Vu Lan mùa của hiếu hạnh

Vu Lan mùa hiếu hạnh

Mỗi độ Thu sang – mùa hiếu hạnh lại đến, cảm xúc trào dâng khó tả về mẹ cha – những người đã tạo tác ra ta, cho ta vóc dáng hình hài, hơi thở, nụ cười… công danh sự nghiệp. Dù bạn là ai, người nông phu hay bậc trí giả thì điểm gặp gỡ giữa chúng ta là tinh thần báo hiếu đang tuôn trào trong nhịp đập của con tim căng đầy nhiệt huyết.

Trong Kinh Phật dạy: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả” tức là Bồ tát sợ cái nhân ban đầu trong đó có cái nhân bất hiếu, chúng sinh sợ quả trong đó có cái quả đắng cay, khổ đau như mang tiếng bất hiếu.

 Chuyện của nhà Nho xưa kể rằng: Lão Lai Tử Lão Lai Tử vốn người ở nước Sở, sinh vào đời Xuân Thu, đã 70 tuổi mà cha mẹ vẫn còn sống, ông thờ cha mẹ rất có hiếu. Không muốn cha mẹ thấy con già nua mà lo buồn, ông thường mặc áo sặc sỡ, rồi tay múa miệng hát trước mắt cha mẹ. Lại có khi bưng nước hầu cha mẹ, ông giả vờ trợt té rồi ngồi khóc oa oa trước mặt cha mẹ như trẻ nít mới lên 5, 3 tuổi vậy. Cha mẹ vui cười trước trò ngộ nghĩnh của con mình. Nhà Nho hiếu là thế, theo Phật giáo hiếu thì sao?

 Trong cung bậc tri ân và báo ân của cội nguồn dân tộc luôn trân trọng và lấy hạnh hiếu làm đầu. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam sự gặp gỡ, giao thoa, hội nhập của nền văn hóa đa tầng này. Từ ấy hạnh hiếu trong mầu sắc Phật giáo lại được coi trọng. Sự tương phùng của tinh thần đó đã dẫn dắt nên những gương hiếu hạnh trong quá khứ cũng như hiện tại, sáng rực và ghi mãi dấu ấn với thời gian. Không phải ngẫu nhiên, cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, giới Phật giáo long trọng tổ chức đại lễ Vu lan – Báo hiếu thật trang nghiêm, từ hình thức tổ chức cho đến nội dung mang ý nghĩa nhân văn, văn hóa trên bình diện tâm linh của con người. Lễ Vu Lan xuất phát từ điển tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.

– “Vu Lan” là danh từ gọi tắt của “Vu Lan Bồn”, tiếng Phạn là Ullambana. “Ullam” dịch là “treo ngược” (đảo huyền), dụ cho cái khổ của người chết như bị treo ngược, cực kỳ thống khổ. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana”, dịch là “cứu giúp”. Như vậy “Vu Lan Bồn” là giải cứu tội bị treo ngược, cũng như các tội khác.

– “Báo hiếu” là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

Lễ Vu Lan của Phật giáo như chúng ta thấy ngày nay phát xuất từ thời Đức Phật. Bằng đại bi tâm, Đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu với cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận là Tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Thế Tôn. Khi Mục Kiền Liên vừa chứng được lục thông, liền nhớ tới mẹ mình, Tôn giả bèn dùng tuệ nhãn kiếm tìm, liền thấy mẹ đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đói khổ. Thương mẹ vô vàn, Ngài đã vận dụng thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Do tâm bà Thanh Đề còn quá san tham và ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nề nên bà không thể dùng cơm vì bát cơm biến thành lửa. Vô cùng đau đớn, không biết dùng cách nào để cứu mẹ mình, Ngài liền về hỏi đức Thế Tôn.

Theo Kinh Vu Lan Bồn Phật dạy :

佛言:汝母罪根深結非汝一人力所柰何。汝雖孝順聲動天地,天神地祇,邪魔、外道道士,四天王神,亦不能柰何。當須十方眾僧威神之力,乃得解脫。吾今當 說,救 濟 之 法,令 一  切 難 皆 離 憂 苦[1] nghĩa là: “Tội lỗi của mẹ ngươi rất nặng, mình ông dùng thần thông, có hiếu thuận cảm động tới trời đất, thần kỳ, đạo sĩ ngoại đạo, tứ thiên vương, cũng không cứu được, duy chỉ nhờ thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, nay ta dạy cho phương pháp cứu tế, khiến các nạn lìa thoát khổ”.

Nghe vậy, Tôn giả mục Kiền Liên liền khẩn cầu Thế Tôn[2] :

“Bạch Thế Tôn, con nay làm sao mời được chư Tăng mười phương cúng dường một lúc như vậy được?”[3].

Đức Phật dạy :“Ngày Vu Lan cũng là ngày Tự Tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường trong ngày Tự Tứ. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cũng tập trung lại để Tự Tứ và cầu nguyện cho mẹ ngươi được thoát khổ”[4]

Tôn giả thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn, và chính ngay trong ngày đó mẹ Tôn giả thoát được cảnh khổ ngã qủy mà được sinh lên cõi trời. Tôn giả vô cùng hoan hỷ và thỉnh cầu : “Sau này có chúng sinh nào muốn phát tâm hiếu để cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui, họ có được làm như con không?”[5].

Thế Tôn bảo rằng: “Có thể được làm như vậy trong ngày Tự tứ để cha mẹ đời này và nhiều đời được siêu độ giải thoát”[6].

Từ đó trong Phật giáo truyền lại một pháp thức cứu độ cho các bậc tiền nhân quá vãng siêu thoát về cảnh giới an lành, được thực hiện trong ngày Vu Lan – Tự Tứ. Vào những ngày này, dù bạn là ai, ở đâu cũng ước muốn được đến chùa để tham dự lễ Vu Lan – Báo Hiếu.

Còn với tôi khi, âm vang trầm hùng ngân nga của tiếng chuông chùa mùa Vu Lan vang vọng về như thức tỉnh những người con trở về với thực tại để lắng nghe, để thấu hiểu, để cảm nhận về ngọn nguồn yêu thương của hai đấng sinh thành. Những lời ru ngọt ngào của mẹ từ thưở còn nằm nôi sẽ là lời thiên thu dọc theo bước thời gian của con trên vạn nẻo đường đời.

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Trong cuộc bể dâu tìm kế mưu sinh lắm nỗi gian truân, thân hao gầy một nắng hai sương của mẹ, bao vất vả đắng cay mẹ đều quẳng gánh trên vai, những sợi tóc điểm bạc, những nếp nhăn gò má, nàn da nâu của mẹ thấm đượm cái nắng, gió của thời gian. Từ khi con còn nhỏ và đến giờ con đã khôn lớn trưởng thành, cả những lúc con được ở gần bên mẹ và cả khi con ở phương trời xa tít thì hình ảnh mẹ luôn hiện hữu bên con. Trong đêm giông tố giá rét mẹ là bức thần đồng bao bọc đời con, hơn thế mẹ là ánh sáng soi đường cho con trong đêm trường tăm tối, trong đắng cay đau thương, trong tủi hờn. Trong mọi hoàn cảnh mẹ luôn ở bên cạnh con để an ủi động viên chấp cánh cho con, đôi cánh của niềm tin và hy vọng để nâng những ước mơ của con ngày được bay xa hơn:

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ

Có lẽ tấm lòng yêu thương vô bờ bến đó của mẹ cha chỉ có những ai được làm mẹ làm cha thì mới thấu hiểu được một cách trọn vẹn được nỗi đắng cay cơ cực và nỗi thống khổ trong đoạn đường trường. Nếu như tình thương của mẹ nhẹ nhàng, êm ái  thì tình yêu thương của cha bao giờ cũng kín đáo cứng rắn và nghiêm khắc;

Thương con cha cực trăm điều

Đầu đêm sương trắng chịu nhiều gian truân

Chính vì thế mà tâm hồn cha phải se lại, trái tim cha phải hóa lạnh lùng, rồi cũng vào độ chớm thu trái tim con như tê tái quặn thắt đau nhức nhối, chân con ngã khuỵu, những giọt lệ tự tuôn chào vì nghe tin cha mắc bệnh hiểm nghèo khi cha tôi còn rất trẻ. Một nỗi đau tê tái đang dần cứa vào da vào thịt vào tận trái tim tôi khiến tâm tôi rối bời, nghẹn ngào thổn thức. Thời gian dần trôi cũng là lúc cha tôi phải gánh chịu những cơn đau nhức, thời gian đang dần cướp đi hơi thở, nhịp đập của trái tim cha tôi mà không có cách nào cứu được. Cha ơi!…Cha! Tiếng cha trầm ấm, nhưng giờ đây môi con như quặn thắt lại, bên con bao người quanh con sung sướng hân hoan vì trên ngực áo họ được cài bông hồng thắm mãi, riêng con phải ngậm ngùi rơi lệ đón nhận một đóa hồng trắng, mầu của tang thương, mầu của những người con vô phước không còn cha. Con cảm thấy cô đơn lạc lõng trong niềm vui của mọi người, nhiều khi con muốn chạy trốn để thoát khỏi thực tại đau buồn đang cào cấu nghiền nát trái tim con. Chiếc khăn tang ngày nào con tiễn đưa cha về nơi yên nghỉ nghìn thu cũng là một dấu ấn mà suốt cuộc đời này con không sao quên được. Ngày nào mà đất trời âm u ảm đạm giông tố bời bời tắt lịm nguồn mạch sống yêu thương cũng là ngày con đau khổ nhất – ngày con không được ngồi bên cha tâm sự, để gọi hai tiếng cha ơi,con thương cha vô cùng:

…Quanh tôi ai cũng khóc

Thầm lặng tôi sầu thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi

Hoàng hôn phủ bên mộ

Chuông chùa nhẹ nơi nơi

Tôi thấy tôi mất cha

Là mất cả bầu trời

Cha mẹ, những tháng ngày con ở nơi xứ lạ, những buổi chiều hoàng hôn tím ngắt nhìn những hàng tre xanh cao tít, những con đò thưa người qua lại lòng con lại thấy bất giác và hoài niệm về ân nghĩa sinh thành của cha của mẹ. Tình thương của cha mẹ thật vô bờ bến, không một thứ bảo vật nào có thể thay thế được, không một thứ bút mực nào có thể lột tả hết được, chỉ biết rằng cha mẹ luôn cho ta cái ngọt ngào, no ấm luôn mang đến những niềm vui để khỏa lấp những phiền não, lo âu nửa cuộc đời.

Ân cha lành cao như non thái

Nghĩa mẹ Hiền sâu tựa biển khơi

Dẫu cho dâng hết một đời

Cũng không tả ơn người sinh ta

Trong ngày đầu Thu này vạn vật dường như đang ngỡ ngàng thức tỉnh trước hồn thu, sắc thu, hương thu khiến lòng chúng con như lắng đọng, se sắt để tướng nhớ và dâng những bông hoa được ngậm đủ cái lạnh của sương giá, cái hương của đất trời, của cái tâm thành kính của chúng con để rồi kết thành tràng hoa tâm Bồ Đề dâng lên  hai đấng sinh thành mẹ cha. Được như thế, con nguyện năng làm việc lành lánh việc dữ. Đồng thời, để nhớ ơn hai đấng sinh thành giữa cha và mẹ, nghĩa tình cảm nhận chu viên, thì cái tâm bao la của mỗi chúng ta cần cất lên thầm nguyện:

“Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Đệ tử và chúng sinh,

Đều trọn thành Phật đạo” 

 Kể từ khi Phật Giáo được truyền vào Việt Nam, mùa Vu Lan lại càng khơi dậy truyền thống báo hiếu của dân tộc Việt. Trong xã hội nay, lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người” với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý trọng. Là những người con Phật mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc lời Phật, khi mùa Vu Lan về càng nỗ lực tinh tấn tu tập, thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ. Thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý sống của dân tộc Việt Nam, và cũng là đạo lý sống của hàng Phật tử khi khẳng định đạo Phật là đạo hiếu.

 Qua mùa vu lan báo hiếu này đã cho ta một thông điệp rằng, một người chưa giác ngộ thì không thể nào mà thoát khỏi sinh tử luân hồi, không thoát sinh tử luân hồi thì không thể nào chỉ bày cho người khác thoát khỏi sinh tử luân hồi, từ đó cần phải tinh tấn tu học, kiên nhẫn, học tu tâm sửa tính, bớt tham – sân – si, thấm nhuần tinh thần: từ – bi – hỷ – xả, vô ngã vị tha, thương người, đoàn kết, giúp đỡ nhau, chia sẻ hạnh hiếu thì mới có thể cứu giúp được cha mẹ mình cũng như nhiều người trong mọi lúc mọi nơi.

Lễ Vu lan báo hiếu đã cảnh tỉnh mỗi chúng ta, ai đã bất hiếu thì ngay bây giờ phải nên có hiếu, nên kính quý, thăm hỏi, quan tâm phụng dưỡng cha mẹ hết lòng, và xin sám hối, tinh tiến học hành, từ thiện, làm lành, lánh dữ thì tương lai ta mới thành danh, thánh nhân cứu đời như Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát thuở nào. Nhân dịp mùa vu lan năm nay, tác giả bài viết xin kính chúc quý vị luôn an lành, không quên bổn phận làm người con chí hiếu, nhớ được như thế sẽ luôn được đức Phật gia trì trong mọi lúc mọi nơi, sở nguyện tòng tâm, những người quá cố dễ  dàng siêu sinh cực lạc, cha mẹ hiện tiền được thọ trường, gia đình ấm no hạnh phúc. Đúng là muôn hạnh của đời người hạnh hiếu là đầu tiên quan trọng bậc nhất!

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Tác Đại chứng minh!

Tác giả: Ths. Lý Thị Thảo

 

[1]佛說盂蘭盆經[1]; 西晉三藏法師竺法護譯 (Phật thuyết Vu lan bồn; Tây Tấn Tam Tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ dịch)

[2] Thế Tôn tên gọi  khác của Đức Phật, Phật

[3] Phật thuyết vu lan bồn kinh

[4] Phật thuyết vu lan bồn kinh

[5] Phật thuyết vu lan bồn kinh

[6] Phật thuyết vu lan bồn kinh

Bài viết khác