(PGVN)
Chùa Đậu (hay còn gọi là Thành Đạo tự, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng bởi có hai vị thiền sư tu hành đắc đạo để lại hai nhục thân bất hoại từ 300 năm nay.
Thực ra tiếng “kêu cứu” không phải ở thì hiện tại, mà đã rất nhiều năm nay rồi, nhưng không hiểu sao người ta vẫn thờ ơ với di tích nổi tiếng là quý giá này.
Chùa Đậu (hay còn gọi là Thành Đạo tự, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng bởi có hai vị thiền sư tu hành đắc đạo để lại hai nhục thân bất hoại từ 300 năm nay. Không chỉ vậy, di tích cấp quốc gia này còn nổi tiếng bởi nghệ thuật kiến trúc dân gian có từ thế kỷ 17. Tuy nhiên, bao nhiêu năm nay nhiều Phật tử cùng khách hành hương về vãn cảnh chùa đã không khỏi ngạc nhiên bởi ngôi cổ tự nổi tiếng này xuống cấp nghiêm trọng mà chả được các cấp… ngó ngàng tới.
![]() |
Tam quan với gác chuông lở lói và “tang hoác” rất mất mỹ quan |
Hai hạng mục xuống cấp nghiêm trọng nhất, ai cũng “nhìn thấy” là gác chuông và nhà tảo mạc: Gác chuông nằm ở Tam quan của chùa với phía bên dưới xây tường, bên trên lầu làm bằng gỗ, với 8 mái đầu đao cong cong- dấu ấn kiến trúc độc đáo riêng có không lẫn vào bất kỳ ngôi chùa nào. Vậy mà qua thời gian, đến nay gác chuông phần tường lở lói trơ từng viên gạch ra, còn với phần kèo, cột gỗ thì đã mục nát, lung lở, khiến ngói bị giạt và xô lệch, mỗi khi mưa lại giột ướt hết quả chuông…
Hai dãy nhà tảo mạc 2 bên là nơi sắp lễ- qua thời gian, mái ngói cũng bị võng xuống, xô giạt ngói khi mưa là giột. Mái ngói có thể đổ sập xuống bất kỳ lúc nào, nên nhà chùa đã phải đóng cửa.
Đại đức Thích Thanh Nhung cho biết, trước kia đã từng sửa chữa, nhưng làm manh mún, bằng cách ghép gỗ vào những chỗ mục nát, biện pháp tình thế chỉ khắc phục được phần nào. Đấy như anh xem, thầy Thích Thanh Nhung chỉ- khu tiền đường tận dụng dùng cả ngói cũ nên trông rất lem nhem… Nhìn cảnh xuống cấp như thế, nhà chùa cũng “nóng ruột” lắm, nhưng đây là Di sản quốc gia, nhà chùa không thể tự đứng ra làm, vì vướng Luật Di sản với bao thủ tục. Vì vậy, qua bao năm tháng, nhà chùa chỉ biết… chờ.
Nằm ở đầu làng Gia Phúc, trống trải, tam quan chùa lại không có cánh cửa, nên kẻ gian dễ dàng đột nhập, điển hình như năm 2008. Bởi vậy, từ đó 4 thầy trò Đại đức Thích Thanh Nhung đã “ăn không ngon, ngủ không yên”, dù đã được tăng cường thêm một bảo vệ của xã. Không chỉ xuống cấp như vậy, mà cung cách quản lý cũng có vấn đề chưa ổn, khi cả tam quan, sân chùa bị dân chiếm dụng bán hàng, trông giữ xe rất lộn xộn…
Chùa Đâu- vị thế là một ngôi chùa nổi tiếng, một di sản Phật giáo vô giá- nơi có xá lợi toàn thân 2 thiền sư đã không được quan tâm đúng mức. Người ta tự hỏi, di tích văn hóa vô giá này bị… bỏ rơi và sự thiếu trách nhiệm của cơ quan văn hóa.
Hà Quang Đức