TÌNH HÌNH TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT HỌC

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT HỌC

    Tác giả: TS.Lê Thị Thu Dung, VKSND TP Hải Phòng
Mở đầu
Đạo Phật đồng hành với dân tộc Việt Nam, từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay đã 2000 năm. Phật giáo đã cùng người dân Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Quá trình phát triển tại Việt Nam, Phật giáo đã tạo cơ sở, nền tảng nhận thức giúp con người đạt tới chân lý giác ngộ giải thoát, bên cạnh đó Phật giáo còn góp phần duy trì đạo đức xã hội nơi trần thế. Với các quy tắc, luật lệ của mình, Phật giáo đã hình thành cho người dân thói quen, văn hóa ứng xử đúng đạo lý, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, thời đại ngày nay tồn tại nhiều mặt trái làm đạo đức xuống cấp, lối sống hưởng thụ vật chất làm phát sinh nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi phạm tội về mua bán người. Đem con người trở thành thứ hàng hóa mua bán kiếm lời, để đem lại lợi ích về kinh tế cho bản thân. Hành vi này là hành vi đi ngược lại các chuẩn mực của xã hội, hành vi phi nhân tính. Phật học với phương pháp đánh giá khách quan, trực diện và biện chứng, giúp ta có nhìn nhận và đưa ra được những giải pháp phòng ngừa tội mua bán người một cách hiệu quả trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

 

(Ảnh TS.Lê Thị Thu Dung đứng thứ 2 ngoài nhìn vào, từ phải sang trái)
1. Chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người
Xã hội phát triển, đặc biệt trong giai đoạn mới thời kỳ công nghệ 4.0 giúp con người có nhiều cơ hội việc làm trên phạm vi toàn thế giới. Người dân trở thành “lao động toàn cầu”. Từ đó nhu cầu di chuyển sẽ cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Đối với thanh thiếu niên họ có thể tìm công việc tại những nơi, những nước khác, sử dụng ngôn ngữ khác, trong nền văn hóa khác, cách nơi họ sinh ra hàng nghìn dặm. Việc di cư số đông đã trở thành một bộ phận chính thức của xã hội và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Lợi dụng việc đó các đối tượng phạm tội mua bán người ở Việt Nam cấu kết với các đội tượng tội phạm ở nước ngoài để lừa bị hại hoặc sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đưa họ ra khỏi biên giới, tiến hành mua – bán như một thứ hàng hóa có giá trị. Khi số lượng người di cư tăng lên thì ngành công nghiệp mua bán người cũng phát triển. Theo con số báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc Tế “ILO Global Estimate of Forced Labour” thì có đến 20.9 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức trên toàn cầu, họ bị lừa gạt về việc làm, bị lừa dối bị ép buộc mà không thoát ra được, 56% số này đến từ vùng Châu Á – Thái Bình Dương. [1]

Việc biến con người thành hàng hóa là việc làm phi đạo đức và bị thế giới lên án kịch liệt. Ở Việt Nam chính sách bảo vệ quyền con người được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đối với tội phạm buôn bán người Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chương trình quốc gia phòng, chống đối với loại tội phạm này. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong đó tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, tội phạm về ma túy và tội phạm mua bán người. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người ngày 29/3/2011; Các ngành như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án cũng ký kết nhiều văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ các hành vi, bổ sung các tình tiết định khung đối với tội mua bán người, đã tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đấu tranh, phòng ngừa đối tội phạm mua bán người nói riêng.

Để triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2546/QĐ-TTg (ngày 31/12/2015), Quyết định số 793/QĐ-TTg (ngày 10/5/2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người (gọi tắt là Chương trình 130/CP). Hàng năm Chính phủ cũng đã ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai các nội dung này, năm 2018 Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 02/01/2018 của Ban chỉ đạo 138 Chính Phủ về việc thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người. Trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật phòng, chống mua bán người năm 2012 có hiệu lực. Ngành Kiểm sát nhân dân đã xây dựng nhiều chương trình kế hoạch để triển khai chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người trong thực tiễn. Trong năm 201,8 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-VKSNDTC thực hiện Dự án đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình và mua bán người; Kế hoạch số 38/KH-VKSNDTC ngày 14/4/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện chương trình phòng chống mua bán người năm 2018. Việc xây dựng các chương trình kế hoạch nêu trên đã tạo tiền đề căn bản để các ban, ngành tại địa phương có phương hướng và giải pháp cụ thể tuyên truyền đến tận các tổ dân phố, làng, bản đến các hộ gia đình, cá nhân, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa hành vi mua bán người.

Việt Nam cũng đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước trên thế giới, tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bao gồm cả vấn đề mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, như: Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989; Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000; Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000; Nghị định thư về chống đưa người di cư trái pháp luật bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000; Nghị định thư của Liên Hiệp Quốc về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Việt Nam đã ký kết 4 Hiệp định song phương về phòng, chống mua bán người với các nước láng giềng là Thái Lan, Campuchia, Lào và Trung Quốc. Bộ đội biên phòng đã ký Biên bản hợp tác phòng, chống tội phạm, hợp tác quốc tế phòng, chống mua bán người xuyên quốc gia với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký các thỏa thuận song phương với Trung quốc và Úc liên quan đến việc hợp tác trong đấu tranh phòng, chống một số loại tội phạm, trong đó có tội mua bán người. Việt Nam tham gia vào các sáng kiến khu vực nhằm chặn đứng nạn mua bán phụ nữ và trẻ em. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối Quốc gia tham gia vào 2 dự án tiểu vùng sông Mêkong về chống về chống mua bán phụ nữ và trẻ em, do ILO//PEC và UNDP tài trợ (mã số RAS/98/H01). Việt Nam tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề mua bán người, nhằm tìm ra giải pháp mang tính toàn cầu để tiến tới ngăn chặn tình trạng mua bán người như một thứ hàng hóa như: Hội thảo đa phương về phòng chống tội phạm mua bán người lần thứ 3 giữa tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savanakhet, Salavan (Lào) và tỉnh Mukdahan (Thái Lan) để tổ chức các hoạt động nhằm chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.
Các chính sách pháp luật, hợp tác quốc tế của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người đã thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc kiên quyết đẩy lùi, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi mua bán người; bảo vệ quyền con người, quyền nhân dân của công dân. Kịp thời giải cứu nạn nhân, đưa họ trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình và giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng.
Trong giáo lý “Bát chính đạo” đức Phật có đề cập đến “chính niệm” sinh sống bằng nghề nghiệp chân chính. Người khuyên mọi người kiếm sống bằng chính sức lao động và tiền vốn của mình, trí tuệ của mình chứ không được buôn gian bán lận, đem con người làm hàng hóa, buôn bán hàng quốc cấm và các loại hàng hóa có hại cho sức khỏe con người và xã hội. Trong cuộc sống mỗi người phải lao động làm việc để tạo ra nguồn của cải vật chất để nuôi sống mình và gia đình. Như vậy, trong nền kinh tế thị trường ngày nay, đạo đức Phật giáo chỉ ra cho con người lối sống chân chính không vì lợi ích của bản thân mà coi rẻ tính mạng, sức khỏe của người khác. Ở điểm này, trong Kinh Nhân quả Đức phật cũng đã dạy những nghiệp tạo ác phải trả khi thực hiện các hành vi xấu.
“Chính mệnh” trong Bát chính đạo của Phật giáo còn có nghĩa là biết làm chủ cuộc sống, biết làm phúc và cúng dàng. Biết chăm lo cuộc sống của người thân, quyến thuộc, biết tích lũy cho đời nay và chuẩn bị cho đời sau. Đức Phật dạy rằng các cư sĩ sống bình thường ở gia đình có 4 điều lạc thú: Một là được hưởng cảm giác an toàn do có của cải và cơ sở kinh tế có được bằng phương pháp chính đáng; Hai là có thể khảng khái sử dụng của cải ấy cho mình, cho người nhà và cho bạn hữu, đồng thời dùng nó đề làm nhiều việc từ thiện; Ba là không bị khổ sở vì nợ nần; Bốn là có thể sống cuộc đời thanh tịnh, không lỗi lầm.
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta cần coi trọng việc xây dựng hoàn thiện đạo đức nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Nền đạo đức mà chúng ta đang xây dựng là sự kết tinh, kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của nhân loại, của dân tộc. trong đó có những giá trị đạo đức Phật giáo.

2. Đánh giá chung về tình hình tội mua bán người ở Việt Nam hiện nay
Tội phạm mua, bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2012-2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), và cưỡng bức lao động.
Trong số hơn 3.000 nạn nhân mua bán người đã được phát hiện, số nạn nhân đã trở về 2.571 người, trong đó, số nạn nhân được trao trả và giải cứu là 1.334 người, số nạn nhân tự trở về là 1.237 người. Số nạn nhân chưa trở về là 519 người. Đặc biệt ở thành phố Cần Thơ Cơ quan Công an đã phát hiện 8 trường hợp nạn nhân là nam giới bị lừa qua Trung Quốc bán thận. Trong giai đoạn 2012-2017, cơ quan điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can (chiếm trên 97% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý). Cơ quan Điều tra đã ban hành kết luận điều tra và chuyển Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can.
Đối tượng phạm tội mua bán người ở hầu hết các độ tuổi, số đối tượng có độ tuổi trên 30 tuổi chiếm đa số. Các đối tượng phạm tội mua bán người có trình độ văn hóa thấp, có nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Hầu hết đó là những đối tượng có kiến thức xã hội, am hiểu xã hội và thường là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục, tập quán của người dân…; đối tượng hoạt động băng nhóm, có tiền án, tiền sự. Nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam thăm thân lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc đặc biệt có cả người thân trong gia đình. Lợi dụng đặc điểm khó khăn kinh tế, thiếu việc làm ở nhiều địa phương, chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân… các đối tượng mua bán người đã hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức.

Theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán. Đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng. Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, các đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán.
Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, những năm qua, tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức như tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn là cả những nam giới và trẻ sơ sinh.
Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai… Đặc biệt, thời gian gần đây, phát hiện một số phụ nữ dân tộc Mông ở Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng trở về móc nối với số đối tượng là người dân tộc Mông Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ… (Lào) để lừa phụ nữ Mông (Lào) đưa sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm hoặc hôn nhân trái phép. Một số đối tượng xấu giả danh là Công an, Biên phòng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… để kết bạn làm quen phụ nữ, hứa hẹn, sau đó lừa bán sang Trung Quốc…
Để có cái nhìn khái quát về tình hình tội mua bán người ở Việt Nam ta cần có sự đánh giá về nguyên nhân làm phát sinh tình hình tội phạm này.
Nguyên nhân từ vị trí địa lý: Việt Nam có khu vực biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000 km, tiếp giáp với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, tiểu ngạch, lối tắt qua lại, nhất là biên giới Việt Nam – Trung Quốc, mang đậm nét về mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, cùng với những đặc điểm, yếu tố đặc thù về địa lý, tự nhiên, kinh tế – xã hội là núi liền núi, sông liền sông, rất thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán, thăm thân… Nên hoạt động mua bán người sang các nước lân cận, có đường biên giới liền với Việt Nam có chiều hướng gia tăng, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng để đưa nạn nhân qua biên giới. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ, trẻ em bị bán sang Quốc chiếm tỷ cao nguyên nhân là do Trung Quốc đang thực hiện nhiều cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu và xây dựng hạ tầng ở khu vực biên giới đối diện và khuyến khích di giãn dân ra cư trú ở sát biên giới kéo theo các tệ nạn xã hội nảy sinh khó kiểm soát, phát sinh nhiều người tham gia và thu hút người dân sang lao động làm thuê. Trung Quốc còn nhiều hủ tục, chính sách dân số của Trung Quốc cũng dẫn đến tình trạng mất cân bằng về giới tính, tỉ lệ chênh lệch nam nhiều hơn nữ rất cao, nhất là số nam giới trọng độ tuổi kết hôn không có khả năng lấy vợ trong nước, có nhu cầu lấy vợ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống đường bộ, đường biển và đường hàng không thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh. Do vậy, các đối tượng phạm tội cũng lợi dụng việc thông thương này để thực hiện hành vi mua bán người ở phạm vi toàn cầu.
Sự phát triển của mạng xã hội: Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Khác với trước đây việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân phải gặp gỡ trực tiếp để ru rê, thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Sự chênh lệch về kinh tế xã hội: Sự chênh lệch về kinh tế xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng muôn bán người hiện nay. Đa số các vụ mua bán người diễn ra ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển, có nhiều khó khăn về đường xá và phương tiện đi lại. Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp, cuộc sống của họ không có đủ thông tin xã hội. Dẫn đến họ dễ dàng bị lợi dụng và cả tin vào các đối tượng phạm tội, trở thành nạn nhận của tội phạm mua bán người.
Sự suy thoái về đạo đức lối sống của một số bộ phận cá nhân trong xã hội: sự cám dỗ của vật chất làm người không tự chủ được lòng tham của bản thân sẽ bị sa ngã. Thấy lợi ích về tiền bạc sẽ bán rẻ lương tri, đem người khác làm hàng hóa để trao đổi lấy tiền. Những người phạm tội về mua bán người họ không thấy được chân lý Duyên sinh, duyên khởi. Không thấy được tính Vô thường của vạn vật, nên họ bị chấp vào cái Sở thấy, Sở nghe rồi bị vô minh che lấp để rồi đi vào con đường tội lỗi, đem đến khổ đau cho đồng loại.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người ở Việt Nam trong tình hình mới
Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa ra những giải pháp quyết liệt đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm nguy hiểm này. Phật giáo với tinh thần nhập thế, việc áp dụng tư tưởng của Đức Phật vào việc giải quyết các vấn đề xã hội ngày nay có giá trị nhân đạo sâu sắc. Đối với việc phòng chống tình hình tội mua bán người thì những lời dạy của Đức Phật mang tính thực tiễn, chân thực đối với chúng ta.
Đối với vấn đề kinh tế, Phật học cho rằng kinh tế gắn liền với đạo đức học và lý thuyết về hành vi (kamma). Theo đớ, quan điểm về sự chủ trong việc giải thích tư cách đạo đức con người. Đạo đức học đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế xã hội. Phật giáo với chủ trương đem lại sự tiến bộ đạo đức và sự phát triển tâm linh của những cá thể trong xã hội, Phật giáo thấy rõ rằng những khía cạnh đạo đức của thái độ ứng xử của con người liên quan đến kinh tế, đến những giá trị vật chất mang lại cho con người. Những lời dạy của Đức Phật về bốn nhu cầu ăn – mặc – ở – thuốc xuất hiện khắp trong các bản kinh đạo Phật. Bốn nhu cầu nay chi phối toàn bộ hoạt động của con người. Tuy nhiên, để cân bằng các yếu tố đó con người cần làm chủ được tâm, không để chủ thể làm “nô lệ cho nó”. Muốn làm được điều đó Đức Phật có dạy, con người cần lấy bốn nền tảng chính niệm và những nguyên tắc đạo đức để đem đến sự tiến bộ vật chất của loài người.

Kinh dạy chúng ta rằng sự nghèo nàn đưa đến nạn trộm cắp và phá huỷ những định chế xã hội, và cũng chính nó lại đưa đến sự suy thoái đời sống cá nhân và xã hội. Điều đó cho thấy rằng để mang lại sự cải tiến trong phẩm chất cuộc sống, những giá trị đạo đức nên được tôn trọng và thực thi. Đức Phật dạy bổn phận đạo đức của nhà vua hay chính phủ là đề ra những chương trình xoá đói giảm nghèo: nên phát ngũ cốc và giống cho những người làm nông và chăn nuôi gia súc, nên phân phát vốn liếng cho những người buôn, và phát tiền lương thích đáng cho những người làm việc chính phủ. Về mặt quản lý kinh tế, một đất nước lý tưởng có thể được định nghĩa là một quốc gia trong đó sự nghèo nàn được xoá bỏ, sự rối loạn trật tự xã hội được vãng hồi rõ ràng, trong khi hoà bình và tiến bộ đạo đức chiếm ưu thế. Chính Phủ cần tạo công ăn việc làm cho người dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, sự chệnh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, hải đảo và đồng bằng để đem lại văn minh, thông tin cho nhân dân.
Là một tôn giáo trung đạo, đạo Phật không xem của cải là điều xấu, cũng không xem nó là cứu cánh trong tự thân của nó. Tuỳ thuộc vào phương cách nó được tạo ra và mục đích con người sử dụng nó, của cải sẽ được khuyến khích hay bị lên án. Đối với người Phật tử, vấn đề không phải ở chỗ người ta nên có bao nhiêu của cải, mà là cách thức họ sở hữu và sử dụng của cải thế nào. Nếu của cải được tạo ra bằng những con đường phi pháp và phi đạo đức, và được sử dụng cho những hoạt động chống lại xã hội, hoặc ngay cả cho nhu cầu xa xỉ, đạo Phật xem của cải như thế là điều xấu ác. Nếu của cải được làm ra do nỗ lực chân chính, dùng để mang lại an lạc và hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình mình và vì lợi ích cho xã hội, nó được coi là một phương tiện quan trọng để tạo một cuộc sống tốt đẹp và một cuộc sống đạo đức có thể được. Trong Kinh, đức Phật nói như sau: Vì chính mình và vì mọi người, ta không làm điều xấu ác, cũng không muốn vì những con trai con gái mình, hay vì của cải, vì vương quốc mà làm điều xấu ác, cũng không muốn thành công bằng những phương tiện bất thiện. Người như vậy là đạo đức, khôn ngoan và đúng đắn. Chính từ việc này mà đạo Phật cho rằng mắc nợ là khổ và không mắc nợ là nguồn gốc của hạnh phúc.

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta cần coi trọng việc xây dựng hoàn thiện đạo đức nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Nền đạo đức mà chúng ta đang xây dựng là sự kết tinh, kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của nhân loại, của dân tộc, trong đó có những giá trị đạo đức Phật giáo. Bên cạnh đó, để ngặn chặn và đẩy lùi tình hình tội mua bán người chúng ta cần áp dụng tổng hợp một số các giải pháp mang tính phổ quát sau đây:
– Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm
Cần đổi mới công tác giáo dục, truyền thông về tội phạm mua bán người với nội dung và hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội phạm mua bán người; tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các em giái chưa ngoan, có hoàn cảnh đặc biệt,… không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đặc biệt chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ban chỉ đạo 799 ở các địa phương cần chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác công tác tuyên truyền, kịp thời phổ biến chính sách pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, các kinh nghiệm, biện pháp phòng ngừa, kết quả đấu tranh, các gương điển hình tiên tiến, mô hình có hiệu quả về phòng chống tội phạm mua bán người; chỉ đạo các cơ quan, báo chí, đài truyền hình tăng thời lượng phát sóng, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người. Duy trì việc giải đáp pháp luật, hộp thư bạn đọc, đồng thời thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí thông qua số điện thoại 1088. Hội liên hiệp phụ nữ các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên diện rộng và chiều sâu về công tác phòng chống mua bán người. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống mua bán người tại trường học cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhân dân. Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân tại cấp cơ sở.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các địa phương cần chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Các đơn vị cần có sự phối hợp với các Chi hội phụ nữ xã, phường, thị trấn cử cán bộ xuống các bến tàu, thuyền, cụm tàu bè an toàn trên sông, vịnh để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân từ đó giúp quần chúng nhận rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng và tích cực tham gia tố giác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người. Làm tốt công tác đấu tranh cơ bản, rà soát các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người, bồi dưỡng cho nhân viên mạng lưới bí mật nắm các nguồn tin về cá nhân tổ chức đường dây ổ nhóm có dấu hiệu rủ rê, lôi kéo phụ nữ ra nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài bất hợp pháp hoặc đi làm những nghề có thu nhập cao.
Ngành Công an cần chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người; rà soát, thống kê các đầu mối, đường dây nghi vấn hoạt động buôn bán người để tập trung xác minh, thu thập tài liệu, xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát, trao đổi các thông tin về đường dây, các đầu mối nghi vấn, băng ổ nhóm tội phạm mua bán người, nạn nhân bị mua bán. Từ đó tiến hành kết hợp những tài liệu, chứng cứ thu thập được để xác lập chuyên án, đấu tranh truy bắt các đối tượng và giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Đối với Bộ đội biên phòng cần phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai toàn diện với các nội dung như trao đổi thông tin tình hình, phối hợp thực hiện công tác nghiệp vụ, trong đó, chú trọng công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người; phối hợp tiến hành các kế hoạch nghiệp vụ; chủ động xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh; phối hợp xác minh, truy bắt các đối tượng phạm tội lẩn trốn tại địa bàn biên giới.
Bộ Công an kịp thời chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cùng các ngành chức năng khác thực hiện có hiệu quả Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.
– Triển khai và áp dụng mô hình Câu lạc bộ thanh thiếu niên di cư an toàn
Mô hình Câu lạc bộ thanh thiếu niên di cư an toàn góp phần làm giảm nạn buôn người thông qua việc nâng cao năng lực cho thanh thiếu niên bảo vệ được mình và các bạn cùng trang lứa. Nên thành lập Câu lạc bộ tại cấp thôn/bản dành cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Từ đó, giúp thanh thiếu niên nâng cao kiến thức liên quan đến mối nguy hiểm của nạn mua bán người, luật pháp liên quan đến phòng chống mua bán người và học các bước cụ thể để có thể bảo vệ chính mình như thiết lập mạng lưới hỗ trợ, biết số liên lạc của đường dây nóng. Đồng thời thanh thiếu niên học các kỹ năng để phát triển khả năng thích nghi của các em. Các kỹ năng tập trung vào phát triển cả sức mạnh nội tại và các hệ thống hỗ trợ bên ngoài, kỹ năng mềm tự bảo vệ bản thân.
– Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân và công tác thi hành chính sách, pháp luật

Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Bộ lao động Thương binh và Xã hội trong công tác kịp thời xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về để kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nạn nhân sớm hòa nhập với cộng đồng.
Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần xây dựng các chương trình giới thiệu việc làm, hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ giúp họ có việc làm và thu nhập ổn định; có các trung tâm hỗ trợ, tư vấn làm thủ tục cấp hộ khẩu cho phụ nữ bị mua bán quan biên giới, hỗ trợ cho các cháu nhỏ là con của nạn nhân được đến trường.
Bộ Công an cần phối hợp với Bộ tư pháp để xác minh các trường hợp nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài, đăng ký việc nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.
– Nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục
Chính quyền địa phương, đặc biệt là những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa cần làm tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho những đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, vì nhờ đó họ có thể tiếp cận với thông tin từ các phương tiện truyền thông để tự bảo vệ mình. Cần đưa vào chương trình giáo dục ở bậc Tiểu học và Trung học vấn đề buôn bán phụ nữ, trẻ em, cung cấp cho các em các phương thức phòng ngừa trong môi trường xã hội phức tạp, tạo cho các em có “cơ chế phòng vệ” ngay từ tuổi nhỏ.
– Tăng cường công tác hợp tác quốc tế
Công an các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Cục đối ngoại – Bộ Công an xác minh, tra cứu thông tin đối tượng có liên quan về đường dây mua bán có yếu tố nước ngoài, cũng như trong quá trình đấu tranh truy bắt, giải cứu nạn nhân.
Các lực lượng trong nước cần phối hợp với lực lượng chức năng của các nước có chung đường biên giới, hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Biên phòng các nước trong việc tập huấn nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát biên giới; xây dựng, quản lý dữ liệu xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu.
Bộ Công an và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng cần phối hợp với các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức phi Chính phủ như: UNODC, UNICEF, UNIAP, WV, IOM… trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy, phòng chống mua bán người của Ban chỉ đạo 138/CP. Để từ đó nâng cao trình độ về luật pháp quốc tế, nghiệp vụ chuyên sâu về kiểm soát mua bán người và năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên các tuyến biên giới.
Nhận thức được tính nguy hiểm của loại hoạt động này, cũng như việc cần phải hợp tác ở mức độ quốc tế cho việc phòng và chống buôn bán người, cộng đồng quốc tế đã đưa ra những thỏa thuận chung thông qua các văn kiện quốc tế để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát những hành vi mang tính tội phạm này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tổ chức Lao động Quốc Tế “ILO Global Estimate of Forced Labour” (June2012);
2. https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/thuc-trang-cac-vu-an-mua-ban-nguoi-mua-ban-tre-em-mot-so-vuong-mac-va-kien-nghi;
3. https://thanhnien.vn/thoi-su/nan-nhan-cac-vu-mua-ban-nguoi-bi-ban-sang-trung-quoc.
4. Lê Thị Thu Dung (2016), Luận án tiến sỹ tội phạm học, Đấu tranh phòng chống tình hình tội phạm vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng, bảo vệ tại Học viện khoa học xã hội;
5. Hòa thượng Tuyên Hóa, Kinh Lăng Nghiêm, NXB Tôn giáo;
6. Thích Phước Tấn, Bát Nhã Tâm Kinh lược giảng, NXB Tổng hợp TpHCM;
7. Trần Nhựt Tân (2018), Tâm lý học, NXB Hồng Đức;
8. Trần Văn Thành (2017), Nguyên lý Tính Không trong Trung Quán Luận của Bồ Tát Long Thọ và ý nghĩa của nó, Luận án tiến sỹ triết học học, bảo vệ tại Học viện khoa học xã hội;
9. Thích Chơn Thiện, Kinh Kim Cương, NXB Tôn giáo;
10. Thích Thanh Từ, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, NXB Tôn giáo;
11. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý (1995), Hình phạt trong hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia;
12. Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật (2000), Tội phạm học Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Công an nhân dân;

11
 

Bài viết khác