Đôi dòng cảm nhận chuyến hành hương về miền đất Tổ Việt Nam…

Hôm nay trời se se lạnh, phảng phất những làn mưa bay làm mờ kính xe của đoàn chúng tôi, càng làm cho không khí trong xe thêm trang nghiêm yên tĩnh vì quý Thầy đọc Cảnh sách buổi sáng cả đoàn niệm Phật theo Thầy. Nam mô a di đà Phật, tất cả đều nhất tâm trì niệm, lời niệm Phật đã làm cho không ai trong đoàn còn quan tâm đến quãng đường dài bao xa và khung cảnh đền Hùng[1] đã hiện ra trước mắt. Thầy nói với cả đoàn chúng tôi những thông tin cơ bản, lịch sử địa danh linh thiêng nơi chốn Tổ, Thầy trò chúng tôi bắt đầu hành hương lễ Tổ Hùng Vương:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Có lẽ giờ là thời điểm đầu của ngày giỗ Tổ, đồng thời Thầy trò tôi có mặt tại đền Hùng mới sớm tinh sương nên khung cảnh hùng vĩ linh thiêng nơi đây thật thanh bình, huyền ảo. con đường dẫn lên đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, tại Đền Hùng cũng còn có một ngôi chùa thờ Phật, sự ngoằn nghèo được xây nối tiếp những bậc gạch hai bên những hàng cây xanh mát mang trong mình những giá trị thời gian hàng trăm năm, nên đoàn chúng tôi ai cũng hoan hỷ trước vẻ đẹp nguyên sơ không khí trong lành và rồi chúng tôi cũng đã lên tới đền Thượng, Thầy trò cùng lên khóa lễ trang nghiêm, cầu mong Người gia hộ quốc thái, dân an, thế giới hòa bình chúng sinh an lạc.

IMG_0463

Ảnh: Phúc Trí

Sau 2h đồng hồ (từ 6h30 – 8h30 phút sáng) ngày 23/03/2017 đoàn chúng tôi rời đền Hùng di chuyển sang Tam Đảo[2]:

Rừng xanh mây trắng vờn theo

Đường đèo uốn lượn suối reo gió ngàn…

Mặc dù quý Thầy đã khái quát những nét đặc trưng địa danh nơi này: là Đà Lạt của miền Bắc, đèo dốc ngoằn nghèo hiểm trở…,cả đoàn chúng tôi đồng thanh niệm Adi đà Phật từ  chân đèo lên đỉnh đền Bà Chúa Thượng Ngàn, hơn chục cây số xe chạy quanh co uốn theo sườn núi mọi người choáng ngập trước tạo hóa thiên nhiên ưu ái dành cho nơi đây. Có thực mục sở thị mới cảm nhận được vẻ đẹp huyền bí của chốn bồng lai tiên cảnh núi rừng Tam Đảo.

Khoảng 10h30 trưa cùng ngày chúng tôi đặt chân tới Tam Đảo, khoảng 45 phút làm lễ tại chùa có kiến trúc 5 tầng, các pho tượng trong chùa hầu như toàn bằng đồng màu vàng rất linh thiêng (người trực chùa này nói chùa có Đại đức Thích Quang Hòa đơn vị Hà Nội trụ trì), đền thờ mẫu rất đẹp, thăm một số địa danh nơi đây.

Có câu thơ như:

HÀNH HƯƠNG ĐẦU XUÂN

Nhất tâm về lễ Đền Hùng

Quanh co rừng núi điệp trùng mây bay

Lên với Tam Đảo hôm nay

Lễ Phật lễ mẫu phúc dày mai sau

Chúng con nhất tâm nguyện cầu

Làm lành lánh ác sống lâu giàu bền”[3]

 

Tiếp theo, đoàn chúng tôi tạm biệt Tam Đảo xuống núi nghỉ ngơi dùng bữa trưa thanh đạm vào khoảng 14h chiều, sau đó xuất phát thẳng tới Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội, trường được đặt cạnh chùa Non (Sóc Thiên vương Thiền Tự) vào khoảng 16h35 phút cùng ngày.

Do lịch trình của đoàn chúng tôi đi lễ hai nơi thời gian phụ thuộc nhiều vào yếu tố ngoại cảnh, vì đường đèo dốc nên không định trước các nơi viếng thăm. Nhưng có lẽ Thầy dẫn cả đoàn nhất tâm làm việc một cách khoa học nên chúng tôi được Thầy thông báo tiếp tục đến Học viện PG Việt Nam tại Hà Nội, cả đoàn vô cùng phấn khởi nên  khi quý Thầy khởi tâm cả đoàn đồng lòng hoan hỷ theo Thầy phát tâm tịnh tài, tịnh vật cúng dường các quý Thầy đang tu học tại Học Viện, mong quý thày (tăng ni) tinh tấn tu học thật tốt, sau này góp phần hoằng dương Phật pháp lợi lạc quần sinh. Vì bản thân mỗi chúng tôi đã được Thầy chỉ dạy và đã hiểu được việc cúng dường Tăng Ni là việc làm rất cần thiết của mỗi người chúng ta, góp phần cho sự nghiệp giáo dục tăng tài làm cho Phật giáo cũng như đất nước ngày càng hưng thịnh , trường tồn, và lan tỏa. đoàn chúng tôi được quí Thầy đón tiếp tại văn phòng Phật giáo ấm cúng trang nghiêm. Sau khi Thầy trò bạch lễ cả đoàn ai cũng cảm thấy thật xúc động, xen lẫn niềm tự hào vì đã làm được chút việc ý nghĩa góp phần nhỏ vào trường trong khi cuộc sống tu học của các Tăng Ni sinh còn rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Dời HVPGVN tại Hà Nội, Thầy trò tôi lên xe về Bắc Ninh và Thầy đọc Bài cảnh sách buổi chiều cả đoàn niệm Phật theo Thầy, sau đó Thầy nói sơ qua buổi đi lễ hôm nay, tán thán công đức của mỗi Phật tử làm được, nhưng bên cạnh đó có một số điểm cần rút kinh nghiệm cho  bản thân mỗi người để ngày càng tinh tấn trên bước đường tu học.

Chuyến hành hương về miền đất Tổ Vua Hùng, Tam Đảo, Học Viện PGVN tại Hà Nội thập phần viên mãn, mỗi người trong đoàn chắc sẽ có những cảm nhận khác nhau, nhưng ai cũng hoan hỷ về một chuyến đi đầu xuân đầy ý nghĩa ấn tượng khó phai.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận được trong chuyến hành hương 26/3/2017

 IMG_0461

IMG_0455

 IMG_0476

IMG_0487

Ảnh: Từ Trí

IMG_0483

IMG_0491

Ảnh: Diệu Linh

IMG_0453

IMG_0469

Ảnh: Phúc Trí

 Hưng Sơn: ngày 27- 3- 2017

Tác giả: Ngô Thị Tuyết

[1] Đền Hùng được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 đời vua Đinh Tiên Hoàng, nhưng quy mô hơn thì vào thế kỷ 15 mới hoàn thiện

[2] Tam Đảo: Là chỉ chỉ dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam, nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tam đảo chỉ 3 ngọn núi: Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa, ngọn cao nhất cao khoảng 1591m so với mực nước biển.

[3] Thơ: tác giả Diệu Trinh tức Ngô Thị Tuyết chị hai quan họ làng Diềm, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh

Bài viết khác