KỸ THUẬT XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU DẠY HỌC

 KỸ THUẬT XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU DẠY HỌC

Đại đức Thích Chánh Thuần
1.ĐỊNH NGHĨA
1.1. Định nghĩa
– Mục tiêu (nói chung) là kết quả dự kiến cần đạt được sau khi thực hiện một hoạt động.
– Mục tiêu dạy học là kết quả mà giáo viên mong muốn người học đạt được(đó là sự thay đổi của người học) sau khi kết thúc một giai đoạn hay một quá trình dạy học. Mục tiêu dạy học cần đảm bảo ba yếu tố: Kiến thức, kĩ năng, thái độ. Ngoài ra có thể xây dựng thêm mục tiêu Năng lực.
1.2. Chức năng của mục tiêu dạy học
– Chức năng định hướng: Giáo viên căn cứ vào mục tiêu dạy học để thiết kết nội dung dạy học, lựa chọn phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho hoạt động dạy học. Còn học sinh học sinh, trên cơ sở ý thức được mục tiêu dạy học, sẽ có ý thức, hành vi, điều chỉnh hoạt động học tập bản thân để hoàn thành tốt các nhiệm vụ dạy học.
– Chức năng kiểm tra đánh giá: Mục tiêu dạy học như là một thước đo mà giáo viên căn cứ vào đó để đánh giá kết quả học tập của học sinh, cũng như tự đánh giá hiệu quả hoạt động dạy học của bản thân.
2. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU DẠY HỌC
2.1. Các cấp độ của mục tiêu dạy học
Mục tiêu dạy học cần đảm bảo ba yếu tố: Kiến thức, kĩ năng, thái độ.

Cấu trúc tam giác mục tiêu này, được ông Benjamin Blooom(nhà tâm lý giáo dục người Mỹ) cùng các cộng sự xây dựng năm 1956.
2.1.1. MỤC TIÊU KIẾN THỨC
2.1.1.1. kỹ thuật xác định mục tiêu kiến thức
– Xác định rõ, cụ thể những nội dung kiến thức cơ bản mà người học cần nắm vững bao gồm: Nắm vững các quy luật, định luật, nguyên lí, khái niệm khoa học; sự hiểu biết về các tri thức hướng dẫn hành động; các hiểu biết về con người, quan hệ xã hội, hệ thống các giá trị, các chuẩn mực xã hội.
– Sử dụng các động từ để mô tả về các mực độ đạt được về kiến thức.
2.1.1.2. Kỹ thuật xác định mục tiêu kiến thức theo thang Bloom
Bloom đã chia mức độ kiến thức thành các mức độ từ đơn giản đến phức tạp gồm 06 mức độ: Biết – Hiểu – Ứng dụng – Phân tích – Tổng hợp – Đánh giá
Kỹ thuật sử dụng mức độ kiến thức của thang Bloom để xác định mục tiêu là dựa vào 06 mức độ nhận thức của Bloom, xây dựng mục tiêu bài học, giúp người học tiếp nhận và sáng tạo bài học có đặc tính giá trị của 06 mức độ nhận thức trên.

Đến giữa thập niên 1990, giáo sư Lorin Anderson, một học trò của Bloom, cùng một số đồng nghiệp tu chính Bảng Phân loại của Bloom. Sự tu chính này cũng tương tự như của Bloom, chỉ thay đổi hai tầng cuối cùng là đánh giá (tầng 5) và sáng tạo (tầng 6). Một đóng góp nữa trong Bảng Tu chính là sử dụng các động từ thay cho các danh từ như trong bảng chính. Kết cấu mức độ theo giáo sư Lorin Anderson là: Nhớ – Hiểu – Áp Dụng – Phân Tích – Đánh Giá – Sáng Tạo.

* Khi xác định mục tiêu bài giảng về mặt nhận thức, thì tùy theo yêu cầu bài giảng mà xác định mục tiêu về mặt nhận thức ở cấp độ nào, chứ không nhất thiết, bài giảng nào cũng đủ sáu cấp độ nhận thức khi xác định mục tiêu.
2.1.1.2.1. Biết(Knowledge)
* Định nghĩa: Được định nghĩa là sự nhớ lại các dữ liệu đã học được trước đây. Điều đó có nghĩa là một người có thể nhắc lại một loạt dữ liệu, từ các sự kiện đơn giản đến các lí thuyết phức tạp, tái hiện trong trí nhớ những thông tin cần thiết. Đây là kết quả thấp nhất của kết quả học tập trong lĩnh vực nhận thức. Ở mức độ biết người học có thể tái hiện lại những gì đã biết, đã trải qua, ghi nhớ được những dữ kiện, số liệu, tên người, địa phương, các định nghĩa, quy tắc, quy luật, nguyên tắc, nguyên lý, định lý,…
* Động từ mô tả cấp độ “Biết”: Định nghĩa, trình bày, liệt kê, xác định, mô tả, chỉ ra, nhắc lại, phát biểu,…
* Cách đặt câu hỏi để kiểm tra học sinh về mức độ “Biết”, xem học sinh đã ghi nhớ được bài đến đâu: Khi đặt câu hỏi, kiểm mục tiêu “biết”, xem học sinh ghi nhớ bài đến đâu, giáo viên dùng các câu hỏi như: Ai..? Cái gì…? Ở đâu…? Thế nào…? Khi nào…? Hãy định nghĩa….? Hãy mô tả….? Hãy liệt kê…? Hãy kể lại….? Như các vị dụ dưới đây:
Đức Phật là ai?
Đức Phật đản sinh ở đâu?
Đức Phật là người như thế nào?
Hãy cho biết thế nào là Tam Quy
Hãy định nghĩa tam quy?
Hãy kể tên các vị Phật mà bạn biết?
Hãy nêu định nghĩa về Bồ Tát.

2.1.1.2.2. Hiểu(Comprehention)
* Định nghĩa: “Hiểu” được định nghĩa là người học có thể chỉ ra được ý nghĩa và mối liên hệ giữ các thông tin, khái niệm, có thể giải thích được khái niệm, minh họa được,…Kết quả học tập này, cao hơn mức độ biết và là mức thấp nhất của việc thấu hiểu sự vật.
*Động từ mô tả mức độ “hiểu” : Tóm tắt, giải thích, đối chiếu, trình bày lại, hình dung, lấy ví dụ,…
*Cách đặt câu hỏi kiểm tra mức độ hiểu của người học: Giáo viên sử dụng các cụm từ: tại sao..? Vì sao…? Hãy so sánh…; Hãy liên hệ…; Hãy giải thích… Như các ví dụ dưới đây:
Niệm Phật có lợi ích gì
Vì sao phải quy y Tam Bảo?
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe như thế nào?
Tại sao Đức Phật lại đến vườn Nai trước?
Tại sao lại phải quy y Tam Bảo?
2.1.1.2.3. Áp dụng(Application):
*Định nghĩa: Áp dụng là khả năng người học vận dụng kiến thức, sử dụng phương pháp hay nguyên lý, ý tưởng…để giải quyết một vấn đề nào đó trong thực tiễn.
*Động từ mô tả mức độ áp dụng: Áp dụng, liên hệ thực tế, , kết nối, chứng minh, phân biệt, làm thế nào, giải quyết…
*Cách đặt câu hỏi kiểm tra khả năng ứng dụng của người học: Giáo viên đặt câu hỏi có cụm từ như: Làm thế nào…? Có cách gì giải quyết…? Có phương pháp nào….? Có cách nào…? Xử lý như thế nào….? Giải quyết như thế nào…? Ví dụ câu hỏi như:
Làm thế nào để tiết kiệm điện trong gia đình?
Làm thế nào để bớt phiền não trong cuộc sống?
Làm thế nào để tâm hồn được thanh thản?
Làm thế nào để xóa bỏ hận thù?
Làm thế nào để bỏ được thuốc lá?
2.1.1.2.4. Phân tích(Analysis)
* Định nghĩa: Phân tích là khả năng chia nhỏ vấn đề thành các khái niệm, thành phần có quan hệ hữu cơ với nhau để tìm hiểu bản chất vấn đề. Với khả năng phân tích, người học sẽ hiểu rõ bản chất của vấn đề, bản chất của sự vật, hiện tượng, khái niệm…nó là tiền đề, là cơ sở quan trọng, là các dữ liệu để người học tổng hợp, phê phán, kết luận… từ đó đi tới sáng tạo cái mới.
* Động từ mô tả cấp độ phân tích: Phân tích, so sánh, chứng minh, tương tác, Suy ra, rút ra,….
* Cách đặt câu hỏi kiểm tra khả năng phân tích người học: Giáo viên đặt câu hỏi có các cụm từ: Tại sao…? Có nhận xét gì…? Hãy chứng minh….? Hãy phân tích….? Hãy so sánh…? Ví dụ như các câu hỏi dưới đây:
– Phân tích nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở ao hồ?
– Vì sao làm ác sẽ gặp quả ác, làm lành gặp quả lành?
– So sánh Đức Phật nguyên thủy và đại thừa.
– Sự khác biệt của người xuất gia và tại gia.
2.1.1.2.5. Tổng hợp(Sinthesis)
* Định nghĩa: Tổng hợp là khả năng nhìn nhận được bản chất và mối liên hệ, sư tương tác giữa các vấn đề, rồi hệ thống lại, sắp xếp lại, tổng hợp lại, gom các vấn đề lại, từ đó hình thành một tổng thể mới. Đó cũng là sự gắn kết các kiến thức đã lĩnh hội thành một hệ thống, theo một lôgic, đầy đủ, chạt chẽ.
* Động từ mô tả cấp độ: Sắp xếp, thông kê, tổng hợp, gom lại, đúc kết lại, tóm lại, thiết kế, tổng kết, lập kế hoạch, lập dự án, lập quy hoạch, lập chương trình, báo cáo
* Câu hỏi kiểm tra khả năng tổng hợp của người học: Giáo viên sử dụng các cụm từ như: Có nhận xét gì….? Rút ra kết luận gì….? Số liệu bao nhiêu…? Thấy được điều gì….? Có tính chất gì…? Rút ra nguyên tắc gì….? Có kết luận gì….? Đặc điểm gì…? Ví dụ như:
– Sau khi tìm hiểu cuộc đời Đức Phật, bạn có nhận xét gì?
– Sau khi nghe báo cáo, bạn có ý kiến gì?
– Sau khi đi thực tế các ngôi chùa cổ, bạn rút ra được đặc điểm chung gì?
– Đặc điểm chung giữa giáo lý nguyên thủy và đại thừa là gì?
– Thơ thiền có đặc điểm gì nổi bật?
– Phật giáo thời lý có những hạn chế gì?

2.1.1.2.6. Đánh giá(Evaluation)
*Định nghĩa: Đánh giá là khả năng xây dựng giá trị, đưa ra những nhận xét hay – dở, tốt – xấu, tiến bộ – lạc hậu, phù hợp – không phù hợp, thích – không thích…. Về các sự vật, hiện tượng, khái niệm, phương pháp…
* Các từ chỉ mức độ đánh giá: Hay, dở, tốt, xấu, đẹp, thích, không thích, lạc hậu…
* Cách đặt câu hỏi kiểm tra mức độ đánh giá người học: Câu hỏi này, thường là câu hỏi mở, người học đồng thời phải giải thích tại sao lại đưa ra nhận định đó. Ví dụ như các câu hỏi:
– Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, bạn thích nhân vật nào? Tại sao?
– Trong các nội dung, Bạn thích nội dung nào? Tại sao?
– Bạn thích ăn chay hay ăn mặn? Tại sao?
– Theo bạn tại sao chúng ta lại không nên sát sinh?

+ Mức độ sáng tạo
– Theo Lorin Anderson, trong mức độ nhận thức, có mức độ sáng tạo. Đây là cấp độ cao nhất của tư duy. Trên cơ sở kiến thức đã được xây dựng, hình thành trong quá trình học, người học đưa ra những dự đoán, cách giải quyết vấn đề, cách làm mới theo suy nghĩ của mình.
– Câu hỏi mức độ sáng tạo: Giáo viên đặt dạng câu hỏi như: Có giải pháp nào khác…? Có cách nào khác….? …. Ví dụ như:
Làm thế nào để trường mình xanh, sạch hơn?
Làm thế nào để chấm dứt khổ đau?
Làm thế nào để lan tỏa tinh thần từ bi của đạo Phật?
Có cách nào khác giải bài toán này.

2.1.2. MỤC TIÊU KĨ NĂNG(TÂM VẬN ĐỘNG)
2.1.2.1. Định nghĩa
Kĩ năng là khả năng của con người vận dụng kiến thức để thực hiện một việc, giải quyết một vấn đề nào đó mang tính kĩ thuật mang lại những hiệu quả nhất định, như kĩ năng nói, kĩ năng viết, kĩ năng tư duy, kĩ năng sống, kĩ năng lập trình…
2.1.2.2. Kỹ thuật xác định mục tiêu dạy học về mặt kĩ năng
– Xác định rõ, cụ thể hệ thống kĩ năng được hình thành trong phạm vi bài giảng và mức độ đạt được bao gồm: các kĩ năng tư duy, các kĩ năng thực hành, tác nghiệp; các kĩ năng giao tiếp(sử dụng ngôn ngữ, hướng dẫn, trình bày, trình diễn…); các kĩ năng thông tin(nhận dạng, thu thập, lựa chọn, xử lí thông tin…); các kĩ năng quản lí(dự báo, lập kế hoạch, tổ chức chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đánh giá…).
– Các xác định mục tiêu kĩ năng, sử dụng các động từ mô tả các mức độ đạt được về mặt kĩ năng.

2.1.2.3. Xác định mục tiêu ki năng(tâm vận động) theo Dave(một thành viên nghiên cứu của Bloom, chia thành các cấp độ sau:
+ Bắt chước: là sự quan sát hành vi của người khác để làm theo
+Vận dụng: là năng lực thể hiện một hành động cụ thể bằng cách làm theo nội dung bài giảng và các kĩ năng thực hành
+ Chính xác: là năng lặc tự thực hiện một nhiệm vụ mà chỉ mắc phải một vài sai sót
+ Thành thạo: là năng lực phối hợp một loạt các hành động bằng cách kết hợp hai hay nhiều kĩ năng.
+ Kĩ xảo: là năng lực thực hiện một công việc không cần sự kiểm soát thường xuyên của ý thức(tự động hóa).
* Các động từ mức độ về mặt kĩ năng như: Tổ chức, đo đạc, tính toán, sắp xếp, trình diễn, sáng tác, lắp ráp…

2.1.3. MỤC TIÊU THÁI ĐỘ
2.1.3.1. Định nghĩa
Thái độ, là những cảm nhận, phản ứng tâm lý của con người đối với một sự vật, hiện tượng như buồn, vui, tích cực, cởi mở…
2.1.3.2. Kĩ thuật xác định mục tiêu về mặt thái độ
Làm rõ các yêu cầu, nội dung các chuẩn mực giá trị, thái độ cần hình thành, củng cố và hoàn thiện trong quá trình đào tạo nói chung và phạm vi bài học nói riêng(rèn luyện tính kiên trì, cẩn thận, ý thức trách nhiệm, ý thức tiết kiệm, sự say mê, ý thức tự giác học tập…)
2.1.3.3. Xác định mục tiêu kĩ năng theo Karathwohl(Một thành viên nghiên cứu của Bloom)
+ Cầu thị: là sự sẵn sàng tiếp nhận thông tin
+ Cởi mở: là sự tham gia tích cực vào các hoạt động học tập
+ Lượng giá: là sự chấp nhận các giá trị
+ Tổ chức: là quá trình hình thành những giá trị chung cho một cộng đồng
+ Tính cách: là sự hình thành một hệ thống giá trị ở mỗi cá thể để điều khiển mọi hành vi người đó.
* Các động từ mức độ về mặt thái độ như: Lựa chọn, chia sẻ, tham gia, đề xướng, chứng minh, nhận ra được,…
2.2. DẠY HỌC ĐỊNH HƯỚNG NĂNG LỰC
2.2.1. Định nghĩa
Năng lực là một thuộc tính tâm lí phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố như tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm đạo đức. Đó là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kĩ năng, thái độ và vận hành(kết nối) chúng một cách hợp lí vào thực hiện một công việc, giải quyết một vấn đề mang lại hiệu quả cao.

2.2.2. Mô hình cấu trúc năng lực
* Cách tiếp cận thứ nhất: Cấu trúc chung của năng lực hành động được mô tả là sự kết hợp của 4 năng lực thành phần: năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội, năng lực cá thể.
Mô hình bốn thành phần năng lực trên phù hợp với bốn trụ cột giáo dục theo UNESCO

*Cách tiếp cận thứ hai: năng lực chung và năng lực chuyên môn. Năng lực chung là năng lực cần thiết cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Năng lực chuyên môn là năng lực đặc trưng trong những lĩnh vực, ngành, môn học nhất định.

3. CÁC VÍ DỤ MINH HỌA VỀ XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU BÀI GIẢNG.
> VÍ DỤ 1.: XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU BÀI GIẢNG: “QUÁ TRÌNH DẠY HỌC”
MỤC TIÊU CẦN ĐẠT ĐƯỢC
+ VỀ KIẾN THỨC:
Nêu và phân tích khái niệm quá trình dạy học
Phân tích cấu trúc, đặc điểm, bản chất, tính quy luật, động lực, lôgic, nhiệm vụ dạy học
Phân tích các nhiệm vụ dạy học và mối quan hệ biện chứng giữa các nhiệm vụ dạy học
Phân tích nội dung các nguyên tắc dạy học và nêu biện pháp thực hiện các nguyên tắc trong quá trình dạy học
+ VỀ KĨ NĂNG
Bước đầu hình thành kĩ năng xây dựng động lực của quá trình học
Bước đầu hình thành kĩ năng thiết kế bài học theo logic của quá trình dạy học
Bước đầu hình thành kĩ năng xác định các nhiệm vụ dạy học và kĩ năng vận dụng các nguyên tắc dạy học trong bài học theo chuyên ngành.
+ VỀ THÁI ĐỘ
Tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập môn học.

> VÍ DỤ 2. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU BÀI GIẢNG VỚI CHỦ ĐỀ: “KĨ NĂNG GIAO TIẾP”
MỤC TIÊU CẦN ĐẠT ĐƯỢC
+ VỀ KIẾN THỨC
Xác định được một số quan niệm về kĩ năng và quy trình của một cuộc giao tiếp
Mô tả được những điểm cần lưu ý khi tổ chức các bước của một cuộc giao tiếp
Chỉ ra được các kĩ năng giao tiếp cơ bản
Mô tả được quy trình rèn luyện để hình thành kĩ năng giao tiếp
+ VỀ KĨ NĂNG
Xây dựng được quy trình hìnhh thành một kĩ năng giao tiếp
+ VỀ THÁI ĐỘ
Ý thức được vai trò của kĩ năng giao tiếp trong cuộc sống, từ đó tích cực rèn luyện các kĩ năng giao tiếp cần thiết.
> VÍ DỤ 3. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU BÀI GIẢNG VỚI CHỦ ĐỀ “ĂN CHAY”

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT ĐƯỢC
* VỀ KIẾN THỨC
– Định nghĩa được “ăn chay”
– Nắm bắt được nguồn gốc của việc ăn chay
– Hiểu được bản chất ăn chay trong Phật giáo
– Nắm bắt được sự khác biệt về ăn chay trong giáo lý Nguyên Thủy và Đại thừa
– Định nghĩa được “từ bi”
– Xác định được Vai trò, vị trí, giá trị “từ bi” trong Phật giáo
– Biết được mối liên hệ giữa ăn chay và từ bi
– Thấy được lợi ích của việc ăn chay
– Biết được phương pháp tu tập từ bi và thực hành ăn chay, thực hành không sát sinh
* VỀ KĨ NĂNG:
– Hình thành thói quen ăn chay vào các ngày trai
– Từ bỏ những hành động sát sinh không cần thiết
– Hình thành thói quen phóng sinh vào các ngày lễ, dịp lễ, đàn lễ
* VỀ THÁI ĐỘ
– Phát tâm từ bi, cứu độ chúng sinh, biết yêu thương, sẻ chia, rộng mở tấm lòng, giúp đỡ mọi người
– Phát tâm giữ gìn giới không sát sinh
– Tăng trưởng tình yêu thương động vật
– Tích cực tham gia các buổi lễ phóng sinh
– Tích cực bảo vệ các loài động vật

> VÍ DỤ 4. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU BÀI GIẢNG VỚI CHỦ ĐỀ: “QUY Y”

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT ĐƯỢC
+ VỀ KIẾN THỨC
Định nghĩa được quy y Tam Bảo
Biết được nguồn gốc của Tam Bảo
Biết được điều kiện để quy y Tam Bảo
Hiểu được bản chất quy y Tam Bảo
Thấy được lợi ích của quy y Tam Bảo
Nắm được Bổn phận của người Phật tử tại gia
Biết được những uy nghi phép tắc cơ bản của người Phật tử tại gia
+ VỀ KĨ NĂNG
Vận dụng giáo lý quy y Tam Bảo điều phục thân tâm trở nên thanh thảnh hơn
Bước đầu thiết lập tư duy “làm lành lánh ác”
Thuần thục uy nghi phép tắc và các xưng hô cơ bản của người Phật tử tại gia
+ VỀ THÁI ĐỘ:
Ý thức được giá trị của việc quy y Tam Bảo
Phát tâm cung kính quy y Tam Bảo
Phát tâm ngoại hộ Phật pháp
Phát tâm tu tập theo đức hạnh tam bảo

> VÍ DỤ 5. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU BÀI GIẢNG VỀ MẶT NHẬN THỨC THEO SÁU CẤP ĐỘ NHẬN THỨC CỦA BLOOM VỚI CHỦ ĐỀ “TAM QUY”. (Cụ thể, mục tiêu này chính là kết quả học sinh có được sau khi bài giảng kết thúc)
+ Biết:
Định nghĩa được quy y Tam bảo.
Xác định được vị trí của Tam Bảo trong Phật giáo
Biết được nguồn gốc của Tam Bảo
Nêu lên được điều kiện để quy y Tam Bảo
Biết được những uy nghi phép tắc cơ bản của người Phật tử tại gia
Biết được những việc không được phép làm sau khi quy y Tam Bảo
+ Hiểu:
Giải thích được ý nghĩa Tam quy
Giải thích được lợi ích quy y Tam bảo
+ Áp dụng:
Phân biệt được những ai là Phật tử, ai không phải Phật tử
Phân biệt được Tam Bảo và Tam Đa
Phân biệt được được Tam Bảo và Tam Phủ
+ Phân tích:
Phân tích được Bản chất của quy y Tam bảo
+ Tổng hợp:
So sánh được lợi ích quy y Tam Bảo và trình đồng mở phủ
Rút ra được những điều bổ ích cho bản thân
+ Đánh giá:
Thấy được việc quy y Tam Bảo là rất cần thiết cho bản thân
Phát tâm cung kính quy y Tam Bảo
Phát tâm ngoại hộ Phật pháp
Phát tâm tu tập theo đức hạnh tam bảo
> VÍ DỤ 6. ĐẶT CÂU HỎI KIỂM TRA MỤC TIÊU BÀI GIẢNG TAM QUY(Nghĩa là đặt câu hỏi, xem học sinh đã học được những gì, xem mục tiêu của người dạy đạt được kết quả như thế nào. Phần này thuộc phần kiểm tra đánh giá)
+ Biết:
– Tam Bảo là gì?
– Hãy xác định vị trí của Tam Bảo trong Phật giáo?
– Bạn hãy cho biết nguồn gốc của Tam bảo?
– Bạn hãy nêu điều kiện để được quy y Tam Bảo?
– Bạn Hãy nêu lên những uy nghi phép tắc của người Phật tử tại gia?
– Hãy nêu những việc không được phép làm sau khi quy y Tam Bảo.
+ Hiểu:
– Tại sao phải quy y Tam Bảo?
+ Áp dụng:
– Theo bạn, Có hoàn cảnh thực tế là: Một người tự mình quy y cho mình ở nhà, người này có được gọi là Phật tử không?
+ Phân tích:
– Hãy phân tích Bản chất của quy y Tam Bảo?
+ Tổng hợp:
– Bạn hãy nêu những vấn đề cốt lõi của Tam Quy
+ Đánh giá:
– Bạn có cảm nhận gì về bài học Tam quy?
– Bạn có thay đổi gì sau khi học bài học Tam quy?

* Như vậy, thang Bloom có hai chức năng cơ bản. Chắc năng thứ nhất là để xác định mục tiêu, định hướng nội dung, chương trình giảng dạy; chức năng thứ hai của thang Bloom là dùng để kiểm tra đánh giá. Khi dùng thang Bloom để xác định mục tiêu về mặt nhận thức, thì các mục tiêu ở các cấp độ nhận thức thường dùng câu khảng định; khi dùng thang Bloom để kiểm tra người học, xem họ tiếp nhận kiến thức đến đâu thường dùng câu hỏi?

 

Bài viết khác