Nhân – quả: chân lý sống của người Phật tử

Nhân quả: chân lý sống của người Phật tử là thế nào?

Hôm nay những ngày đầu năm 2018, cũng còn hơn tháng nữa là  đến tết Nguyên đán, tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Bởi thế nên thời tiết đặc trưng của miền Bắc đã hiện hữu, những làn mưa bay nhè nhẹ đan xen đôi lúc hơi nặng hạt, lúc lại mỏng manh như sương khói. Đạo tràng chúng tôi hối hả  vân tập về chùa hôm nay quý Thầy có buổi giảng pháp  chủ đề: “Nhân quả ba đời Phật tử nên biết”

(Ảnh đạo tràng Phật tử chùa Hưng Sơn nghe pháp Nhân quả ngày 19/11/Đinh Dậu). Mặc dù thời tiết có chút không thuận lợi, nhưng với lòng khát ngưỡng những lời pháp nhũ từ quý Thầy mọi người con Phật từ các ngả đều hướng về ngôi chùa cổ Hưng Sơn với tâm hoan hỷ, vì mỗi người đều ý thức được trên bước đường tu tập, với muôn ngàn chướng ngại, thì những buổi được nghe quý Thầy giảng giáo lý Phật pháp thật đúng là vô  cùng may mắn  cho những ai hội đủ duyên lành được hiện diện có mặt trong đạo tràng.

Hình ảnh các Phật tử quy chùa Hưng Sơn,  Bắc Ninh năm 2017

Vào lúc 20 giờ, sau khi đạo tràng ổn định ngay ngắn, mọi người trang nghiêm niệm Phật, lễ rước quý Thầy hiện diện trước đạo tràng. Thầy cùng tất cả đồng hướng lên niệm Phật cầu gia bị, sau đó buổi giảng bắt đầu Thầy hôm nay chia sẻ với đạo tràng về luật nhân quả ba đời, với cách giảng gần với thực tế cuộc sống của người Phật tử, ví dụ sinh động Thầy chỉ rõ cho mọi người biết thế nào là nhân quả, tại sao trong cuộc sống mọi người cần phải hiểu rõ và cố gắng thực hành làm lành, lánh dữ để có được hạnh phúc, bình an.

Hình ảnh nhân nào quả ấy

Buổi chia sẻ Phật pháp của Thầy hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng kiến thức Phật pháp về luật nhân quả mà Thầy chia sẻ thì thật vô cùng lợi lạc. Chúng ta hiểu: Nhân quả ba đời là: Đời quá khứ, Vị lại, hiện tại.  Nếu gieo nhân ở quá khứ thì được hái quả hiện tại; nếu gieo nhân hiện tại thì có thể hái quả hiện tại. Nếu gieo nhân hiện tại sẽ hái quả trong tương lai. Ví dụ: anh Phúc Đức ngày hôm qua mua gà con (nhân) về nuôi, sau 3 tháng gà to nặng bán giá cao (quả). Vậy ta có thể rút ta Công thức về nhân quả sau: A (nhân) + B (các duyên) = C (quả). Trong cuộc sống xưa cũng như nay, triết lý nhân quả của nhà Phật nương gá vào nhau tồn tại biện chứng, có khi nhân là quả, có khi quả là nhân, chúng tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Từ đó, Nhân quả đó là một chân lý sống cho con người nói chung Phật tử nói riêng. Ở đời ai tu sửa thì người ấy sẽ tốt đẹp. Cũng như Phật dạy: ai uống nước mới biết mùi vị ngọt ngon của nước, ai ăn cơm người ấy mới no. Không có chuyện ông ăn mà bà lại no được bụng. Bởi lẽ trong cuộc sống thực tế hiện nay, tất cả chúng ta chứng kiến luật nhân quả luôn hiện hữu, đó là biến đổi môi trường, thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt..v..v; là do con người chúng ta gây ra nên ta phải trả giá, chính vì vậy nên qua buổi trao đổi chia sẻ này Thầy mong mọi người Phật tử hiểu rõ vấn đề và hành theo thì sẽ có cuộc sống an vui hạnh phúc, cũng là góp phần ổn định đời sống trong cộng đồng dân cư làng xóm, vì khi hiểu được nhân quả hiện tiền, mọi người sống chan hòa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không bon chen, ích kỷ, không làm việc ác, đó cũng là tâm nguyện ngày đêm quý Thầy muốn khai mở tâm thức cho mọi người vì cuộc sống vốn vô thường nên Thầy mong mọi người hiểu và tin sâu Phật pháp cuộc sống tất sẽ vạn sự bình an, cát tường như ý.

Nam mô A di đà Phật.

               Hưng Sơn: 19 – 11 Đinh Dậu./.

                 Diệu Trinh.

Bài viết khác