Một số tồn nghi về bài Kệ truyền thừa Phật giáo của dòng Lâm Tế Đàng Ngoài

(PGVN) Tông Lâm Tế này còn được gọi là Lâm Tê Ninh Phúc vì thiền sư Chuyết Chuyết là vị khai sơn trụ trì chùa Ninh Phúc tức chùa Bút Tháp, hay còn gọi là Lâm Tế Long Động vì thiền sư đời thứ 3

Trong bài viết này, xin bàn về hệ truyền thừa của dòng Lâm Tế ở Đàng Ngoài được truyền theo bài kệ của Tổ Minh Hành – Tại Tại hay theo bài kệ của Ngài Trí Bản – Đột Không.

Hệ thống truyền thừa các tông phái Phật giáo Việt Nam mà các thế hệ tổ được đặt pháp danh, pháp tự theo các bài kệ truyền thừa bắt đầu xuất hiện từ khi có tông Lâm Tế và tông Tào Động từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XVII.

Vị Thiền sư tông Lâm Tế Trung Hoa đầu tiên sang Đàng Ngoài của nước Đại Việt là thiền sư Chuyết Chuyết, thế danh là Lý Thiên Tộ, pháp danh là Hải Trừng, pháp hiệu là Viên Văn, thường được gọi là Chuyết Công Hòa thượng. Ông sang Đại Việt vào năm 1630, vào Đàng Trong trước, rổi năm 1633 ra Thăng Long lưu lại ở chùa Khán Sơn hoằng pháp. Sau đó dời về chùa Phật Tích ở Tiên Du Bắc Ninh và cuối cùng, sau khi chúa Trịnh cho trùng tu chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) thì về trụ trì chùa Ninh Phúc cho đến khi viên tịch vào năm 1644.

Hòa thượng Chuyết Chuyết được xếp vào hàng vị Tổ thứ 71 Phật giáo và là thế hệ 34 dòng Lâm Tế Trung Hoa. Sang Việt Nam, Ngài sáng lập dòng Lâm Tế ở Đàng Ngoài trở thành sơ Tổ dòng Lâm Tế Đàng Ngoài (LTĐN).Các đệ tử xuất sắc của thiền sư Chuyết Chuyết là Minh Hành và Minh Lương thuộc về thế hệ thứ 2 Lâm Tế Đàng Ngoài (Tổ thứ 72). Minh Hành là người gốc Trung Hoa, còn Minh Lương là người Đại Việt. Năm 1643, khi Chuyết Chuyết dời sang chùa Ninh Phúc ở Bút Tháp thì Minh Hành trở thành vị trụ trì chùa Phật Tích. Rồi đến năm 1644, khi thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch, ông trở thành viện chủ chùa Ninh Phúc. Ông mất vào năm 1659, thọ 64 tuổi

 

               Tượng Thiền sư Chuyết Chuyết trong tháp Báo Nghiêm – Ảnh: vtc.vn

Thiền sư Minh Hành – Tại Tại có một bài kệ mà trong nhiều sách sử Phật Giáo đã nêu và xác định đó là bài kệ truyền thừa của dòng Lâm Tế Đàng Ngoài. Bài kệ đó như sau:

Minh Chân Như Tính Hải

Kim Tường Phổ Chiếu  Thông

Chí Đạo Thành Chính Quả

Giác Ngộ Chứng Chân Không

Bài kệ này, trong nhiều tài liệu[1] cho là bài kệ truyền thừa nối pháp của tông Lâm Tế Đàng Ngoài. Tông Lâm Tế này còn được gọi là Lâm Tê Ninh Phúc vì thiền sư Chuyết Chuyết là vị khai sơn trụ trì chùa Ninh Phúc tức chùa Bút Tháp, hay còn gọi là Lâm Tế Long Động vì thiền sư đời thứ 3 tông này là Chân Nguyên trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử. Những tài liệu ấy cho là bài kệ của Minh Hành-Tại Tại là kệ truyền thừa chính của tông Lâm Tế Đàng Ngoài. Điều đó được xác định bắt đầu từ tài liệu nào không rõ nhưng có lẽ từ Thích Song Tổ Ấn tập (TSTAT) của thiền sư Trừng Diệu-Tịnh Hạnh, chùa Thiền Lâm Phan Thiết và bài kệ này được Thượng Toạ Mật Thể đưa vào trong Việt Nam Phật giáo sử lược. Từ đó nhiều sách nói về lịch sử Phật giáo những thập kỷ gần đây cũng cho rằng bài kệ của Minh Hành-Tại Tại là hệ truyền thừa của Lâm Tế Đàng Ngoài . Tuy nhiên, ta cũng thấy chỉ ở một bài kệ này cũng có chỗ khác nhau một chút theo các tài liệu khác nhau như sau.

Theo như Thích Song Tổ Ấn Tập (TSTAT) của Thiền sư Trừng Diệu-Tịnh Hạnh thì bài kệ được ghi:

Minh Chân Như Bào Hải

Kim Tường Phổ Quang Thông

Chí Đạo Thành Chính Quả

Giác Ngộ Chứng Chân Không

Còn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược (VNPGSL) của Thích Mật Thể thì ghi có hai chữ khác biệt, như sau (chữ in nét đậm):

Minh Chân Như Bào Hải

Kim Tường Phổ Chiếu Thông

Chí Đạo Thành Chánh Quả

Giác Ngộ Chứng Chân Không

Trong khi đó, cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang và cuốn Thiền Sư Việt Nam của Thích Thanh Từ thì lại ghi:

Minh Chân Như Tính Hải

Kim Tường Phổ Chiếu Thông

Chí Đạo Thành Chính Quả

Giác Ngộ Chứng Chân Không

Các tài liệu ấy đều cho rằng thiền sư Minh Hành-Tại Tại có hai đệ tử là Chân Trú và Diệu Tuệ. Chân Trú trụ trì chùa Hoa Yên và Diệu Tuệ trụ trì chùa Phật Tích.

Tuy nhiên trong Thiền Sư Việt Nam của Thích Thanh Từ,  đồ biểu truyền thừa của hệ Minh Hành, chỉ truyền đến đời thứ 2 là Chân Trú và Diệu Tuệ và đến đời thứ 3 có Như Tùy là kết thúc, nghĩa là không có truyền kế tiếp. Và cũng trong cuốn sách này biểu đổ truyền thừa tông Lâm Tế Đàng Ngoài hệ Minh Lương được ghi tiếp các thế hệ truyền thừa theo hệ Minh Lương (đời thứ 2) có Chân Nguyên (đời thứ 3), kế đến Như Trừng Lân Giác (đời thứ 4), Tính Dược (đời thứ 5), Tính Tuyền (đời thứ 6), Hải Quýnh (đời thứ 7), Tịch Truyền (đời thứ 8), Chiếu Khoan (đời thứ 9), Phổ Tịnh (đời thứ 10).

Như vậy nếu truyền thừa đúng bài kệ của Minh Hành Tại Tại thì sau đời có chữ HẢI thì biểu đồ phài ghi thiền sư có chữ KIM, chữ TƯỜNG, nhưng ở đây lại là chữ TỊCH và chữ CHIẾU

Vì vậy, có một số tài liệu khác[2] nói rằng nếu đúng như thế thì bài kệ không được phát triển theo mạch truyền nối tổ đúng theo các chữ nối tiếp sau chữ HẢI phải là chữ KIM, trên thực tế không có điều đó. Trong khi đó mạch truyền của dòng Lâm Tế Đàng Ngoài vẫn đi theo bài kệ truyền từ trước của Tổ Trí Bản-Đột Không, không những cho dòng Lâm Tế theo hệ chùa Ninh Phúc mà còn theo hệ chùa Long Động. Ta biết thiền sư Minh Hành có hai đệ tử lớn là Chân Trụ và Diệu Tuệ. Hai vị này lại không có người kế thừa, do đó dòng truyền thừa chính của Chuyết Công phải chuyển dịch sang hệ thiền sư Minh Lương.

Theo các tư liệu của chùa Bút Tháp, thiền sư Minh Hành có vai trò rất lớn. Thiền sư chính là người được thiền sư Chuyết Chuyết trao truyền y bát kế thế tâm tông. Nhưng sang triều Nguyễn, hình ảnh thiền sư Minh Hành phai nhạt dần. Hầu như các thế hệ sau ít biết về thông tin của vị tổ này. Minh Lương, sư đệ của Minh Hành là người chuyển môn phái Bút Tháp sang Phù Lãng. Nơi đây, thiền sư đã đào tạo nhiều đệ tử xuất sắc. Hầu hết các thiền sư thuộc dòng Lâm Tế tại Đàng Ngoài chính là hậu duệ của thiền tổ Minh Lương. Do đó, qua các đời sau, Minh Lương được tông môn truy phong như là một vị tổ chân truyền của thiền sư Chuyết Chuyết. Điều này đã quá rõ trong tác phẩm Đại Nam Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ của Hòa thượng Phúc Điền. Ngay cả Như Sơn trong Thiền uyển Kế đăng lục cũng đã thấy vai trò của thiền sư Minh Lương. Như thế, dù thiền sư Minh Hành có viết kệ truyền thừa thì bài kệ đó chỉ dừng lại ở vài ba chữ chứ không kế tiếp như các học giả sau này cho rằng hệ thống truyền thừa đến bây giờ vẫn truyền theo bài kệ của thiền sư Minh Hành Tại Tại được.

 

                  Táng tượng nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết – Ảnh: vtc.vn

Để chứng minh điều đó, các tác giả cho rằng dòng Lâm Tế Đàng Ngoài (mà chủ yếu là hệ Minh Lương) hay còn gọi là  Lâm Tế Long Động được truyền thừa theo bài kệ của Tổ Trí Bản Đột Không đời 28 tông Lâm Tế[3] khai sáng, như sau:

Trí Huệ Thanh Tịnh

Đạo Đức Viên Minh

Chân Như Tính Hải

Tịch Chiếu Phổ Thông

Tâm Nguyên Quảng Tục

Bổn Giác Xương Long

Năng Nhân Thánh Quả

Thường Diễn Khoan Hoằng

Duy Truyền Pháp Ấn

Chánh Ngộ Hội Dung

Kiên Trì Giới Định

Vĩnh Kế Tổ Tông

Bài kệ truyền thừa này, dòng Long Động – Quỳnh Lâm đều tuân theo mà truyền tông nối phái. Hệ truyền này còn được các kinh sách ghi chép lại như Thiền Uyển Kế đăng lục của Như Sơn và Đại Nam Thiền uyển truyền đăng lục của Phúc Điền nói đến. Ngoài ra các bia chí truyền thừa chùa Quỳnh Lâm, chùa Long Động,Yên Tử, chùa Bảo Quang, Chùa Hàm Long, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh cũng đều nói đến.

Tài liệu trên[4] có cho biết trên tấm bia Kết Liên hoa tuyển Phật đồ ở chùa Bảo Quang (Bụt Mọc) huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có đoạn viết rằng: “..Chuyết Chuyết truyền thụ cho Minh Lương. Minh Lương truyền thụ cho Chân Nguyên. Chân Nguyên Tuệ Đăng Hoà thượng truyền thụ cho Như Thích Thiền sư, là khai sơn thuỷ tổ của chùa (Bụt Mọc). Môn nhân đệ tử, Như Bảo tháp, Sa di Tính Chất. Chùa Tịnh Minh Tính Tân, Chùa Ngô Xá Sa di Tính Như, Tháp Tịnh Trĩ Tỳ khưu Tính Hoàn, Tháp Kim Cương Tỳ khưu Tính Tín – đốt 1 ngón tay, Am Lan Nhã – sa di Tính Hiệu, Tháp Báo Đức sa di Tính Thân, Tính Thường, Tính Ý, Cháu dòng Thích ở tháp Bồ Đề thuộc chùa Bảo Quang là Tỳ khưu Hải Lượng Thích Tinh Tinh, Đệ tử Tỳ khưu Tịch Khâm Thích Thân Thân, Tỳ khưu Tịch Hy Thích Hoa Hoa, Sa di Tịch Khê, Tịch Hạnh, Tịch Phẩm, Tịch Triết, Đời cháu dòng Thích hệ thứ là Chiếu Nhượng, Chiếu Bản, Chiếu Thiểu, Chiếu Thiện, Chùa Viên Giác – Tỳ khưu Hải Thuần Thích Hiệu Hiệu, Đệ tử Tịch Miễn, Tịch Trang, Tịch Vọng, Tịch Quảng, Tịch Hải….”.

Đó là tấm bia dựng vào đời Lê Cảnh Hưng, năm thứ 24 (1763) và được lưu thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm số 22161. Theo tác giả bài viết đó thì thông qua văn bia cho thấy truyền thừa tông phái Lâm tế từ Viên Văn-Chuyết Chuyết đến hàng đệ tử con cháu về sau đúng theo bài kệ của Trí Bản Đột Không, tức từ hàng chữ TÍNH chữ HẢI truyền xuống chữ TỊCH chữ CHIẾU chứ không phải theo bài kệ của Minh Hành là xuống chữ KIM, chữ TƯỜNG.

Hơn nữa, trong bài viết Về bài kệ truyền thừa của thiền sư Minh Hành-Tại Tại của Ngô Quốc Trưởng[5] cũng cho biết: Theo Kiến tính thành Phật của thiền sư Chân Nguyên thì Chân Nguyên cho truyền thừa vẫn trung thành theo bài kệ truyền pháp của Trí Bản-Đột Không gồm các chữ : TRÍ TUỆ THANH TỊNH ĐẠO ĐỨC VIÊN MINH CHÂN NHƯ TÍNH HẢI TỊCH CHIẾU PHỔ THÔNG TÂM NGUYÊN QUẢNG TỤC BẢN GIÁC XƯƠNG LONG NĂNG NHÂN THÁNH QUẢ THƯỜNG DIỄN KHOAN HOẰNG DUY TRUYỀN PHÁP ẤN CHÁNH NGỘ HỘI DUNG KHÔNG TRÌ GIỚI HẠNH VĨNH KẾ TỔ TÔNG

Và, theo tài liệu đó: “…Như thế thì các Thiền sư như Như Trừng-Lân Giác, Như Hiện, Như Tùy, đều là đệ tử chân truyền của thiền sư Chân Nguyên lại không truyền theo bài kệ của tông môn mình chăng? Do đó, các phái Long Động, Liên Tôn, Nguyệt Quang… đều truyền thừa theo bài kệ của thiền sư Đột Không-Trí Bản. Thiền sư Chân Hiền Liễu Nhất, trụ trì chùa Hoa Yên, đệ tử của Thiền sư Minh Lương, Ngài có đệ tử là thiền sư Như Văn, tổ sư khai phái chùa Muống (Hải Dương) cũng truyền thừa theo bài kệ trên. Qua quyển Cúng Tổ Khoa và các văn bia tháp tại chùa Muống, chúng tôi thấy rằng không có thiền sư nào truyền thừa theo bài kệ của Thiền sư Minh Hành. Không chỉ dừng lại đó, chúng tôi đến viếng thăm các chốn tổ thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương cho đến Hà Nội, không thấy sơn môn nào truyền thừa theo bài kệ của thiền sư Minh Hành. Tiêu biểu là sơn môn Bổ Đà, ngôi chùa ở tỉnh Bắc Giang truyền pháp theo bài kệ của thiền sư Đột Không-Trí Bản đã truyền đến chữ TỤC, chữ BẢN.”

Qua sự tìm hiểu trên, vấn đề đặt ra là hệ truyền thừa của dòng Lâm Tế Đàng Ngoài được truyền theo bài kệ của tổ Minh Hành-Tại Tại hay của tổ Trí Bản-Đột Không?

Một số tác giả cho rằng hệ truyền thừa dòng Lâm Tế Đàng Ngoài được đặt theo bài kệ của thiền sư Minh Hành-Tại Tại, được nói trong các tác phẩm:

Thích Song Tổ Ấn tập của HT. Trừng Diệu-Tịnh Hạnh,

Việt Nam Phật giáo sử lược của TT Thích Mật Thể

Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang

Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Viện Triết học

Thiền sư Việt Nam của HT Thích Thanh Từ  ..v.v…

Một số tác giả khác lại chứng minh rằng hệ truyền thừa dòng Lâm Tế Đàng Ngoài được đặt theo bài kệ của tổ Trí Bản-Đột Không. Điều đó thể hiện trong các tác phẩm :

Thiền Uyển kế đăng lục của HT Như Sơn

Đại Nam Thiền uyển truyền đăng lục của HT Phúc Điền

Về bài kệ truyền pháp của Thiền sư Minh Hành-Tại Tại của Ngô Quốc Trưởng

Tiêu Sơn tự và sự ngộ nhận tông phái về Như Trí thiền của Phạm Tuấn, Vin Hán Nôm

– Tấm bia Kết Liên hoa tuyển Phật đồ ở chùa Bảo Quang (Bụt Mọc) năm 1763, thời Lê Cảnh Hưng

– Các tấm bia đá truyền thừa ở các chùa Quỳnh Lâm, chùa Long Động Yên Tử, chùa Bảo Quang, Chùa Hàm Long, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh

Vấn đề này còn cần phải nghiên cứu thêm, kể cả việc xác định tổ Trí Bản Đột Không là vị tổ đời thứ bao nhiêu tông Lâm Tế. Ngoài ra còn có ý kiến nghi vấn cho rằng bài kệ của thiền sư Minh Hành-Tại Tại có đúng thực là của Tổ Minh Hành hay không? Xuất xứ vấn đề có lẽ là từ Thích Song Tổ Ấn tập (TSTAT) của thiền sư Trừng Diệu-Tịnh Hạnh cho rằng bài kệ “Minh Chân Như Bào Hải” là của Minh Hành-Tại Tại, dùng cho hệ truyền thừa tông Lâm Tế Đàng Ngoài. Rồi bài kệ này được Thượng Toạ Mật Thể đưa vào trong Việt Nam Phật giáo sử lược. Và từ đó nhiều sách viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam gần đây cũng cho là hệ truyền thừa của Lâm Tế Đàng Ngoài là theo bài kệ của Minh Hành-Tại Tại.

Việc nghiên cứu các hệ truyền thừa các tông phái Phật giáo còn nhiều vấn đề cần trao đổi, không chỉ riêng vấn đề nêu trên mà còn ở các hệ truyền thừa tông phái khác nữa. Hy vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ có dịp nói đến và cũng mong rằng trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu lịch sử Phật học sẽ làm sáng tỏ những điều còn tồn nghi đã nói trên đây.

Phạm Đình Nhân
Bài viết khác