CÁCH TIẾP CẬN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC VỀ TƯ DUY CHÍNH NIỆM PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

CÁCH TIẾP CẬN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC VỀ TƯ DUY CHÍNH NIỆM PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

 Tác giả: Đại đức. TS. Thích Quảng Hợp

(TÓM TẮT)

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đất nước ta đang trên đà phát triển thể hiện qua nhiều lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng tôn giáo… trong đó, xã hội còn có một số vấn đề bất cập hạn chế như: đạo đức con người xuống cấp, nguy cơ chiến tranh vũ khí hủy diệt, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, nhận thức sai lầm, tư duy lạc lối…. Vậy chúng ta cần phải làm gì? Trước đòi hỏi đó đặt ra yêu cầu chúng ta phải tìm cho được cách thức phòng ngừa hay hóa giải vấn đề bất cập nêu trên. Trong bài viết này, học giả trình bày vấn đề “Cách tiếp cận lịch sử triết học về tư duy chính niệm Phật giáo trong thế giới hiện đại”. Dưới cái nhìn đa diện nhiều chiều, logic và biện chứng của lịch sử triết học cho ta có nhận thức đúng đắn về tư duy chính niệm Phật giáo. Đức Phật dạy chúng sinh cần tư duy nhớ nghĩ rõ ràng trong hiện tại, thấy sự vật, hiện tượng hòa hợp thay đổi theo triết lý Duyên sinh (điều kiện, Không), đạt tĩnh tâm, giác ngộ, từ đó tìm ra con đường, phương pháp đưa tới hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội ổn định, phát triển bền vững trong thế giới hiện đại./.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chúng ta đang sống trong những năm đầu của thế kỷ XXI, thế kỷ của cách mạng công nghiệp 4.0, dẫn tới nền kinh tế, chính trị, văn hóa của nhiều nước phát triển mạnh, nhưng bên cạnh đó có một số mặt tiêu cực như nhận thức sai lầm, tư duy lạc lối, tham nhũng, mầm mống gây chiến tranh, đạo đức xuống cấp trầm trọng dẫn tới cuộc sống của con người bất an. Để có một xã hội loài người bình an, hạnh phúc thì đòi hỏi các nước, các tổ chức, các bộ ban ngành quan tâm, liên kết trao đổi cách tháo gỡ để đóng góp cho xã hội ổn định, phát triển vì thế giới hòa bình, bền vững. Hòa chung niềm chung vui của Đại lễ Vesak 2019 được tổ chức tại Việt Nam, tôi xin được trình bày bài nghiên cứu tiêu đề:Cách tiếp cận lịch sử triết học về tư duy chính niệm Phật giáo trong thế giới hiện đạiđể góp phần giá trị hội thảo thành công tốt đẹp. Bài viết này trình bày về Tư duy chính niệm trong Phật giáo, ảnh hưởng của nó góp phần nhận thức đúng đắn tư tưởng tư duy chính niệm, định hướng tăng cường đoàn kết, hợp tác, ổn định xã hội, phát triển đất nước, vì hòa bình thế giới. 

  1. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
  2. Tư duy chính niệm Phật giáo trong thế giới hiện đại

1.1.Tư duy chính niệm trong một số kinh điển Phật giáo

— Tư duy chính niệm trong Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm

Căn cứ theo Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm số 118 thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) tập 3, Nxb Hồng Đức, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch năm 2014, tr. 205 – 213, Đức Phật ở Thành Xá Vệ, Đông Viên, giảng đường Lộc Mẫu dạy các Tỷ kheo về cách chính niệm như sau: “Khi nào này các Tỷ kheo, Tỷ kheo nghĩ: quán vô thường tôi sẽ thở vô, vị ấy tập. Quán vô thường tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. Quán ly tham tôi sẽ thở ra, vị ấy tập…vị ấy đoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ, khéo nhìn sự vật với niệm xả ly. Do vậy, này các Tỷ kheo, trong khi tùy quán pháp trên các pháp, Tỳ kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời…Vị ấy an trú với chính niệm như vậy, suy tư, tư duy thẩm sát pháp ấy với trí tuệ…trạch pháp giác chi được khởi lên với Tỷ kheo. Trong khi ấy, trạch pháp giác chi được Tỷ kheo ấy tu tập đi đến viên mãn”. Trên đây Phật dạy các đệ tử Phật tư duy về chính niệm bằng cách biết rõ việc theo dõi hơi thở ra vào một cách chính xác, để có được tâm định tĩnh, nhờ đó mà minh mẫn, phát ra trí tuệ, thực hành đúng đắn, đem lại bình an trong sự tu tập.

Tư duy là gì? Tư duy là một khái niệm, là một trạng thái suy nghĩ của con người về đối tượng được nhận thức, nhằm hướng con người có thể nhận thức được thế giới, có thể làm các việc đem lại lợi ích cho con người và xã hội. Từ khi con người được hình thành, theo thời gian hoàn thiện dần, với bản năng tinh tiến tu tập, con người có thể nhận thức được thế giới, từ thô tới tế, từ xa tới gần, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ không thành có và ngược lại. Tuy nhiên sự nhận thức của con người còn giới hạn bởi vì con người chưa thiết lập tu tập để có chính niệm, nên không có trí tuệ phân minh mọi sự một cách rõ ràng, nên việc con người tương tác tới xã hội còn dẫn tới khổ đau liên miên. Trước khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, xã hội Ấn Độ là một xã hội đa thần giáo, đã có Đạo Bà La Môn, đạo thờ thần lửa, đạo thờ thần gió, thần mặt trời..họ cho rằng có một chúa tể có quyền năng có thể ban phát phúc họa cho con người, đặc biệt vũ trụ có một cái ngã cố định, như Braman (Đại ngã) và Atman (Tiểu ngã).

Tới khi Đức Phật ra đời, Ngài giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề qua sự quán chiếu thấy mọi sự vật, hiện tượng của vũ trụ tồn tại theo triết lý Duyên khởi hay Nhân duyên hợp lý.

 Như đức Phật thấy trong vũ trụ này có vô số thế giới lớn nhỏ nhiều như cát sông Hằng. Cái này có mặt là do đủ nhân duyên mà hình thành, cái kia có mặt hay hoại diệt cũng cần phải đủ nhân duyên điều kiện mới có thể biểu hiện. Các sự vật, hiện tượng luôn nương vào nhau, vận động chuyển biến không ngừng nghỉ, chuyển biến từ thô sang tế từ tế về thô. Qua đó, ta thấy thực tướng của sự vật, hiện tượng là không tự tính, tức Tính Không, cũng chính là tư duy chính niệm. Theo Đức Phật người nào tư duy được chính niệm thì người đó thấy lẽ vô thường, cũng là rõ Duyên sinh, tức là thấy Phật tính thành Phật. Vậy con người hết khổ đau phải chăng con người cần phải hiểu rõ tư duy chính niệm.

– Tư duy chính niệm trong Kinh Pháp Cú

 Nhiều người cho rằng con người không nhận thức được thế giới, không thể tư duy được về chính niệm. Nên nhiều người đã làm việc liều lĩnh bất chấp mọi việc dẫn tới khổ đau cho mọi người. Theo Phật giáo con người có tu thì có chứng đắc, con người có thể nhận thức được thế giới. Bằng chứng đức Phật Thích Ca Mâu Ni thiền định quán chiếu vũ trụ thấy vô ngã qua thuyết duyên sinh, rõ biết được thế giới như trên đã trình bày. Theo Kinh Pháp Cú đức Phật lý luận rằng:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ ý tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Nói năng hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe theo vật kéo

Hay “ Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh

Nói năng hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình

Qua kệ trên ta thấy ý Phật đã chỉ ra rằng, theo tiến trình lịch sử từ trước tới nay, với sự vật, hiện tượng của vũ trụ qua con mắt của người giác ngộ, mọi pháp hình thành đều do Duyên sinh, nói cách khác mọi sự hình thành là do ý thức, tư duy của con người mà được hiển bày. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, sự ý thức ở đây là tư duy của người học đạo tu đạo, họ ý thức được ý thức của con người khởi ra ý niệm thế nào là mục tiêu, định hướng cho quá trình về sau sẽ thực hiện được như vậy. Ví dụ như ý thức của con người muốn tưởng tượng làm một ngôi nhà nhỏ, có phòng khách, có phòng ngủ, có nhà bếp, có phòng vệ sinh…mái nhà bằng tôn xốp. Họ ý thức được như thế, họ chuẩn bị kinh phí, tìm thợ, họ sẽ xây được ngôi nhà ưng ý như họ muốn, nhưng họ biết ngôi nhà đó chỉ là duyên đủ mà thành, thực thể ngôi nhà vốn không. Nếu như họ không muốn xây nhà, họ cứ ý thức xây nhà không thể được, không lo tìm kiếm kinh phí, suốt ngày cờ bạc rượu chè, thì người đó không thể nào xây được nhà. Nói theo đức Phật, người nào khởi lên tư duy chính niệm ý thanh tịnh, tức là ý thiện, ý lành tích cực, là tiêu chí, ý đó được dẫn đầu tất cả, hành động theo ý dẫn đầu đó, kết quả sẽ được tốt đẹp. Ngược lại ý không lành, ý đó dẫn đầu dẫn tới sai lạc, thì kết quả hành động sẽ không có lợi ích gì cả. Có thể nói, nhờ Phật tu hành chứng đạo đã chỉ ra phép tư duy chính niệm giúp cho con người rõ mối liên hệ qua lại về nhân quả, tính bình đẳng về các Pháp trong vũ trụ, con người thật diệu hữu.

1.2. Tư duy chính niệm biểu hiện qua lục thức

Tư duy chính niệm được tồn tại khi lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của con người tiếp xúc với lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, sinh ra lục thức mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi thấy hương, lưỡi cảm thấy vị, thân cảm xúc, ý biết rõ về pháp. Tư duy chính niệm của Phật giáo là một quá trình có khả năng nhận diện sự việc đang diễn biến của tâm theo quy trình triết lý Duyên sinh, vô ngã. Tức là cái này có mặt nhờ đủ duyên hợp lại mà có mặt, cái kia có mặt là do hợp đủ nhân duyên mà thành, cứ thế tạo thành một nguyên lý hình thành để làm thước đo cho nhận thức tư duy chính niệm. Thông thường trong cuộc sống, khái niệm, nhận thức về tư duy chính niệm có khi dễ hiểu nhưng có khi khó hiểu bởi do sự lý luận nhận thức diễn tả theo nhiều chiều khác nhau, có khi lý luận gặp nhau ở tâm, có khi lý luận không theo tâm thức, gọi là điên đảo sai biệt. Nói như thế để chỉ ra rằng, triết lý về tư duy chính niệm giúp con người ta khi triển khai một vấn đề nào trong xã hội sẽ tư duy chuẩn xác, kiểm nghiệm chặt chẽ sẽ hạn chế được những tính chất bất cập gây ra.

  1. Ảnh hưởng, hạn chế của tư duy chính niệm trong Phật giáo với nhân sinh

Tác dụng hay ý nghĩa của tư duy chính niệm ảnh hưởng tích cực tới đời sống con người nói chung. Người xưa nói, sai một li đi vạn dặm. Sai ở đây là sai về tư duy chính niệm, dẫn tới hành động sai kết quả xấu khó lường. Trong cuộc sống mà chúng ta đang sống, với thời đại công nghiệp 4.0, con người phải đối mặt với nhiều thử thách khó khăn: làm thể nào để kích cầu kinh tế phát triển, làm thế nào để ổn định văn hóa xã hội, làm thế nào để có hạnh phúc gia đình? Đó là những vấn đề cần đặt ra, là trách nhiệm chung của con người trên thế giới.

 Tư duy chính niệm với người tu hành theo Phật giáo, cần có một bổn phận trách nhiệm duy trì, “trụ pháp vương gia trì Như Lai tạng”, ở trong nhà của Phật thì phải tư duy chính niệm cho thông tỏ mọi lý lẽ mới có thể tự độ, giác tha, giác hạnh viên mãn. Theo đức Phật mọi pháp luôn liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau. Do vậy chúng ta không nên cố chấp, không nên chia rẽ, miệt thị tư tưởng này tốt tư tưởng kia không tốt dẫn đến bất đồng quan điểm về nhận thức mà chuộc lợi về mình dẫn tới mâu thuẫn chiến tranh, khổ đau cho nhau. Người tu hành cần chất tu sáng, có khái niệm rõ ràng về tư duy chính niệm: tư duy là suy nghĩ, thiền định, định tâm tại một điểm, biết điểm đó là chân thật tính, là chân thật đạo đức, là do duyên sinh, thực tính vốn là không tính, dựa vào đó mà tĩnh được tâm, sinh trí tuệ, tâm thanh thản, ý nghĩ làm lành mới có thể dẫn tới thân tâm tự tại. Trần Nhân Tông đã giải thích về tư duy chính niệm rất quan trọng, tu không chính niệm thì ắt bị quả báo, xuất gia tại gia quả không sai khác:

 

Miệng như bồn huyết chê bai Phật,

Răng tựa cây gươm bổ cửa Thiền

Một sớm chết rồi sa địa ngục

Nực cười “Bồ tát” niệm huyên thiên

 

 Người tu hành chính niệm tư duy chính niệm rõ ràng, khi khởi ra vấn đề gì người đó thực hành theo chính niệm đó, người đó kiểm tra lại bằng sự hiểu biết của mình, kiểm tra lại thông qua người khác, cứ làm như thế sẽ hạn chế được sự sai lầm, niềm đau. Ví dụ một văn bản của một tổ chức khoa học nào đó, nếu chúng ta không ứng dụng tư duy chính niệm, không kiểm tra đi kiểm tra lại, không kế thừa tiếp thu sửa đổi thì chúng ta sẽ dễ bị sai lầm. Vừa qua tôi có nghe thông tin một nhà khoa học nữ nước ngoài đang nghiên cứu cá sấu, bị chính cá sấu ăn thịt. Việc làm nào cũng ẩu như thế thì ta đều bị thất bại. Tại sao thế, vì quá trình tư duy chính niệm diễn ra hai quá trình, tư duy chính niệm trong tâm  thật và tư duy chính niệm biểu hiện hành động tâm giả tạo có phần sai biệt, ý thức và thực hành. Có khi cùng có khi khác, bởi thế chúng ta cần tư duy chính niệm kỹ lưỡng để dung thông mọi pháp qua triết lý Tính Không để ứng dụng vào cuộc sống tu hành có kết quả tốt đẹp. Người tu hành dung thông được tư duy chính niệm trong thiền định sẽ điều khiển được oai nghi tế hạnh của mình, trao đổi chia sẻ tam học “giới – định – tuệ” dung thông, bình đẳng, quán chiếu biết rõ “Tham – sân – si” là vô ngã, nên không cố chấp sẽ tự tại trong mọi hoàn cảnh, tiến tới quả vị là Phật, Bồ Tát phương tiện giúp đỡ chúng sinh biết khổ vui.

 Tư duy chính niệm ảnh hưởng tới nhà nghiên cứu khoa học. Tư duy chính niệm giúp cho nhà khoa học có thể thực tập, có thể nghiên cứu nhận thức mục tiêu dễ dành, khả năng sẽ đạt được, vấn đề một cách chuẩn xác hơn. Bởi vì Phật thuyết vạn pháp do duyên sinh, vạn pháp do duyên chuyển, đủ duyên thì thành, sự việc không có cố định, trơ trơ. Nếu một nhà khoa học nào mà chỉ tìm tòi trích cú tầm chương, không chiêm nghiệm, không thực hành thiền định, không quán chiếu theo triết lý duyên sinh thì không thể nào đạt được mục đích, không thể nào có sự an lạc, hạnh phúc như người Phật tử. Một triết gia Rơ-nê Đề-các (1596-1650) từng nói, “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”, do vậy tư duy là quan trọng, đúng lại quan trọng hơn nhiều. Tư duy chính niệm giúp cho nhà khoa học gần gũi được với thế giới, với chúng sinh, tiếp cận bằng lòng chân chính liên hệ trực tiếp, gián tiếp với vũ trụ hiện thực này. Do vậy, làm khoa học, nhà khoa học có thể giải quyết được mọi việc trong cuộc sống đem lại bình an cho con người, thế giới.

          Tư duy chính niệm với phương pháp sư phạm: có thể định hướng mục tiêu chính xác, đưa ra phương pháp, cách thức logic khoa học, nhanh gọn đúng. Tư duy chính niệm là một phương pháp ứng dụng vào thực tiễn để giúp con người thực tập thiền, thực tập giảng dạy, thực tập cảm giác có kết quả để so sánh với phương pháp cũng như công cụ thô sơ máy móc xưa. Giả thiết, một tâm người có thể tư duy một giây có thể biết được vạn thế giới vô thường, một máy móc gõ đợi cập nhật mãi mới có thể biết được thế giới vô thường. Tư duy chính niệm vừa là khách thể tham gia, vừa có thể là chủ trì điều khiển tìm ra phương pháp mới của một bộ môn nào đó. Theo dõi tư duy của con người có hiểu biết trong quá trình đó, đồng thời nó còn chứa đựng một triết lý duyên sinh, vô ngã của mọi sự vật, hiện tượng. Nếu như trong khi nghiên cứu phương pháp sư phạm, người nghiên cứu muốn tìm ra mục tiêu hay mục đích tốt nhất thì cần phải có chính niệm trước tiên. Vì chính niệm về phương pháp, cách thức rõ ràng để diễn tả, theo dõi, đều chỉnh, vận dụng theo logic nhằm đạt mục tiêu tốt nhất.

Tư duy chính niệm đối với gia đình, Phật tử tại gia

 Phật tử tại gia hơn người bình thường là họ đã được tiếp cận với nền giáo lý tu học thiền học, biết tư duy chính niệm, biết thở ra ta biết ta đang thở ra ta chính niệm, thở vào ta ý thức chính niệm thở vào. Thở ra thở vào ta đều quán chiếu thấy hơi thở ra vào theo một dòng hơi thở duyên sinh vô ngã, dòng hơi thở này trong mát, như xúc tác xóa niềm đau biến thành hạnh phúc, nên thở ra thở vào ta nương vào đó để tu tập, gạn bỏ tâm tham – sân – si, để có được tâm thư thái, tự tại.

Tư duy chính niệm giúp cho mọi người luôn tỉnh thức, sống yêu thương lẫn nhau, gần gũi nhau, khi ốm cũng như khi khỏe. Người ta nói khi nghèo nhờ điều kiện hợp lý thành tri thức, người giàu về vật chất, kém về tinh thần – văn hóa là hay quên mất bản chất của con người, nhiều khi quên đi cái đạo hiếu làm con, cái tình làng nghĩa xóm, đặc biệt quên đi hạnh phúc của một gia đình bé nhỏ của mình. Mỗi ngày, mỗi chúng ta học hành nghiên cứu, thực hành chính niệm tư duy kỹ lưỡng thì chúng ta cảm nhận được năng lượng trong ta dồi dào, ta khỏe mạnh, minh mẫn, gắn kết gia đình. Ví dụ: ta tập lắng nghe lời của người thân trong gia đình nói, ta suy nghĩ thật kỹ, thật lâu, ta phân tích có lý có tình, nếu ta trả lời câu này mà không có lợi không làm cho người vui vẻ, lời đó không đúng ta sẽ không trả lời. Nếu lời nói ra mà dài không đem lại sự đúng đắn thì ta nên nói gọn lại sẽ đem lại an vui cho mọi người. Nếu câu trả lời của ta mà làm cho mọi người tức giận, ta nên xin lỗi, hoặc ghi lại, có cơ hội ta chia sẻ để mọi người thông hiểu, đồng cảm với ta. Có thể nói chính niệm giúp ta nhìn nhận rõ con người của mình cần gì, muốn gì, để tư duy, hành động hợp lý với mọi người trong gia đình, đem lại lời hay, ý đẹp, hành động văn hóa tốt, giúp ta có một gia đình, một xã hội hạnh phúc, hoàn hảo theo triết lý duyên sinh. Thế nên Phật tử cần hiểu tầm quan trọng của tư duy chính niệm như:

 

“Sám hối nương duyên đồng vạn kiếp

Tâm từ trí tuệ phá tâm tà

Chính niệm tư duy tam muội ấn

Xả tu tu xả mới là tu

Hạn chế của Tư duy chính niệm là một khái niệm khó nhận thức, khó tiếp thu, khó ứng dụng đối với người mới tiếp cận, kể cả nhiều người đã tu tập lâu không đủ duyên cũng khó bề hiểu cặn kẽ. Nếu  không đến nơi cho mình là giác ngộ hành đạo bừa bãi ảnh hưởng tới đạo pháp và dân tộc. Như nói xấu chư tăng, phá giới, buôn thần bán thánh, hủy hoại tam bảo…ảnh hưởng tới an sinh toàn cầu.

  1. Giải pháp giảm mặt hạn chế của tư duy chính niệm với thế giới hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thấm nhuần tư tưởng triết lý Phật giáo. Vấn đề tư duy chính niệm của Phật qua Từ – bi – hỷ – xả, Vô ngã vị tha, Cứu khổ cứu nạn. Từ giáo lý đó, Hồ Chí Minh nói: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”.“tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do[1]. Đó là một phát biểu ảnh hưởng sâu nặng về cách tư duy chính niệm.

Mỗi con người chúng ta cần xem xét kỹ, trao đổi, chia sẻ học tập, nghiên cứu, thực hành về tư duy chính niệm của Phật giáo thông qua nhiều ngành, ứng dụng các khoa học công nghệ vào để nhận biết rõ về giá trị của tư duy chính niệm hơn, ta biết có thể hướng dẫn cho người khác hiểu, chúng ta biết ta đang tư duy đúng đắn, suy nghĩ đúng việc ta đã tư duy, làm việc ta đang làm, một cách rành mạch, luôn biết tiếp thu ý kiến hay, xóa bỏ những ý kiến lỗi thời (chấp thủ), luôn tinh tiến rèn luyện cử chỉ hành động đẹp, làm những việc có lợi cho mọi người, phù hợp với lối sống đạo đức con người trong xu thế toàn cầu hóa, biết giúp đỡ lẫn nhau, thông cảm tha thứ cho nhau, cùng sống cùng làm việc với trách nhiệm chung của xã hội, tôn trọng ý kiến tập thể, được vậy sẽ góp phần cho đạo đức con người cao hơn, giảm nguy cơ chiến tranh, bớt ô nhiễm môi trường, nạn tham nhũng giảm, nhận thức đúng đắn cao, tư duy trong sáng hơn.

III. KẾT LUẬN

Trong tiến trình lịch sử phát triển Phật giáo, tư duy chính niệm của Phật giáo luôn có giá trị đóng góp tích cực vào việc ổn định xã hội, phát triển kinh tế, cộng đồng xã hội con người bình an, hạnh phúc. Dẫu cho xã hội có bị bạo động, đạo đức có bị xuống cấp, tham nhũng, tư duy sai lầm đến đâu, một khi có tư tưởng, phong trào tư tưởng tư duy chính niệm được dấy lên, giảng giải, ứng dụng đúng đắn, ứng dụng vào thực tế, biết lắng nghe và chia sẻ, biết thiền định và thực hành theo lời Phật dạy thì chúng ta sẽ an lạc tự thân, góp phần xã hội ổn định, đất nước phát triển bền vững. Khi ấy nhà nhà được an vui, người người hạnh phúc, trật tự xã hội đi vào ổn định, đất nước mãi phồn thịnh, văn minh để hòa vào tiếng gieo ca của đất trời, của tạo hóa. Trở về với vốn lẽ tự nhiên, như nhiên của quy luật. Ta có thể mượn bài Khép Thơ trong tập Thơ Thường Thức của thế kỷ 21 để khép lại bài viết này, giá trị tư duy chính niệm của Phật giáo đóng góp tích cực định hướng đúng, thực hành đúng, an lạc, hòa bình cho cộng đồng thế giới vững bền, chúng sinh được an lạc:

 

 

 

 

 

 

“Khép lại vần thơ hồn rộng mở

Đại dương vùng vẫy trí bay xa

Thái hòa an lạc năm châu lớn

Hoan hỷ reo vang Phật Thích Ca”.

Có Thể nói, khi chúng ta nghiên cứu về vấn đề tư duy chính niệm của Phật giáo một cách đúng đắn, nhìn mọi sự, việc rõ ràng theo triết lý duyên sinh vô ngã, tự ta thấy ta với vũ trụ liên hệ mật thiết như một cơ thể, ta sẽ yêu đời hơn, ta sẽ ứng dụng tâm tư duy chính niệm, với từ bi và trí tuệ vào cuộc sống thực hành một cách công minh, đem lại an lạc cho mọi người cũng là đem lại an lạc cho chính mình, góp phần đoàn kết toàn dân, cộng đồng thế giới phát triển lâu dài. 

TÀI  LIỆU THAM KHẢO

  • Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch (1958), Tập IV, NXB Sự Thật, Hà Nội
  • Thơ văn Lý Trần, (1977), NXB Khoa học xã hội
  • Hồ Chí Minh (1993) Biên Liên Tiểu Sử, T.3, Nhà chính trị quốc gia, HN
  • Nguyễn Như Ý(1999), Đại Từ Điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin
  • Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông (2006), Nxb Phương Đông
  • Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (2014), Nxb Văn Học
  • Hồ Chí Minh toàn tập (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4
  • Thích Minh Châu dịch (2014), Trung Bộ Kinh, Nxb Hồng Đức

–   Nguyễn Tài Thư  (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb KHXH, HN

 – Nguyễn Hữu Vui, Lịch sử triết học, Nxb chính trị quốc gia HN, 2007

– Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch 3 tập: Nguyên thủy, Tiểu Thừa, Đại Thừa Phật giáo tư tưởng luận, NXB Tôn giáo, 2012

 – Thích Thanh Từ (1992), Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, THPG HCM

  • Phân viện NC Phật học, “Từ Điển Phật Học Hán Việt” (2004) Nxb, khxh
  • Trần Văn Thành (Thích Quảng Hợp), Luận án Tiến sĩ triết học, “Nguyên lý Tính Không trong Trung Quán Luận của Bồ tát Long Thọ và ý nghĩa của nó”, Học viện khoa học xã hội, 2016
  • Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHNGiáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Thảo Quốc Tế Phật giáo Nhập Thế Và Các Vấn Đề Xã Hội Đương Đại, Ninh Bình, 12/2017
  • Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học (số 5, 2017), Để tâm vô trụ khi làm từ thiện, Cơ quan ngôn luận của Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
  • Nguyễn Đại Đồng (2017), Phật giáo Việt Nam Từ Khởi Nguyên Đến Năm 1981, NXB Tôn Giáo

–  PGS.TS.Nguyễn Đức Diện, bài Thiền Phật giáo và giá trị của nó đối với sức khỏe con người, Tạp chí Phật học, 2018

 

[1] Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Tập IV, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39

Bài viết khác