đơm hoa nảy lộc trong mỗi chúng ta chợt như được rũ bỏ bụi trần, đứng bên am, thác đền đài, ta cảm giác xả sạch lo toan, xả tham lam – sân hận – không hiểu biết chủ quan thường nhật, để chiêm nghiệm lại chính mình, ôi tâm ta sẵn có Phật. Phong cảnh núi rừng Yên Tử đang hòa trong sắc xuân, dưới ánh trăng mùa xuân huyền ảo. Cảnh vật như trầm mặc ngỡ ngàng trước dòng người qua lại khiến du khách cảm thấy tĩnh tại lạ thường. Đoàn chúng tôi kết thúc chuyến du xuân hành hương về nơi cửa Phật bằng buổi lễ cầu an, thực tập thiền tri ân bốn ơn, mong Tam bảo gia hộ, tâm mình tinh tiến, tu tập làm lành hóa dữ, hiểu thấu nhân quả với nhiều điều hi vọng mới trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Ngày xuân hành hương nơi Yên Tử để học cách thiền, để biết tu phúc, cầu tài, cầu bình an cho đất nước dân tộc, đó là hạnh phúc của người Việt Nam trong dịp mùa xuân. Có thể nói, chúng tôi có một chuyến đi về Yên Tử thật ý nghĩa, cho tôi được trải nghiệm, sống tu theo thiền để biết tâm ta vốn có Phật, sống tỉnh thức, mở lòng từ bi vô lượng. Khép lại chuyến về Yên Tử, tôi chính là tôi ở đời thường, tâm thênh thang, tâm nghiệp thanh tịnh, tôi yêu đời yêu đất nước, yêu thế giới quanh ta. Đến đây, tôi xin mượn mấy vần kệ Phật để khép lại bài tham luận: “Nguyện đem công đưc này, Hướng về khắp tất cả, Đệ tử và chúng sinh, Đều trọn thành Phật đạo”. Phật dạy tâm cảnh vốn không, giải nghĩa tiêu đề tham luận: “Còn lại gì sau chuyến trở về Yên Tử ”, như không mà có, thật diệu hữu khôn cùng. Thiền hóa là như thế ấy.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Nguyễn Đại Đồng (2017), Phật Giáo Việt Nam Từ Khởi Nguyên Đến Năm 1981, Nxb Tôn Giáo; Thích Thiện Hoa (2008), Phật Học Phổ Thông, tập 1-2-3, Nxb.Tp Hồ Chí Minh.
-Thích Nguyên Hùng, bài Quán Vô Thường, Giacngo-online 1 -2018; PGS.TS.Nguyễn Đức Diện, bài Thiền Phật giáo và giá trị của nó đối với sức khỏe con người, Tạp chí Phật học, 2018, tr.35-41.
– Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội; – TT nghiên cứu Hán Nôm, (Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền Tông Việt Nam (1993).
– Thích Thanh Từ (1992), Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo .Tp. HCM
– Đoàn Trung Còn, (2009), Phật Học Từ Điển, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
– Lê Mạnh Thát (1999) Trần Nhân Tông, Con người và tác phẩm. Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
– Nguyễn Hùng Hậu (1997), Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
– Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế
– Lê Mạnh Thát (2002), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
– Thích Thanh Từ (Chủ biên, 1995), Thiền học đời Trần, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
– Viên khoa học xã hội Việt Nam(1998), Đại việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
– Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
– Phân viện nghiên cứu Phật học (1990), Thiền uyển tập anh, Nxb. Văn học, Hà Nội.
– Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
– Lý Thị Thảo, Luận văn Thạc sĩ triết học “Triết lý nhân sinh Phật giáo và ảnh hưởng của nó tới đời sống tinh thần của người dân Bắc Ninh hiện nay”, Đại học sư phạm Hà Nội, 2016.

10

                                                             Đăng: Phúc Trí