Ninh Bình: Hội thảo Phật giáo và các vấn đề xã hội đương đại

Ninh Bình: Hội thảo Phật giáo và các vấn đề xã hội đương đại
(PGVN)
Ngày 8, 9/12/2017, tại chùa Bái Đính, Ninh Bình, Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại”. Đây là một trong các hoạt động khoa học có tính chuyên sâu đánh dấu một năm chính thức đi vào hoạt động của Viện Trần Nhân Tông.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; và các nhà tu hành trong và ngoài nước cùng các lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; cùng sự tham gia của hơn 200 đại biểu bao gồm các nhà khoa học, các lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành, các tăng ni, phật tử quan tâm đến chủ đề Hội thảo.

  (Ảnh: Phúc Trí)
Hội thảo khoa học quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại” tổ chức nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết của giới khoa học để thảo luận, làm rõ trên các phương diện lý luận, nhận thức và hành động những nội dung của Phật giáo nhập thế cũng như việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và con người đương đại; phát huy các gia trị tinh hoa, tốt đẹp của Phật giáo cho đời sống hòa bình, ổn định, phát triển của con người và xã hội, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy sự đối ngoại, quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước về Phật học.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN kiêm Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cho biết: Trong lịch sử, tư tưởng từ bi và cứu độ, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã sớm thể hiện ở việc Phật giáo quan tâm và tham gia giải quyết các vấn đề của cuộc đời. Bước vào thời hiện đại, Phật giáo nhập thế đã thực sự trở thành một khuynh hướng và ngày càng mang tính phổ quát. Thực tế cho thấy, trên thế giới, mặc dù hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng nhân loại vẫn đứng trước thách thức to lớn, tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa sự tồn vong. Nghiên cứu Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại là một trong những định hướng nghiên cứu trọng điểm của Viện Trần Nhân Tông. 
Tiếp cận nghiên cứu vấn đề Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại từ góc độ khoa học, không chỉ để nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về Phật giáo, mà còn để cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chính sách và điều chỉnh hành vi, cả về nhận thức và thực tiễn, cả với Phật giáo cũng như với xã hội, trước khuynh hướng nhập thế của Phật giáo và việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đương đại, qua đó phát huy những giá trị, tư tưởng văn hóa Phật giáo, làm cho Phật giáo và xã hội cùng phát triển tốt đẹp.

Hòa thượng TS.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN nhấn mạnh: Hội thảo khoa học quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại” do Viện Trần Nhân Tông phối hợp cùng GHPGVN tổ chức không chỉ quan tâm sâu sắc đến vai trò của Phật giáo trên bước đường đồng hành cùng dân tộc, mà còn tập trung vào các nội dung nhập thế của Phật giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự quan tâm này đã khiến chúng tôi ý thức sâu sắc trách nhiệm “hộ quốc an dân” cũng như sứ mạng “hoằng pháp lợi sinh”.

 
Hội thảo khoa học quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại” đã nhận được gần 100 bài viết của các học giả trong và ngoài nước, các bài tham luận tập trung làm rõ ba nội dung chính: Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại – những vấn đề tư tưởng và nhận thức; Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại trong khu vực và trên thế giới; và Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, Hòa thượng TS.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã có bài tham luận phân tích sâu các khía cạnh của “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hộ đương đại”. Theo Hòa thượng Phật giáo cần có những chương trình hành động cụ thể. Ví dụ: nạn lũ lụt, phá rừng bừa bãi, Phật giáo nên xây dựng chuyên đề về góc nhìn của Phật giáo giải quyết vấn đề môi sinh và sự sống con người. Việt Nam bình quân mỗi năm trên 500 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD do thiên tai gây ra. Về vấn đề tai nạn giao thông, bình quân mỗi ngày cả nước có 22 người chết và hàng trăm người bị thương. Đứng trước vấn đề đó Phật giáo cần xây dựng chuyên đề văn hóa tham gia giao thông để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra. 

Một vấn đề nữa là nạn tham ô, tham nhũng trong xã hội, Phật giáo nên có hướng chung tay góp sức giải quyết vấn nạn tham nhũng cùng với Nhà nước và nhân dân thông qua việc truyền bá giáo lý Bát chính đạo, khuyên từ bỏ tham – sân – si để đất nước được ấm no, nhân dân được hưởng hạnh phúc. 
Như vậy, Phật giáo cần xây dựng một số chuyên đề về công tác phật sự đi sát với thực tế, giải quyết được vấn đề thực tiễn trong đời sống đương đại, tránh lý luận, kinh điển giáo điều. Có làm được như vậy mới phát huy được tinh thần nhập thế của Phật giáo để không hổ thẹn với lịch đại Tổ sư và các bậc tiền bối đã hy sinh cả đời mình vì đạo pháp, vì dân tộc.
Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu và các nhà khoa học sẽ tham gia chương trình tham quan quần thể danh thắng Bái Đính – Tràng An, một địa danh du lịch thể hiện tinh thần Phật giáo nhập thế với quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên đã được UNESCO công nhận.

Bài: Tâm Đạt; Ảnh: Phúc Trí

Bài viết khác