Đặc điểm thờ Đức Ông Tại Chùa Hưng Sơn

1. Đặc điểm thờ tự chùa Hưng Sơn.

Có thể nói, như nhiều ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam, chùa Hưng Sơn vẫn duy trì cách thức thờ tượng theo phong tục tín ngưỡng của Phật giáo thời Lê khoảng thế kỷ 17 và 18. Ta men theo lối của nách bên trái lên Tam Bảo các tượng được bài trí như sau: Tượng Đức Ông, Hộ Pháp Thiện (Khuyến Thiện), Bát bộ kim cương, Quan Âm Thị Kính, thất Phật Dược Sư, Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Đà, Thích Ca, Tam Thế, Hộ Pháp Ác (Trừng Ác), Đức Thánh Hiền, Địa Tạng Bồ Tát…

(Cổng Chùa Hưng Sơn)

Về mặt chất liệu, các pho tượng của Chùa Hưng Sơn chủ yếu bằng gỗ được làm từ thời Lê như trong văn bia đá được lưu giữ tại chùa năm Cảnh Hưng thứ 38 (1777), gần đây một số tượng bị mất cắp đã được tạc lại, một số pho bị mục hỏng phần nào đã được tu sửa sơn son thếp vàng rất trang nghiêm như xưa. Riêng có hai pho tượng Hộ Pháp được đắp mới bằng thổ (đất) cao gần chạm mái. Theo quan niệm của người xưa, hoặc theo triết lý duyên sinh, các tượng được làm bằng gỗ dễ duyên sinh ra lửa tượng trưng cho ánh sáng của chư Phật Bồ tát, tượng là bằng đất tượng trưng cho giáo pháp của Phật dễ dàng nuôi dưỡng vạn vật. Trong chùa có đủ kim, mộc, thủy, hỏa thổ duyên gá hòa hợp như là một thế giới thu nhỏ tượng trưng thấy khắp cả mười phương.

(Ảnh Tam Bảo Chùa Hưng Sơn, 2023)

2. Tóm lược nguồn gốc thờ Đức Ông chùa Hưng Sơn.

Theo kinh điển nhà Phật hay Từ Điển Phật Học Hán Việt nhà xuất bản khoa học xã hội của Phân viện nghiên cứu Phật học (2004) trang 1401 cho biết: Tu Đạt (Sudatta) còn gọi là Tu Đạt Đa. Nghĩa là Thiện Dữ, Thiện Cấp, Thiệt Ân, Cấp Cô Độc, Chuẩn Bần Vô Y là một doanh nhân, trưởng giả giàu có ở Ấn Độ cổ đại. Ngài là một Phật tử giàu có, mộ đạo đã bỏ ra một lượng tài sản vô cùng lớn để dát vàng kín mặt vườn của Thái Tử Kỳ Đà nước Xá Vệ, mua lại khu vườn xinh đẹp, cúng dường cho Đức Phật và tăng đoàn tới an trú và thuyết pháp. Ngài được xem là thí chủ lớn nhất, rộng rãi nhất từ trước cho đến nay. Do làm nhiều việc thiện và ủng hộ Phật pháp nên dù không phải là Phật nhưng Cấp Cô Độc vẫn được thờ tại các ngôi chùa, tôn làm Long Thần hộ pháp, là vị thần trông coi và bảo vệ chùa chiền.

Căn cứ vào bia đá còn lưu lại ở Chùa Hưng Sơn ngày nay, thì Tượng Đức Ông đã có từ xa xưa, nhưng tới khoảng năm 1771 thì Thiền Sư Hải Thuần Chùa Hưng Sơn trùng tu lại chùa và tạc mới tượng Đức Chúa Ông trang nghiêm, thiêng liêng cho tới nay. Tượng Đức Ông được thờ gian thứ nhất đối xứng với tượng Thánh Hiền. Đức Ông coi như trụ trì tâm linh chùa Hưng Sơn. Tượng ngài với hình dáng quan tướng hảo đầy đặn ngồi trên ngai, đầu đội mũ cánh chuồn, mặt hồng đỏ, phúc hậu uy nghiêm, dái tai dài to, lông mày hình chữ mác, mắt sáng tinh tường, râu dài màu đen, môi đỏ, tay trái úp trên gối trái, tay phải ngửa bắt quyết đặt trên gối phải, trông thật oai nghiêm, nhiếp chúng.

(Ảnh Đức Ông chùa Hưng Sơn năm 2023)

Thông thường ở vùng Kinh Bắc nói chung chùa Hưng Sơn nói riêng có tục lệ bán khoán trẻ con cho Đức Ông để dễ nuôi. Lần theo kinh điển, thì ta thấy ngày xưa Đức Ông với mệnh danh là Cấp Cô Độc thường hay cung phù hộ che chở, cung cấp nuôi dưỡng người nghèo và vô gia cư, nuôi trẻ con khó nuôi nên gọi là Cấp Cô Độc hay Đức Ông. Từ ấy, các gia đình, khi sinh con dù trai hay gái dù nuôi dễ hay khó nuôi, đi xem bói hay không xem, một khi có niềm tin vào Phật pháp, hoặc ông bà có kinh nghiệm, đều hướng cha mẹ sinh con đều ý kiến thầy chùa làm lễ bán khoán cho Đức Ông để che chở cho các con dễ nuôi, hay ăn chóng lớn, thông minh học giỏi, hiếu đạo. Nên những con được bán đó gọi là Hội con hương, con bán, đệ tử của Đức Ông.

Câu đối và đại tự thờ Đức Ông tại Chùa Hưng Sơn:

下在德龍

 願力惟深職掌禅門主宰

有赫權知法界伽藍

Phiên âm:

Long đức tại hạ

Nguyện lực duy thâm chức chưởng thiền môn chúa tể

Thần uy hữu hách quyền tri pháp giới già lam.

Dịch nghĩa:

Đức ông che chở

Nguyện mong chúa ông nắm giữ quyền hành Thiền môn.

Thần thông có thể quyền tri pháp giới già lam.

Hằng năm cứ đến ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch, chùa Hưng Sơn đều khóa lễ tưởng niệm ngày húy nhật của Đức Ông, các con hương, con bán nhớ ngày về trước là lễ Phật sau là dự khóa lễ húy nhật, tri ân Đức Ông, ôn cố tri tân, học theo gương sáng đức Ông, kính Phật trọng Tăng, luôn bảo trợ mọi người bớt khổ, an vui.

Đây là một bài viết ngắn mang tính nghiên cứu, tham khảo về Đức Ông Chùa Hưng Sơn, do tài liệu khan khiếm, nếu có phần nào chưa phải mong bạn đọc góp ý để tác giả lĩnh hội, xin cảm ơn. 

Nhân dịp Xuân mới 2024, người biên tập kính chúc Quý vị Phật tử vô lượng cát tường như ý.

Nam Mô Đức Ông – Già lam Chân Tể tác đại chứng minh!

Tài liệu tham khảo: – Bia đá chùa Hưng Sơn

– Một số trang báo trên Internet uy tín

Tác giả: Phúc Trí

Đăng: Phaphoc.com

 

Bài viết khác