THAY LỜI TỰA
Là Phật tử theo giáo lý Đại thừa, chắc chắn không còn ai mà không biết danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ tát. Thậm chí cho đến người không đi chùa, có khi cũng biết Phật Bà Quan Âm là nhờ đọc bộ Tây du diễn nghĩa thuật hồi ngài Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh, hà huống chi những vị có tụng hoặc trì phẩm Phổ Môn.
Hơn nữa, trong thời Pháp nạn năm 1963, có lẽ hơn lúc nào hết, biết bao nhiêu Phật tử đã xưng danh hiệu của đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Gần đây (tính theo thời điểm sách được ấn tống), một cư sĩ ở Nha Trang ra công sưu tầm tài liệu trong các kinh có đề cập đến Ngài và đã đem ra thuyết trình trong một khuôn hội của tỉnh.
Ngoài ra, ngày 18 tháng 6 âm lịch năm Giáp Thìn (tức là 26-7-1964) tại Phú Lâm (Chợ Lớn) một Phật tử cùng gia quyến có rước chư Tăng-Ni làm lễ trọng thể đẻ an vị một pho tượng lộ thiên độ 8 thước bề cao của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Pho tượng tráng men màu trắng trông rất uy nghi, đặt giữa hoa viên kế bên quốc lộ.
Thấy lòng thành kính sâu xa không nề tổn phí to tát của vị Phật tử này, chúng tôi tự nghĩ nếu đem chút công mọn để cổ động ấn tống bài thuyết trình nói trên thì cũng gọi là báo đền trong muôn một ơn đức sâu dầy của Ngài.
Trong kinh “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” nơi phẩm thứ 12, Đức Thế Tôn có bảo ngài Quán Thế Âm Bồ Tát rằng “Ông có nhơn duyên rất lớn với chúng sanh trong cõi Ta-bà: những hàng Trời, Rồng hoặc trai, gái hoặc Thần hoặc Quỷ cho đến chúng sanh mắc phải tội khổ trong sáu đường, nếu kẻ nào nghe danh hiệu của ông hay mến tưởng ông cùng khen ngợi ông, thì những chúng sanh ấy đều ở nơi đạo Vô Thượng Chánh Giác quyết chẳng còn thối chuyển, thường được sanh vào cõi người, cõi Trời hưởng đủ sự vui lạ lùng. Khi nhơn quả sắp thành tựu, liền được Phật thọ ký cho.”
NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ CỨU NẠN QUAN THỂ ÂM BỒ TÁT
Sài Gòn ngày 20-10-1964 (15-9 Giáp Thìn)
M K
ĐỨC ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Trong mỗi năm, nhiều chùa thường làm lễ kỷ niệm đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát 3 lần, nhằm 3 ngày âm lịch:
- 19 tháng 2: lễ giáng sanh
- 19 tháng 6: lễ thành đạo
- 19 tháng 9: lễ xuất gia
Vậy xin lần lượt trình bày: ý nghĩa, danh hiệu, sự tích, hạnh nguyện, ảnh hưởng, lý do cảm ứng và lợi ích xưng niệm hồng danh của Ngài để hiểu rõ thêm về tánh đức Đại Bi và công đức thù thắng của Bồ Tát Quán Thế Âm mà chư Phật tử thường thành kính xưng niệm.
- Ý NGHĨA DANH HIỆU
Cũng như phần nhiều danh hiệu của chư Phật và Bồ Tát, danh hiệu “Đại Bi Quán Thế Âm” là danh hiệu của một vị Bồ Tát hằng cứu khổ, danh hiệu này do nghiệp nhân tu hành và hạnh nguyện độ sanh mà thành tựu.
- Đại bi: là lòng thương cứu khổ rộng lớn, không bờ bến: thương người như thương mình, cứu người như cứu mình một cách bình đẳng, vô tư, sang suốt, không bị thời gian chi phối, không bị không gian ngăn cách, không phân biệt giống nòi, người hay vật, không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn, không phân biệt trí tuệ hay ngu si, không phân biệt người ân hay kẻ oán.
- Quán: nghĩa là quán sát, xem xét
- Thế Âm: nghĩa là tiếng tăm trong thế gian. Bồ Tát nói cho đủ là Bồ Đề Tát Đỏa tức là giác hữu tình, nghĩa là bậc hữu tình đã giác ngộ và trở lại giác ngộ các loài hữu tình.
Vậy Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát là vị đại Bồ Tát có lòng thương rộng lớn, thường quán sát tiếng kêu cầu đau khổ của chúng sanh trong thế gian mà thị hiện cứu độ.
Bồ Tát Quán Thế Âm không dong ruổi theo âm thanh động tịnh bên ngoài như phàm phu, trái lại Ngài dùng trí tuệ thanh tịnh quán sát cái tự tánh bên trong mà chứng được bản thể vũ trụ. Do đó Ngài chứng nhập “Nhĩ căn viên thông” nên nơi nào, lúc nào trong mười phương thế giới có tiếng đau khổ kêu cầu thì Ngài liền ứng hiện cứu giúp một cách mầu nhiệm, tự tại.
Nhờ “nhĩ căn viên thông” mà khắp trong hoàn vũ, không có âm thanh nào mà Ngài không nghe, không có tiếng tăm gì không hiểu, không có tâm niệm nào Ngài không thông.
Kinh Ngũ Bách Danh cho biết đức Quán Thế Âm Bồ Tát có tất cả 500 danh hiệu đều là hóa thân của Ngài. Vì chứng được “Lục căn hỗ dụng” (nghĩa là 6 căn có thể trợ giúp thay thế lẫn nhau, như mắt có thể nghe, tai có thể thấy, lưỡi có thể ngửi v.v.) cho nên Bồ Tát được tự do, tự tại trong việc hiện thân độ thoát chúng sanh không bị gì ngăn cản trở ngại. Vì thế nên Ngài cũng có tên là QUÁN TỰ TẠI như bài kệ sau này tán dương vậy.
Phổ Đà lạc già thường nhập định
Tùy duyên phổ cảm mỵ bất châu
Tầm thanh cứu khổ độ quần mê
Thị đắc danh vi Quán Tự Tại
Tạm dịch nghĩa:
Trên núi Phổ Đà thường nhập định
Tùy duyên ứng hiện khắp gần xa
Tầm thanh cứu độ kẻ lầm mê
Vậy nên gọi là Quán Tự Tại
- SỰ TÍCH
Về sự tích của đức Quán Thế Âm thì nhiều kinh sách tường thuật tiền thân của Ngài:
Nguyên là một vị cổ Phật vì nguyện Đại Bi đã thị hiện làm Bồ Tát trải qua vô lượng vô số kiếp để cứu độ chúng sanh đau thương trong bể khổ.
Trong kinh Lăng Nghiêm chính Ngài đã nói rằng “tôi nhớ vô số kiếp như cát sông Hằng về trước có đức Phật ra đời hiện là QUÁN THẾ ÂM NHƯ LAI. Lúc bấy giờ tôi phát bồ đề tâm, trước đại hội Như Lai liền dạy tôi nên từ nơi tam học “Văn, Tư, Tu” mà chứng nhập “Chánh Địa”. Sau cùng Quán Thế Âm Như Lai khen ngợi tôi khéo chứng được pháp môn “Viên thông” và thụ ký cho tôi tên là QUÁN THẾ ÂM, vì tôi nghe tiếng trong mười phương đều được thông suốt.
Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm ghi chép rằng: “thuở đời quá khứ từ vô lượng kiếp trước nhẫn lại đây, Quán Thế Âm Bồ Tát đã thành Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực đại bi nên hiện thân Bồ Tát, tu tập không biết bao nhiêu pháp môn Đà La Ni để tiêu tai giải ách và tăng trưởng phúc tuệ cho chúng sanh. Lúc đức Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai ra đời có thuyết chú Đại Bi, đức Quán Thế Âm nhờ nghe thần chú mà đương ở bậc Sơ Địa Bồ Tát vượt chứng lên đến bậc Bát Địa Bồ Tát, thân tâm hoan hỷ, phát nguyện rộng lớn, thọ trì thần chú, độ thoát chúng sanh, nhơn từ đó tự thân sanh ra ngàn tay ngàn mắt. Vì thế chú Đại Bi mà chúng ta hằng ngày trì tụng có tên là: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni.
Kinh Bi Hoa thuật rằng: hằng hà sa số kiếp trước, Ngài là vị thái tử Bất Thuấn (có nơi chép là Bất Huyến) con vua Vô Tránh Niệm. Thời ấy có đức Bảo Tạng Như Lai tại thế. Vua và thái tử nghe Phật thuyết pháp, am hiểu giáo lý cao siêu, hoan hỷ phát nguyện tu hành. Sau vua Vô Tránh Niệm thành Phật A Di Đà và thái tử thành Bồ Tát Quán Thế Âm ở cõi Cực Lạc.
Theo kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thụ Ký thì vô lượng kiếp về sau, lúc Phật A Di Đà nhập diệt, cõi Cực Lạc sẽ đổi thành tên là “Nhứt Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu” càng thêm tốt đẹp hơn trước và Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ thành Phật hiệu Biến Xuất Thế Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai.
Lại nữa trong kinh Quán Âm Tam Muội đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị cổ Phật và xưa kia chính đức Thế Tôn đã từng làm đệ tử của vị cổ Phật ấy.
Vài đoạn lịch sử trên chỉ là phần nhỏ trong kinh sách. Ngoài ra, còn nhiều truyền thuyết đã thuyết về sự tích của Ngài được truyền bá phổ cập trong dân chúng như: truyện Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện,v.v…
III. HẠNH NGUYỆN:
Đức Quán Thế Âm là một vị Phật bổ xứ, Ngài sẽ thay thế đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc, cũng như Bồ Tát Di Lặc sẽ thay thế đức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sanh cõi Ta Bà này.
- Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho Đại từ
- Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho Đại trí
- Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho Đại hạnh
- Bồ Tát Thế Chí tượng trưng cho Đại lực
- Bồ Tát Địa Tạng tượng trưng cho Đại nguyện.
Tất cả hạnh nguyện của đức Quán Thế Âm đều phát sanh ở lòng Đại Bi. Đại Bi là một thể có hai dụng: một là độ thoát chúng sanh khổ não, hai là phát sinh trí giác Bồ Đề. Ngài là một pháp thân Đại Sĩ đã nhập thể Đại Bi. Ngài là hiện thân của Đại Bi. Ngài là vị Đại Bi giáo chủ, phát nguyện rộng lớn, tướng tốt trang nghiêm như 4 câu kệ sau đây đã tán dương:
Khể Thủ Quan Âm Đại Bi chủ,
Nguyện lực hồng thâm, tướng hảo thân
Thiên thủ trang nghiêm phổ độ trì
Thiên nhãn quang minh biến quang chiếu
Tạm dịch:
Kính lạy đức Đại Bi Quán Âm
Nguyện lực rộng sâu, thân tốt đẹp
Ngàn tay trang nghiêm khắp độ trì
Ngàn mắt sáng ngời khắp soi xét.
Do nhân tu pháp “Nhĩ Căn Viên Thông” đức Quán Thế Âm nhập thể chân, chứng được chơn tâm thanh tịnh sáng soi viên mãn khắp cả mười phương thế giới nên đặng 2 món công đức thù thắng:
- Trên hiệp với đức “Từ độ sanh” của chư Phật.
- Dưới hiệp với lòng “Bi ngưỡng” của chúng sanh.
Nhơn đó, Ngài được diệu dụng sau nầy:
1) Nhờ chứng được chỗ đồng thể với chư Phật, Ngài hiện ra 32 ứng thân để tùy thuận chúng sanh mà hóa độ…
2) Nhờ chứng được chỗ đồng thể với chúng sanh, Ngài ban cho muôn loài 14 công đức vô úy (tức là 14 món không sợ)
Ngoài ra, đức Quán Thế Âm Bồ Tát còn được 4 bất tư nghì vô tát diệu đức (tức là 4 đức mầu vô tác không thể nghĩ bàn):
- Hiện nhiều đầu, nhiều tay và nhiều mắt để cứu độ chúng sanh, khiến cho đặng Đại tự tại.
- Hiện hình nói thần chú để bố thí tánh không sợ.
- Khiến chúng sanh bỏ cái tâm tham lam mà bố thí cúng dường.
- Khiến chúng sanh cầu chi được nấy: vợ, con, trường thọ, chánh định, niết bàn v.v.
Nguyên Ngài là một vị cổ Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai nhưng vì thương xót chúng sanh chìm đắm trong bể khổ nên Ngài phương tiện hiện thân làm Bồ Tát thệ nguyện rộng lớn, độ tận chúng sanh. Khắp mười phương thế giới từ Ta Bà sang Cực Lạc, từ Cực Lạc sang thế giới Tịnh Lưu Ly, đâu đâu cũng có hóa thân của Ngài dưới mọi hình tướng để tế độ muôn loài:
Phổ Môn thị hiện,
Cứu khổ tầm thanh,
Từ bi thuyết pháp độ mê tân
Phó cảm ứng tùy hình,
Tứ hải thanh ninh
Bát nạn vĩnh vô xâm
Tạm dịch nghĩa:
Phổ Môn thị hiện khắp mười phương
Cứu khổ tầm thanh độ thế gian
Một niệm từ bi năng thuyết pháp
Vớt người thoát khổ chốn mê tân
Tùy cơ cảm ứng, thân hình hóa
Tứ hải chúng sanh tận độ an
Ách nạn khổ nguy thường cứu giải
Đời đời chẳng vướng tám tai nàn.
Hình tượng của Ngài mà thường thờ phụng là hóa thân phụ nữ, biểu hiện lòng từ bi quảng đại của Ngài đối với chúng sanh như mẹ hiền thương con vậy.
Khi thấy Ngài một tay cầm nhành dương liễu, một tay bưng bình cam lộ đó là hình ảnh tượng trưng Bồ Tát luôn luôn tế độ quần sanh, rẫy nước cam lộ dập tắt phiền não, đem lại an lạc cho muôn loài:
Phép Bồ Tát cao siêu huyền diệu
Quán Thế Âm liệu lượng hóa thân
Nhành dương quét sạch trược trần
Tịnh bình cam lộ giải tan não phiền.
Khi chiêm ngưỡng tượng ảnh đức Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi nhập định nơi pháp tòa tại rừng trú núi Phổ Đà, tranh ảnh ấy cho biết rằng: Tuy tùy duyên thuyết pháp để giáo hóa chúng sanh nhưng Ngài vẫn không rời pháp tòa chánh định.
Lại có khi thấy Bồ Tát đi trên hoa sen cả ba đào, tượng ảnh ấy biểu hiện biển đời đau khổ đầy sóng gió, nhưng Ngài tự tại luôn luôn và hoan hỷ cứu vớt mọi loài, không bao giờ từ bỏ chúng sanh trong lúc hiểm nghèo:
Trí tuệ rộng sâu đại biện tài
Ngự tòa sen báu tuyệt trần ai
Hào quang chiếu phá muôn ngàn bịnh
Cam lộ tiêu trừ vạn kiếp tai.
Bi tâm của Ngài rộng lớn vô cùng, phương tiện của Ngài thiện xảo vô tận. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không ngớt tán thán hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm trong phẩm Phổ Môn của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, một bộ kinh Đại Thừa cao siêu bực nhứt nói về Nhứt thừa thật tướng, nghĩa lý nhiệm mầu, khai quyền hiển thật, thể dụng viên dung.
- ẢNH HƯỞNG
Hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm cao cả vô cùng, bi tâm của đấng Từ mẫu cứu khổ rộng lớn vô tận, cho nên hầu hết các nước Phật giáo đều tôn thờ hình tượng tranh ảnh của Ngài, và tán thán công đức thù thắng của Ngài.
Riêng tại Việt Nam, một nước mà tư tưởng dân tộc đã thấm nhuần Phật giáo gần hai ngàn năm nay, triết lý nhà Phật đã in sâu vào trí não, đã ăn đậm vào tâm hồn tổ tiên chúng ta qua biết bao thế hệ, cho nên ngày nay, mặc dầu sanh vào thời mạt Pháp, chúng ta cũng được thiện duyên gặp Chánh Pháp, đó là một phần lớn nhờ hồng ân Tam Bảo, nhưng cũng một phần nào nhờ thừa hưởng di truyền quý báu của Tổ tiên trong huyết quản.
Thấm nhuần Giáo lý nhà Phật tức thấm nhuần tư tưởng Từ Bi mà Bồ Tát Quán Thế Âm là tượng trưng hùng hồn cho đức tánh cao đẹp ấy.
Chiêm ngưỡng tượng ảnh Ngài, thì cảm thấy:
1) Bầu không khí ấm cúng, an lành.
2) Ánh sáng Đại Bi tỏa chiếu khắp thân mình.
3) Tâm hồn hiền lành, êm dịu, lòng càng thương người mến vật.
4) Niềm an ủi vỗ về như trẻ thơ bên cạnh mẹ hiền.
5) Tánh tình bạo dạn hơn, lòng trở nên vững chắc thêm, không sợ tà ma ác quỷ, không sợ tai nạn nguy biến.
6) Ý chí cương quyết tinh tấn tu niệm, lòng càng tin tưởng mãnh liệt vào phép Phật nhiệm mầu, đem lại an lạc cho muôn loài.
Ngoài ra ảnh hưởng của đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong xã hội Việt Nam không phải là ít.
Nhìn qua nền văn hóa dân tộc, biết bao nhiêu truyện tích, thi ca, nhạc kịch, phim ảnh, hội họa v.v…đều nhứt tề ca ngợi hạnh nguyện hồng thâm và tán dương oai lực thần thông của Ngài.
Các tác phẩm ấy tuy không diễn đạt hoàn toàn đầy đủ chân tinh thần Đại Bi nhưng cũng đã biểu lộ một phần nào lòng ngưỡng mộ đức Mẹ hiền cứu khổ.
- LÝ DO CẢM ỨNG
Tại sao có lòng ngưỡng mộ đặc biệt như thế?
Chẳng qua không ngoài uy đức lẫy lừng của Bồ Tát Quán Thế Âm và lý do cảm ứng hiển nhiên không thể chối cãi được.
Bi tâm của Bồ Tát luôn luôn hưởng ứng với khổ tâm của chúng sanh kêu cầu. Vì có Cảm tất có Ứng, theo như luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nghĩa là những vật cùng một thứ tiếng thì ứng nhau (như một con gà gày thì bầy gà đều gáy), những vật cùng một khí loại thì tìm nhau (như từ thạch thì hút sắt).
Vậy mỗi khi chúng sanh lâm nạn cầu cứu thì Bồ Tát hiện thân cứu độ. Sự hiện thân của Ngài chỉ là một công dụng của lòng Đại Bi.
Trong mục “Tìm hiểu Quán Thế Âm Bồ Tát” Đại đức Thích Viên Giác đã trình bày lý do cảm ứng như sau:
“Khi người nào chuyên tâm chú niệm danh hiệu Ngài, tức là người ấy đã chuyên chú niệm đức tánh Từ Bi của họ. Đồng thời tin tưởng của họ cũng đã nhập vào đức tánh Từ Bi của Ngài. Đồng thời đức tánh Từ Bi của Ngài cũng giao cảm với đức tánh Từ Bi cả người ấy.
Ví như hai luồng ánh sáng tương tiếp giao hòa với nhau thì ánh sáng tỏa khắp rộng ra giữa không gian. Nói cách khác: khi tâm tánh của chúng ta đã thanh tịnh một phút nào đó, tức thì lúc đó chúng ta đã cảm nhận được ánh sáng từ quang của Ngài chiếu vào tâm tánh của chúng ta vậy. Như biển lặng sóng ngừng thì in rõ nền trời xanh vào lòng biển cả, nước hồ thu trong thì ánh trăng thu rọi vào.
“Trăng kia vẫn bình thản và thản nhiên chiếu nhưng nước đục thì không thấy trăng, chớ không phải trăng không soi đến hồ nước đục. Trời xanh vẫn hiển hiện vào lòng bể cả, nhưng bể cả sóng dồi thì làm sao thấy được nền trời xanh quang đãng.”
“Lòng Từ Bi của Ngài không bỏ một ai, nhưng vì ai đó sóng lòng còn xao động, tâm tánh còn thiên tà, không tin tưởng, không xưng niệm danh hiệu đấng Từ Bi. Người ấy không thấy đức Từ Bi, không thoát được khổ lụy, bị tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến nhận chìm xuống biển khổ.”
Để làm sáng tỏ thêm lý do cảm ứng, xin dẫn ra một thí dụ nữa: những làn sóng điện trên không gian thường chuyển đưa tin tức do các đài phát thanh phóng ra giữa vũ trụ, nhưng ai không có máy thâu thanh tốt thì không nhận được tin tức. Nếu máy thâu thanh tốt và đài phát thanh mạnh thì bất cứ ở đâu cũng nhận được tin tức. Máy thu thanh là nhân, đài phát thanh là duyên, nhân duyên đầy đủ thì tin tức phát hiện.
Ở đây, lòng khẩn xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm là nhân, Bi nguyện độ sanh sâu rộng của Ngài là duyên. Nhân duyên gặp gỡ thì cảm ứng rõ ràng: hoặc mộng thấy Ngài hiện thân chỉ bảo, hoặc thấy hào quang Ngài chiếu sáng, hoặc thấy các điềm lành khác như chuyển họa thành phước, tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi v.v…
Chỉ có những người chí tâm thành kính xưng niệm danh hiệu mới nhận thấy rõ sự cảm ứng ấy, cũng như chỉ những máy thâu thanh tốt mới bắt được tin tức rõ ràng.
Hơn nữa, người nào thường làm việc phước thiện, không tham lam mà bố thí, không giận dữ mà nhẫn nhục, không ghen ghét mà tùy hỷ, không hẹp hòi mà bao dung, hay thương xót kẻ đau khổ, cứu giúp kẻ lâm nạn, người đó là hình ảnh của Từ Bi, của Bồ Tát, của Phật Đà, người ấy thường được hưởng phước lạc và cầu nguyện gì đều được thỏa mãn.
Trái lại, người nào tư tưởng tà vạy, ngôn ngữ bất chính, cử chỉ hung tợn, có tật chấp nê, có tánh đố kỵ, hay ganh ghét kẻ hơn mình, thường khinh rẻ kẻ bần cùng, hất hủi kẻ tàn tật, người đó chính là hình ảnh của tàn bạo, của dạ xoa, của la sát, người ấy thường chịu quả báo đau khổ và lúc lâm nạn không gặp ai cứu vớt.
Vậy muốn thoát khổ, được vui, thiết tưởng đừng gây nghiệp ác mà tạo nghiệp lành, phải bỏ lối sống vị kỷ, nếp sống hẹp hòi, nếp sống thiển cận mà tập sống vị tha, sống rộng, sống sâu, sống với bác ái, sống với Từ Bi, sống theo gương đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
- LỢI ÍCH XƯNG NIỆM
Bồ Tát Quán Thế Âm xưa kia là một vị cổ Phật đã tu vô lượng kiếp để tế độ quần sanh. Vì muốn cứu vớt muôn loài trầm luân trong biển khổ, Ngài không ngại hòa quang hỗn tục, hạ mình lăn lộn trong tam đồ lục đạo.
Ngài hoan hỷ thị hiện Bồ Tát, thực hành hạnh nguyện Đại Bi, tầm thanh cứu khổ, độ thoát chúng sanh. Khắp hoàn vũ nơi nào có người đau khổ khẩn cầu, nơi đó có Ngài hóa thân cứu độ.
Ai thành tâm xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì:
1) Thoát khỏi tam tai bát nạn.
2) Xa lìa tam độc (tham, sân, si).
3) Các điều nguyện cầu đều được thỏa mãn.
Xưng danh hiệu Ngài là un đúc giống Từ Bi vào tâm địa chúng ta và cũng là một phương pháp khai thác những năng lượng tiềm tàng trong thân tâm của chúng ta là cứu khổ, trừ mê, diệt tai nạn. Nghĩa là giờ phút nào hướng về Từ Bi, tức là giờ phút ấy dẹp tan ma quân tàn ác hãm hại chúng ta.
Nếu trọn đời cứ nhứt tâm cương quyết xưng niệm đấng Từ Bi thì trọn đời diệt sạch đau khổ, sẽ được an vui hoàn toàn.
Như vậy xưng niệm danh hiệu Ngài có nhiều lợi ích như thế. Hột giống Từ Bi một khi gieo vào tâm địa, danh hiệu của Ngài đã lọt vào tai thì kiếp kiếp nó thành hạt giống Bồ Đề, hiện tại nó là một năng lực tiêu trừ tai chướng. Phúc đức càng cao như thủy triều dâng lên vô tận, tội lỗi tiêu mòn như sương mai tan rã dưới ánh bình minh (Thích Viên Giác).
Phẩm Phổ Môn dạy rằng: Người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát cho đến lễ bái cúng dường Ngài một thời được phước bằng kẻ thọ trì danh hiệu 62 ức hằng hà sa Bồ Tát và trọn đời cúng dường các thứ ăn, uống, áo, quần, giường, ghế, thuốc thang. Phước đức ấy trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp, không bao giờ cùng tận.
Vì thọ trì danh hiệu Ngài được vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế, nên đức Phật Thích Ca khuyên chúng ta thường xưng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm.
Xưng niệm danh hiệu Ngài tức tưởng nhớ đức tánh Đại Bi, tán dương hạnh nguyện cứu khổ và thần phục oai linh thâm diệu của Quán Thế Âm Bồ tát.
Công đức của Ngài vô lượng, thần thông của Ngài vô cùng, trí tuệ của Ngài vô biên, thì phước báo của người xưng niệm danh hiệu Ngài cũng vô tận.
Quán Âm Bồ Tát diệu nan thù,
Thanh tịnh trang nghiêm lũy kiếp tu,
Thiên xứ tín cầu thiên xứ ứng,
Mê xuyên thường tác độ nhân chu.
Tạm dịch:
Quán Âm Bồ Tát rất linh kỳ,
Kiếp kiếp chuyên tu phép Đại Bi,
Khắp xứ tin cầu đều ứng hiện,
Thuyền từ độ khách thoát sông mê.
VII. KẾT LUẬN
Qua những dòng sơ lược trình bày ở đoạn trên, người Phật tử phải làm gi để ghi ơn đức của người Mẹ hiền cao cả?
Ngoài việc dâng hương hoa ngào ngạt lẫn với hương lòng thành kính, tưởng nên tụng kinh Phổ Môn, trì chú Đại Bi và nhứt là thành khẩn xưng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để ôn lại ý nghĩa hồng danh lừng lẫy, sự tích vẻ vang và hạnh nguyện cao đẹp của Đại Sĩ Thí vô-úy, đồng thời biểu lộ lòng tri ân vô tận đối với đấng Từ Mẫu cứu khổ.
Sự biết ơn ấy sẽ giúp chúng ta noi gương Ngài phát lòng Đại Bi, gieo tỏa tình thương khắp trong quần sanh.
Sự biết ơn ấy sẽ đưa đến gần Ngài hơn, hầu mong được Bồ Tát từ bi gia hộ chúng ta trên đường tu tập đầy chông gai, chướng ngại.
Sự biết ơn ấy là chìa khóa mở rộng tâm hồn giúp chúng ta khai thác những công năng trong thâm tâm đem ra ứng dụng để cứu nhơn độ thế.
Vậy hãy nên thành tâm khẩn cầu Ngài rưới nước cam lộ rửa sạch mọi oán thù, chiếu hào quang soi sáng đến mọi tâm hồn, ngỏ hầu đưa thế giới đến hòa bình, chúng sanh đến an lạc.
Quan Âm Đại Sĩ
Phổ hiệu viên thông
Thập nhị đại nguyện thệ hoằng thâm
Khổ hải phiến từ phong
Phổ tế tâm dung
Sát sát hiện vô cùng
Tạm dịch:
Kính lạy Đại Sĩ Quan Âm,
Viên thông lừng lẫy, tiếng tăm xa gần
Mười hai nguyện lớn vô ngần,
Mênh mông biển khổ thổi cơn gió lành
Một lòng độ khắp chúng sanh
Nơi nơi ứng hiệu cảm linh không cùng.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma ha tát.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
NHẪN MINH KINH
Phật thuyết nhẫn minh kinh:
Lưỡng nhãn tợ kim đăng,
Xá lợi kim sơn tháp,
Liên hoa mãn tọa hương
Thiên thủ thiên nhãn đồng tử vương.
Lưỡng nhãn y cựu diệm diệm quang
Văn Thù Bồ Tát kỵ sư tử
Phổ Hiền Bồ Tát kỵ tượng vương.
Hộ ra na, nhãn ra na,
Nhãn trung ác huyết tận tiêu ma.
Hữu nhơn tụng đắc nhãn minh kinh
Sanh sanh thế thế nhãn quang minh,
Mỗi nhựt thanh thần niệm nhất biến,
Thắng quá vạn quyển kinh,
Chư tôn Bồ Tát ma ha tát:
Ma ha bát nhã ba la mật
Ám, a đắc rị đa, ta bà ha.
Cước chú: Kinh này có người mù mắt lâu năm gặp kinh này liền nguyện ăn chay, thỉnh tượng Quán Thế Âm về thờ, mỗi ngày tảng sáng quỳ tụng 7 lần luôn luôn vài năm liền sáng lại.
(Trích quyển “Phổ Môn Kinh” do Bửu Chân Tự- Đà Lạt ấn tống. Giấy phép số 1627 ngày 20/07/1963)
NHƯ Ý BẢO LUÂN VƯƠNG ĐÀ LA NI
A- Bài chú: Nam mô Phật đà da, Nam mô Đạt ma da, Nam mô Tăng già da, Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát ma ha tát, cụ đại bi tâm giả.
Đát điệt tha. Án, chước yết ra phạt đế chấn đa mạt ni, ma ha bát đắng mế, rô rô rô rô, để sắt tra, thước ra a yết rị, sa dạ hồng phấn tá ha. Án, bát đạp ma, chấn đa mạt ni, thước ra hồng. Án bạt lặt đà, bát đẳng mế hồng.
B- Sự linh ứng: chú này trích trong kinh “Như Ý Tâm Đà La Ni”. Vì Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát muốn cho chúng sanh tùy ý sở cầu cái gì cũng được như nguyện, nên Ngài bạch với Phật xin để Ngài thuyết chú này. Những người trì tụng mà rõ được nghĩa thâm mật của chú này thì cái thắng lợi ấy cũng ví như cây như ý mà sanh ra những ngọc bảo châu như ý, tùy nguyện muốn cầu gì cũng được.
Lúc Bồ tát thuyết chú này rồi, sáu phương chấn động, cung điện của Ma Vương đều nổi lửa cháy, sợ hãi khôn cùng, các loài độc ác chúng sanh đều nhào lăn té ngã, còn những kẻ thọ khổ trong đường địa ngục và ngạ quỷ thì đều đặng sanh về cõi Trời.
Người nào nhứt tâm trì tụng chú này thì các tai nạn đều được tiêu diệt mà đến lúc lâm chung lại được thấy đức Phật A Di Đà và Ngài Quán Thế Âm tiếp dẫn về cõi Tịnh Độ. (Trích Từ Bi Âm số 66: 15-9-34 trang 17-19)
BẠCH Y QUÁN THẾ ÂM ĐẠI SĨ LINH CẢM THẦN CHÚ
Nam mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm Bạch Y Quán Thế Âm Bồ Tát (đọc 3 lần)
Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng. Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.
Đát chỉ đá, ám dà la phạt đá, dà la phạt đá.
Dà ha phạt đá. La dà phạt đá. La dà phạt đá sa ha.
Thiên la thần, địa la thần,
Nhân ly nạn, nạn ly than,
Nhất thiết tai ương hóa vi trần.
Cước chú: Thần chú này có nhiều vị ấn tống với dẫn chứng các sự linh ứng. Trong quyển sách ấn tống thì hcus này bảo niệm chú 12.000 lần hoặc nếu ấn tống thì in đủ số 1.200 quyển.
(Kiểm duyệt số 659/XB ngày 3-4-1964)
—-o0o—
Vi tính: Liên Tú
Trình bày: Tịnh Tuệ
Cập nhật: 2-2010
( Theo: http://www.tuvienquangduc.com.au/BoTat/85botatquanam.html)
(Nhận xét theo Văn Thành: Quán Âm Bồ Tát có nhiều cách hiểu khác nhau, công dụng cũng khác nhau, nhưng nhìn chung công niệm câu Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát với lòng thanh tịnh nhất tâm sẽ cầu gì được đó, ví dụ đang khổ mà cầu thì sẽ hết khổ được an vui hạnh phúc…)
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát tác đại chứng minh!