lessphp fatal error: failed to parse passed in variable @bodyBackground: lessphp fatal error: failed to parse passed in variable @bodyBackground: Giới bản khất sĩ tân tu (Giới luật sư ni) - Chùa Hưng Sơn

Giới bản khất sĩ tân tu (Giới luật sư ni)

GIỚI  BẢN KHẤT SĨ TÂN TU

The Revised Pratimoksha

Khắp Chốn ThảnhThơi

Nghi Thức

Tụng Giới Nữ Khất Sĩ

 

Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn Thực Hiện
Với sự yểm trợ và soi sáng của nhiều vị tôn túc
đã từng viếng thăm và thực tập tại Làng Mai trong hai mươi năm qua

 

Lời  Ngỏ

Giới  kinh  (Ba-la-đề-mộc-xoa)  là  con  đường  đào luyện người xuất gia. Thực tập theo Giới kinh, người xuất gia thanh tịnh hóa thân tâm, nuôi dưỡng lòng từ bi để  tiếp  xử  với  mọi  loài  và  đi  tới  trên  con  đường  giải thoát. Giới kinh không phải chỉ là những luật lệ. Phải hiểu giới như là phép rèn luyện, và mỗi giới trong Giới kinh bảo đảm cho người xuất gia một lĩnh vực tự do các biệt. Thực tập theo Giới kinh, ta bảo vệ được tự do trong đời  sống  hằng  ngày.  Và  cũng  vì  vậy,  Giới  kinh (Pratimoksha)  được  dịch  là  biệt  biệt  giải  thoát  (tự  do trong mọi lĩnh vực), xứ xứ giải thoát (ở đâu cũng được thảnh thơi) và đối hướng giải thoát (bước về hướng thảnh thơi).  Giới  nào  cũng  phát  xuất  từ  sự  thực  tập  chánh niệm. Chánh niệm giúp ta thấy rõ được những tư tưởng, lời nói và hành động nào giúp ta đi về phía giải thoát, và những tư tưởng, lời nói và hành động nào đưa ta về nẻo khổ đau hệ lụy.

Từ năm thứ năm sau ngày thành đạo, đức Thế Tôn đã bắt đầu chế giới cho chúng xuất gia, với sự cộng tác của các thầy lớn. Công trình chế giới này được kéo dài cả bốn mươi năm, mỗi giới đáp ứng với một trường hợp hoặc  một  nhu  cầu  thực  tập.  Ngày  đức  Thế  Tôn  nhập Niết bàn, Ngài có dạy thầy Ananda rằng những giới nhỏ không cần thiết và quan trọng mấy có thể được bỏ bớt đi  để  sự  hành  trì  giới  luật  luôn  mang  tính  thích  ứng. Nhưng đã hơn 2500 năm mà lời dạy ấy của đức Bổn sư vẫn chưa được thực hiện.

Mấy trăm năm sau ngày Bụt nhập diệt, khoảng hai mươi tông phái Phật giáo đã được hình thành, mỗi tông có luật tạng (Vinaya Pitaka) riêng của mình. Luật tạng là một nền văn học phong phú có mục đích quy định tiêu chuẩn và phương pháp thực tập để người xuất gia và cộng đồng xuất gia có thể sống hạnh phúc, thành đạt trong sự nghiệp giải thoát và giác ngộ. Vì luật tạng của tông phái nào cũng có nguồn gốc nơi Phật giáo nguyên thỉ, nên thanh quy và Giới kinh của các tông phái tuy nhiều nhưng đại khái vẫn cùng chung một tinh thần và nội dung.

Giới  kinh  (Pratimoksha)  là  trái  tim  của  luật  tạng. Đây là một văn bản mà các vị xuất gia đã thọ giới lớn phải  tụng  đọc  mỗi  tháng  hai  lần  trong  lễ  Bố  tát (Uposadha).  Bố  tát  có  nghĩa  là  trưởng  tịnh,  nghĩa  là nuôi lớn sự thanh tịnh.  Ở Việt Nam và Trung Quốc, các thầy  và  các  sư  cô  thường  tụng  giới  bản  của  Đàm  Vô Đức  Bộ  (cũng  gọi  là  Pháp  Tạng  Bộ,  tiếng  Phạn  là Dharmagupta) trong khi ở các nước Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện… các thầy lại tụng giới bản của Xích Đồng Diệp Bộ (Tamrasatiya) cũng gọi là bộ phái Theravada. Giới bản của Đàm Vô Đức Bộ có 250 giới về phía nam khất sĩ, trong khi giới bản của Xích Đồng Diệp Bộ chỉ có 227 giới. Ngoài một vài điểm sai khác không quan trọng, hai giới bản này gần như giống hệt với nhau.

Đạo  Bụt  phải  được  duy  trì  như  một  thực  tại  sống động. Như một thân cây, các cành khô phải được cắt đi để  cho  những  nụ  mới  được  xuất  hiện.  Những  nụ  mới này là những giáo lý và những phương pháp thực tập có thể đáp ứng được những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới. Những phát triển kỹ thuật, tin tức báo chí và tốc  độ  của  đời  sống  mới  đã  ảnh  hưởng  nhiều  tới  đời sống những người xuất gia. Những dấu hiệu của sự phá sản và xuống dốc của nếp sống xuất gia đã được nhận diện rất rõ trong đạo Bụt và ở các tôn giáo khác.  Vì vậy sự có mặt của một Giới bản tân tu đã trở nên một điều cần  thiết.

Hội đồng giáo thọ của đạo tràng Mai Thôn trong năm năm qua đã tham vấn với rất nhiều vị luật sư cũng như các vị trưởng thượng ở Việt Nam và ở ngoại quốc trong quá trình nhận diện những nhu yếu mới của giới xuất gia để có thể cống hiến một Giới bản tân tu vừa có tính cách khế cơ vừa có tính cách thực tiễn. Các vị xuất gia gốc Âu, Mỹ và Úc Châu cũng đã được tham khảo. Vì vậy Giới bản tân tu này hy vọng có thể đáp ứng được nhu cầu của giới xuất gia cả Đông lẫn Tây. Trong khi thực hiện Giới bản tân tu, chúng tôi đã nỗ lực để đừng gia tăng thêm số lượng các giới. Số giới trong giới bản của nam khất sĩ vẫn còn là 250 giới, và trong giới bản của nữ khất sĩ vẫn còn là 348 giới – y hệt với con số trong giới bản của Đàm Vô Đức Bộ.

Giới bản tân tu này đã được công bố lần đầu ngày 31.3.2003  tại Viện  Đại  Học Tăng  Già Trung  Ương  ở Hán  Thành,  Đại  Hàn,  một  trong  những  xứ  Phật  giáo Đại Thừa ở Châu Á. Trong Giới bản tân tu, những giới không còn thích hợp với hiện đại được thay thế bằng những giới có công năng bảo hộ cho sự thực tập và giá trị đích thực của người xuất gia trong thời đại mới, như những giới có liên hệ tới sự sử dụng xe hơi, máy vi tính, máy truyền hình, điện thoại cầm tay, trò chơi điện tử, điện thư và mạng lưới Internet. Giới bản cổ truyền đáp ứng tuyệt hảo với thời đại của Bụt, Giới bản tân tu đáp ứng đích thực với thời đại mới, rất thiết thực, không hề có  tính  cách  lý  thuyết  hoặc  giả  định.  Các  vị  luật  sư trong khi giảng dạy giới bản luôn luôn nói về nguồn gốc của sự chế giới cho từng giới; Giới bản tân tu cũng vậy, các giới mới được chế tác cũng căn cứ trên môi trường sinh hoạt của tăng thân trong xã hội hiện thời.

Sự  công  bố  Giới  bản  tân  tu  sẽ  ảnh  hưởng  không những tới giới Phật giáo mà cũng sẽ có ảnh hưởng tới các tôn giáo khác. Và đây không phải chỉ là một sự kiện thuộc giới tâm linh và tôn giáo: nó còn là một sự kiện văn hóa.

Có người hỏi: Quý vị là ai mà dám tu chỉnh giới của Bụt ? Câu trả lời: Chúng ta đều là con của đức Thế Tôn, và chúng ta là sự tiếp nối của Người. Chúng ta phải làm cho được điều mà đức Thế Tôn phó thác. Đức Thế Tôn đã để ra rất nhiều tâm huyết để đào tạo tăng thân xuất gia của Người. Đạo Bụt sở dĩ còn có mặt, đó là nhờ giáo đoàn  xuất  gia  chưa  bao  giờ  từng  đứt  đoạn.  Mục  đích của sự tân tu giới bản là để yễm trợ cho người xuất gia tự bảo hộ được tự do của mình, để cho con đường giải thoát đích thực có thể tiếp tục, và để cho Bụt và giáo đoàn nguyên thỉ của Người còn được tiếp tục mãi mãi về sau cho thật tốt đẹp.

Đạo Bụt đang được phát triển ở phương Tây. Nếu không có những tăng thân xuất gia vững mạnh và chính thống, thì đạo Bụt ở đây sẽ chỉ có thể có một phong trào nhất thời rồi sẽ tan rã. Nếu không có một tăng đoàn xuất gia tu học vững chãi có gốc rễ sâu sắc nơi giáo lý và hành trì của Bụt thì dù đó là một cuộc cách mạng văn hóa  hay  một  phong  trào  văn  hóa,  nó  cũng  sẽ  bị  quét sạch và không để lại những dấu vết gì đáng kể trong xã hội.

Để cho đạo Bụt còn mãi là một truyền thống sinh động, giáo lý và hành trì phải có tính khế cơ. Giới kinh không  phải  chỉ  để  cho  chúng  ta  nghiên  cứu  và  giảng thuyết thao thao bất tuyệt mà không đem ra thực hành cho  có  hiệu  quả.  Đức  Thế  Tôn  tin  cậy  nơi  sự  thông minh, tuệ giác và lòng can đảm của các thế hệ đệ tử tương lai để cho giáo lý và sự thực tập mà Ngài truyền trao được luôn luôn đổi mới, đáp ứng được những nhu cầu của từng thời đại. Vì vậy cho nên công việc tân tu Giới kinh rất là cần thiết.

Theo truyền thống, người thọ giới lớn phải học giới ít nhất là trong năm năm từ ngày thọ giới; trong trường hợp chúng ta, thì phải học cả giới bản cổ truyền và giới bản  tân  tu.  Ta  không  nên  học  giới  với  mục  đích  trở thành  học  giả  hoặc  nhà  chuyên  môn  nghiên  cứu,  mà phải học để hành trì để tiến bước trên đường tịnh hóa và giải thoát, thấy rằng các giới điều, các uy nghi và các thanh quy là thiết yếu cho sự sống còn của giáo đoàn xuất gia. Học hỏi và thực tập Giới kinh tân tu cùng với cổ truyền, chúng ta sẽ khám phá trở lại được cái đẹp, cái lành và cái thật của nếp sống phạm hạnh.

Người tại gia có cơ hội đọc Giới bản tân tu sẽ có khả năng phân biệt được vị xuất gia nào có hành trì giới luật nghiêm túc và vị nào không hành trì, do đó sẽ biết yểm trợ cho giáo đoàn xuất gia một cách hữu hiệu.

Chúng tôi xin hồi hướng công đức để tất cả chúng ta có dịp đền ơn Phật tổ và chư vị thánh tăng đã trao truyền giáo pháp mầu nhiệm cho các thế hệ tương lai. Chúng tôi tin tưởng rằng giữ cho đạo Bụt được sinh động, lành mạnh, không bị xuống cấp và hư nát, đó là bổn phận của tất cả những người Phật tử chân chính.

Thiền sư Nhất Hạnh và Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn

 

 

Dẫn  Nhập

Giới bản tân tu này cần được học hỏi và thực tập song song với giới bản cổ truyền. Điều này được ghi nhận nơi giới thứ một trăm bốn mươi hai của các giới Phát lộ (Ba-dật-đề):

Vị nữ khất sĩ nào sau một năm thọ giới lớn mà chưa bắt đầu học giới bản cổ truyền song song với giới bản tân tu, vị ấy phạm giới Phát lộ.”

Khi học hỏi giới bản cổ truyền ta hiểu được và trân quý giới bản tân tu, và khi học giới bản tân tu ta hiểu được và trân quý giới bản cổ truyền. Truyền thống hànhtrì này sẽ giúp cho các thế hệ tương lai còn có đủ cơ duyên để học hỏi về giới bản cổ truyền và thấy được hoàn cảnh xã hội và cách thức sinh hoạt của tăng đoàn nguyên thỉ.

Mục đích của giới là để bảo hộ tăng đoàn, giúp cho tăng đoàn đi lên trong sự thực tập và ngăn ngừa sự hủ nát và trụy lạc. Chúng tôi hết lòng cảm tạ chư Bụt và các thế hệ Thánh tăng đi trước đã cho chúng tôi tạm đủ nhận thức và can đảm để cống hiến giới bản tân tu này. Chúng tôi rất hân hoan khi thấy giới bản tân tu này được chào đời, vì đây là một hoài vọng mà các thế hệ cha anh chúng tôi đã ôm ấp từ lâu, giờ đây mới thực hiện được.

Đức Thế Tôn thường dạy là phải học hỏi và thực tập giáo  pháp của Ngài một cách thông  minh,  như  người bắt rắn phải nắm vững được thủ thuật bắt rắn, nếu không sẽ bị rắn làm hại. Giáo pháp muốn tiếp tục được hữu hiệu trong việc độ đời, phải có tính cách khế lý và khế cơ. Giới bản tân tu này tuy cũng có 348 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại. Sự thực tập nghiêm chỉnh theo giới bản tân tu sẽ cứu chữa được tình trạng xuống dốc của một số đáng kể những người xuất gia hiện nay. Xin các vị cao đức từ bi soi sáng thêm để cho tính khế lý và khế cơ ấy của  giới  bản  Ba-la-đề-mộc-xoa  càng  ngày  càng  thêm vững chãi và sáng tỏ. Mong rằng cứ mỗi hai mươi năm giới bản này lại được tu chỉnh một lần.

Nếu  nhận  thấy  nhu  yếu  cấp  tốc  phải  đọc  tụng  và hành  trì  giới  bản  tân  tu  này  thì  xin  các  vị  sư  trưởng khuyến khích đại chúng làm ngay như thế. Trong thời gian một vài năm, sự tụng đọc và hành trì nghiêm chỉnh giới bản tân tu chắc chắn sẽ đem lại kết quả: phẩm chất của tăng đoàn sẽ là bằng chứng hùng hồn nhất cho tính hữu hiệu và khế cơ của giới bản ấy.

Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn

 

Mở  Kinh

Nam  mô  đức  Bổn  Sư  Bụt  Thích  Ca  Mâu  Ni (ba lần) (C)

Giới luật cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)

Khai  Thị

Chúng con cúi đầu làm lễ chư Bụt, tôn Pháp và đại Tăng. Giờ phút này chúng con thuyết tụng giới luật để chánh pháp được duy trì lâu dài trên cõi đời này. Giới luật như biển cả, học hỏi và thực tập suốt đời vẫn còn thấy thiết yếu. Giới luật như châu báu, ai cũng muốn tìm cầu không mỏi mệt.

Chính vì muốn bảo vệ gia sản thiêng liêng của Chánh Pháp nên đại chúng đã tập họp để nghe tôi thuyết tụng giới luật hôm nay. Chính vì muốn ngăn ngừa sự vi phạm  tám  giới  Rơi rụng,  ba  mươi sáu  giới Tăng  thân giải cứu, bốn mươi  giới Buông  bỏ  và  Phát  lộ,  một  trăm

bốn mươi hai giới Phát Lộ, một trăm mười lăm giới Uy nghi và bảy phương pháp  Diệt  trừ  tranh  chấp mà đại chúng đã tập họp để nghe tôi thuyết tụng.

Các  đức  Bụt  Tỳ-bà-thi,  Thi-khí,  Tỳ-xá-phù,  Câu- lưu-tôn, Câu-na-hàm-mâu-ni, Ca-diếp và Thích-ca-văn đã vì chúng ta chế tác giới pháp này. Chúng ta hãy cung kính tiếp nhận, học hỏi, bảo hộ và bồi đắp để cho giới pháp càng ngày càng thích ứng với thời cơ mà duy trì được mạng mạch của Chánh Pháp. Giờ đây tôi xin thuyết tụng để đại chúng cùng nghe.

Người bị què chân không thể nào đi được, kẻ phạm giới cũng vậy, không thể nào sinh vào cõi trời và cõi người.  Nếu  muốn  được  sinh  vào  các  cõi  trời  và  cõi người để dễ dàng tu học thì phải hành trì giới luật đầy đủ,  đừng  để  vi  phạm.  Người  phạm  giới  lâm  vào  tâm trạng lo âu sợ hãi, như khi đi vào con đường hiểm, cỗ xe ngựa sẽ bị mất chốt xe và làm gãy trục xe.

Tụng giới cũng như soi vào tấm gương sáng, đẹp thì mừng, xấu thì lo; giới thể thanh tịnh thì hân hoan, giới thể tổn hại thì ngại ngùng. Tụng giới cũng như chiến tranh giáp trận, có can đảm thì tiến tới, ai run sợ thì bỏ chạy; giới thể thanh tịnh thì an vui, giới thể tổn hại thì lo lắng. Trong một xã hội thực sự dân chủ, dân có địa vị cao nhất; trên mặt đất, biển bao la hơn tất cả mọi sông hồ; trong các Thánh nhân, Bụt là bậc giác ngộ cao tột; trong các luật pháp, Giới kinh là cao quý hơn cả.

Bụt đã chế ra giới bản để chúng ta tụng đọc mỗi nửa tháng một lần. (C)

 

*
* *

Tác  Pháp  Yết  Ma

+ Vị Yết Ma :  Đại  chúng  đã  tập  họp  đầy  đủ chưa?
+ Vị Thủ Chúng : Thưa, đại chúng đã tập họp đầy
đủ.
+ Vị Yết Ma : Có sự hòa hợp không?
+ Vị Thủ Chúng : Thưa, có sự hòa hợp.
+ Vị Yết Ma : Những người chưa thọ giới lớn đã ra khỏi nơi này chưa?
+ Vị Thủ Chúng : Thưa, những người chưa thọ giới lớn đã ra khỏi nơi này rồi.
+ Vị Yết Ma : Có vị nào vắng mặt đã yêu cầu được đại diện và gởi theo sự thanh tịnh không?
+ Vị Thủ Chúng  : Thưa, không có.  (Trong trường hợp  có  thì  nói:  “Có  nữ  khất  sĩ____ , vì lý do sức khỏe không đến tụng giới, đã yêu cầu nữ khất sĩ ____   đại diện và gửi theo sự thanh tịnh”)
+ Vị Yết Ma :  Đại  chúng  hôm  nay  tập  họp  có chủ đích gì?
+ Vị Thủ Chúng : Thưa, đại chúng hôm nay tập họp để thực hiện yết ma tụng giới lớn.
+ Vị Yết Ma : Xin đại chúng các vị nữ khất sĩ lắng   nghe!   Hôm   nay   ngày
________, ngày thuyết tụng giới luật,  chúng  ta  đã  tập  họp  đúng giờ  giấc,  đại  chúng  đồng  ý  sẵn sàng  nghe  thuyết  tụng  giới  luật trong tinh thần hòa hợp, như vậy việc tụng giới là hợp pháp. Bạch như thế, thì phép tác bạch có thành hay không?

(Đại chúng đáp : Thành) (C)

Các vị đại đức, tôi sắp tuyên đọc giới bản nữ khất sĩ. Xin quý vị lắng nghe và thẩm định kỹ càng. Nếu vị nào tự biết là mình phạm giới thì nên sám hối, nếu không phạm giới thì im lặng, và khi quý vị đại đức giữ sự im lặng thì có nghĩa là giới thể của quý vị đại đức thanh tịnh. Nếu sau này có người hỏi, các vị đại đức cũng sẽ đáp  như  vậy. Trong  buổi  tụng  giới  này,  nếu  có  phạm giới mà được hỏi ba lần cũng không lên tiếng, thì vị đại đức ấy đã phạm vào giới cố tình nói dối. Theo lời Bụt dạy, cố tình nói dối là một chướng ngại cho con đường thực hiện Thánh quả. Nếu thấy và biết mình có phạm giới và muốn cho giới thể thanh tịnh trở lại, vị nữ khất sĩ  phải  thực  hiện  pháp  sám  hối,  sám  hối  xong  thì  sẽ được an lạc trở lại.

Các vị đại đức nữ khất sĩ, tôi đã đọc xong phần vào đề của Giới kinh.

Nay xin hỏi: Các vị đại đức trong đại chúng đây có sự thanh tịnh không? (ba lần)

Các vị đại đức đã im lặng, vì thế tôi biết trong đại chúng có sự thanh tịnh. Điều này chúng ta ý thức, ghi nhận và thông qua. (C)

*
* *


Tụng  Giới

Giới  Rơi  rụng (Ba-la-di)

Các vị đại đức!  Đây là  tám giới cực trọng, gọi là  Rơi rụng (Ba-la-di),  mỗi  nửa  tháng  tụng  một  lần.

Giới  thứ  nhất:

Vị nữ khất sĩ nào làm việc dâm dục, dù với người nam hay người nữ, dù có hay không có sự đồng ý của người này, vị ấy phạm vào giới thứ nhất của tám giới Rơi rụng, không còn xứng đáng là một nữ khất sĩ, và không còn được tham dự vào sinh hoạt của Tăng đoàn nữ khất sĩ.

Giới  thứ  hai:

Vị nữ khất sĩ nào xâm phạm vào tài sản của công hay của tư, một sự xâm phạm có thể đưa vị nữ khất sĩ này ra tòa để xét xử, vị ấy phạm vào giới thứ hai của
tám  giới Rơi  rụng,  không  còn  xứng  đáng  là  một  nữ khất sĩ, và không còn được tham dự vào sinh hoạt của Tăng đoàn nữ khất sĩ.

Giới  thứ  ba:

Vị  nữ  khất  sĩ  nào  xâm  phạm  đến  mạng  sống  của người, bằng hành động, lời nói hay ý định của mình, vị ấy phạm vào giới thứ ba của tám giới Rơi rụng, không còn xứng đáng là một nữ khất sĩ, và không còn được tham dự vào sinh hoạt của Tăng đoàn nữ khất sĩ.

Giới  thứ  tư:

Vị nữ khất sĩ nào không có chứng đắc mà tuyên bố rằng mình có chứng đắc, vị ấy phạm vào giới thứ tư của tám  giới Rơi  rụng,  không  còn  xứng  đáng  là  một  nữ khất sĩ, và không còn được tham dự vào sinh hoạt của Tăng đoàn nữ khất sĩ.

Giới  thứ  năm:

Vị nữ khất sĩ nào có tâm ô nhiễm, biết người nam hay người nữ kia cũng có tâm ấy mà cố tình đụng chạm vào thân thể của người đó, vị nữ khất sĩ ấy phạm vào giới thứ năm của tám giới Rơi rụng, không còn xứng đáng là một nữ khất sĩ, và không còn được tham dự vào sinh hoạt của Tăng đoàn nữ khất sĩ.

Giới  thứ  sáu:

Vị nữ khất sĩ nào có tâm ô nhiễm, biết người nam hay người nữ kia cũng có tâm ấy mà chịu để cho họ nắm tay,  nắm  áo,  cùng  đi,  cùng  đứng,  thân  tựa  vào  nhau cùng nói chuyện và hẹn nhau ở chỗ vắng với ý định làm việc dâm dục, vị nữ khất sĩ ấy phạm vào giới thứ sáu của tám giới Rơi rụng, không còn xứng đáng là một nữ khất sĩ, và không còn được tham dự vào sinh hoạt của Tăng đoàn nữ khất sĩ.

Giới  thứ  bảy:

Vị nữ khất sĩ nào có chủ ý dâm dục mà dùng những lời nói hay cử chỉ có tác dụng khích động dâm tính với người nam hay người nữ, vị nữ khất sĩ ấy phạm vào giới thứ bảy của tám giới Rơi rụng, không còn xứng đáng là một nữ khất sĩ, và không còn được tham dự vào sinh hoạt của Tăng đoàn nữ khất sĩ.

Giới  thứ  tám:

Vị  nữ  khất  sĩ  nào  có  chủ  ý  dâm  dục  mà  nói  với người nam hay người nữ rằng mình sẽ hiến tặng sự dâm dục cho người đó, vị nữ khất sĩ ấy phạm vào giới thứ tám  của  tám  giới  Rơi rụng,  không  còn  xứng  đáng  là một nữ khất sĩ, và không còn được tham dự vào sinh hoạt của Tăng đoàn nữ khất sĩ.

Các vị đại đức! Tôi đã tuyên thuyết xong tám giới Rơi rụng, nghĩa là tám giới mà sự vi phạm chứng tỏ sự thất bại của một nữ khất sĩ. Vị nữ khất sĩ nào phạm một trong tám giới ấy sẽ không còn được ở chung với Tăng đoàn nữ khất sĩ.

Nay tôi xin hỏi các vị đại đức: Đối với tám giới ấy trong đại chúng có sự thanh tịnh không? (ba lần)

Các vị đại đức đã im lặng, vì thế tôi biết trong đại chúng có sự thanh tịnh. Điều này chúng ta ý thức, ghi nhận và thông qua. (C)

*
* *

Giới  Tăng  thân  giải  cứu (Tăng-già-bà-thi-sa)

Các vị đại đức! Đây là ba mươi sáu giới Tăng thân giải cứu (Tăng-già-bà-thi-sa),  mỗi  nửa  tháng  tụng một lần.

1- Vị nữ khất sĩ nào vướng mắc tình cảm với người nam hay người nữ nhưng không được vị kia đáp trả, dùng nhiều phương thức làm tổn hại uy danh vị kia, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

2- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  vì  vướng  mắc  tình  cảm  với người nam hay người nữ, thấy vị kia tiếp xúc với ai khác cũng sanh tâm ghen tỵ, hờn giận và làm động chúng, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

3- Vị nữ khất sĩ nào vì vướng mắc tình cảm với một người  nam  hay  người  nữ,  rồi  dùng  quyền  lực cấm đoán vị kia không được quan hệ thân thiết với  người  nào  khác  và  bảo  những  người  khác không ai được quan hệ thân thiết với vị kia, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

4- Vị nữ khất sĩ nào vì vướng mắc tình cảm với một người nam hay người nữ, biết vị này cũng đang vướng mắc tình cảm với một người khác nên tìm mọi  cách  để  ly  gián  và  đuổi  vị  kia  ra  khỏi  tự viện, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

5- Vị nữ khất sĩ nào ngỏ lời hay viết thư đề nghị một vị xuất gia ra đời với mình, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

6- Vị nữ khất sĩ nào làm việc mai mối hay chủ hôn cho hai người đồng phái hoặc khác phái, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

7- Vị nữ khất sĩ nào vì tình riêng mà dùng quyền lực bảo bọc che chở cho một vị nữ khất sĩ ở lại, trong khi vị nữ khất sĩ kia đã bị đại chúng quyết định  diệt  tẩn,  vị  ấy  phạm  giới  Tăng  thân  giải cứu.

8- Vị nữ khất sĩ nào vì giận hờn, ganh ghét mà vu cáo một vị nữ khất sĩ khác về tội Rơi rụng, cố ý làm hư hoại thanh danh của vị kia, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

9- Vị nữ khất sĩ nào che giấu tội Rơi rụng của một vị nữ khất sĩ khác, chờ khi vị đó chết hoặc thôi tu, hoặc theo ngoại đạo rồi mới nói cho đại chúng biết, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

10- Vị nữ khất sĩ nào vì giận hờn, ganh ghét mà lấy một lỗi nhỏ của một vị nữ khất sĩ khác để phóng đại ra thành tội Rơi rụng, cố ý làm hư hoại thanh danh của vị kia, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

11- Vị nữ khất sĩ nào biết một vị nữ khất sĩ hoặc nam khất sĩ phạm giới trọng mà đi nói với người chưa thọ giới lớn với mục đích làm cho hư hoại danh phận vị đó, trong khi tăng chưa làm pháp Yết ma Định tội, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

12- Vị nữ khất sĩ nào vì giận hờn mà xử phạt nặng nề một vị nữ khất sĩ khác trong ni chúng, khiến cho vị ấy mang bệnh, ngưng trệ việc tu học, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

13- Vị nữ khất sĩ nào vì sự hiềm khích, lấy quyền lực ép  một  vị  nữ  khất  sĩ  khác  chấp  nhận  tội  danh không căn cứ và buộc vị ấy phải rời khỏi tự viện, làm  cho  vị  kia  đau  khổ  thối  tâm  đến  nỗi  phải hoàn tục, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

14- Vị nữ khất sĩ nào ỷ mình có chức quyền trong giáo hội, hay tuổi đạo cao, dùng những hành vi thô bạo để mạ nhục những vị khác trong ni chúng, làm cho những vị đó đau khổ, buồn bực và thối tâm tu học, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

15- Vị nữ khất sĩ nào dựa vào thế lực chính quyền để hiếp đáp, dọa nạt những phần tử khác trong ni chúng, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

16- Vị nữ khất sĩ nào trở thành thành viên của một đảng phái hay một tổ chức chính trị, hoặc bí mật hoặc công khai, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

17- Vị nữ khất sĩ nào làm do thám và lấy tin tức của tăng thân cung cấp cho một đảng phái hoặc một tổ chức chính trị, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

18- Vị nữ khất sĩ nào hưởng lương bổng của chính quyền hay của một đảng phái hoặc một tổ chức chính trị, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

19- Vị nữ khất sĩ nào vì mưu cầu tài lợi mà để cho người thế tục sai khiến, làm mất đi phẩm cách tự do giải thoát của một người xuất thế, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

20- Vị nữ khất sĩ nào không chịu giáo huấn đồ chúng, mà  cũng  không  cho  các  vị  ấy  đi  nơi  khác  để tham học kinh điển và các pháp môn tu tập, cứ để các vị đó yếu kém về giáo lý và tu tập một cách mù mờ, sai lệch, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

21- Vị nữ khất sĩ nào chỉ mới nghe nói hoặc đọc sơ qua  về  những  pháp  môn  thuộc  một  tông  phái hay một truyền thống khác, chưa có cơ hội thực sự học hỏi và thể nghiệm các pháp môn đó mà đã  lên  tiếng  hoặc  viết  báo  để  bài  xích,  vị  ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

22- Vị nữ khất sĩ nào nói ra lời phủ nhận công ơn cha mẹ, thầy tổ, bè bạn và đàn na thí chủ, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

23- Vị nữ khất sĩ nào ly khai tăng thân, đứng ra lập am cốc hoặc chùa một mình mà không có phép của  tăng  thân,  vị  ấy  phạm  giới  Tăng  thân  giải cứu.

24- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  xây  am  cốc  hoặc  chùa  cho mình mà không hỏi ý kiến của tăng thân về địa điểm và cách thức, xây dựng quá kích thước cần sử dụng và có tính cách gây chướng ngại cho kẻ khác hay cho sự lưu thông, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

25- Vị nữ khất sĩ nào vì việc dựng chùa hay am cốc mà vướng vào một vụ tranh chấp đất đai và ra tòa  kiện  tụng,  vị  ấy  phạm  giới  Tăng  thân  giải cứu.

26- Vị nữ khất sĩ nào biến sự thực tập hộ niệm thành nghề cúng bái, đưa ra giá cả cần phải trả cho một buổi lễ hoặc một đám tang, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

27- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  lấy  tiền  nuôi  chúng  để  xây dựng  cơ  sở,  trong  khi  ni  chúng  áo  quần  rách rưới, ăn uống thiếu thốn, thuốc men không có, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

28- Vị nữ khất sĩ nào sống cẩu thả bê bối, làm tổn hoại tín tâm người cư sĩ đối với Tam bảo, được can ngăn tới ba lần mà vẫn không nghe, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

29- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  để  hết  thời  giờ  và  công  sức mình theo đuổi công việc tổ chức và điều hành, mà quên rằng mục đích của người xuất gia là tu tập để giải thoát và độ đời, được nhắc nhở tới ba lần mà vẫn không thay đổi, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

30- Vị nữ khất sĩ nào dùng ngôn từ và hành động có tác dụng phá hoại sự hòa hợp của một đoàn thể tăng  chúng,  được  can  ngăn  tới  ba  lần  mà  vẫn không nghe, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

31- Vị nữ khất sĩ nào tạo ra thế tranh chấp trong tăng thân, làm cho năng lượng tu học của tăng thân đi xuống, được can ngăn tới ba lần mà vẫn không nghe, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

32- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  đóng  góp  vào  việc  lập  phe đảng, gây ra sự rạn nứt và chia rẽ của tăng đoàn, được can ngăn tới ba lần mà vẫn không nghe, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

33- Vị nữ khất sĩ nào vì lý do bất mãn, dựa vào thế lực của chính quyền để gây ra sự rạn nứt trong tăng đoàn, hoặc không có phép tăng sai mà ly khai tăng đoàn, rồi quyến rũ những thành phần của tăng đoàn ra thành lập một tăng đoàn mới, được can ngăn tới ba lần mà vẫn không nghe, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

34- Vị nữ khất sĩ nào ngoan cố, từ chối không nghe lời khuyên nhủ và giáo giới của các vị khất sĩ khác về kinh, luật, luận và sự tu tập mà nói rằng quý vị đừng quấy rầy tôi nữa, hãy để cho tôi yên, được can ngăn tới ba lần mà vẫn không nghe, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

35- Vị nữ khất sĩ nào vì giận hờn mà tuyên bố sẽ ly khai tăng thân, hoàn tục hay đi theo một truyền thống  khác,  được  can  ngăn  tới  ba  lần  mà  vẫn không thay đổi, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

36- Vị nữ khất sĩ nào thuyết giảng hay hướng dẫn tu tập sai lệch với giáo lý và tinh thần chuyển hóa và trị liệu của đạo Bụt, được các vị nữ khất sĩ khác  nhắc  nhở  tới  ba  lần  mà  vẫn  không  chịu lắng nghe và sửa đổi, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.

Các vị đại đức! Tôi đã tuyên thuyết xong ba mươi sáu  giới  Tăng  thân  giải  cứu,  hai  mươi  bảy  giới  trước vừa phạm là đã thành tội, chín giới sau chỉ thành tội sau ba lần can ngăn mà không có hiệu quả. Vị nữ khất sĩ nào phạm vào một trong ba mươi sáu giới ấy mà cố tình che giấu thì sẽ bị khép vào kỷ luật biệt trú trong một thời gian tương đương với thời gian che giấu ấy, sau đó mới được thực tập mười lăm ngày Làm mới trước khi làm lễ Giải tội.

Nay xin hỏi các vị đại đức: Đối với ba mươi sáu giới Tăng thân  giải  cứu ấy  trong  đại  chúng  có  sự  thanh tịnh không? (ba lần)

Các  vị  đại  đức  im  lặng,  vì  thế  tôi  biết  trong  đại chúng có sự thanh tịnh. Điều này chúng ta ý thức, ghi nhận và thông qua. (C)

*
* *


Giới  Buông  bỏ  và  Phát  lộ (Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề)

Các vị đại đức! Đây là bốn mươi giới Buông bỏ và Phát lộ  (Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề),  mỗi  nửa  tháng  tụng một lần.

1- Vị nữ khất sĩ nào cất giữ và sử dụng thuốc hút hoặc các chất ma túy khác, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

2- Vị nữ khất sĩ nào cất giữ và buôn bán sách tiểu thuyết, kiếm hiệp hoặc sách bói tử vi, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

3- Vị nữ khất sĩ nào cất giữ những sản phẩm độc hại như phim truyện, băng hình, nhạc và trò chơi điện tử của thế tục, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

4- Vị nữ khất sĩ nào cất giữ máy vô tuyến truyền hình, vidéo, máy hát karaoke, máy chơi điện tử và các thứ máy móc khác dùng để tiêu thụ phim, nhạc và trò chơi điện tử của thế tục, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

5- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  có  địa  chỉ  điện  thư  (e-mail) riêng, trừ khi có phép của tăng thân, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

6- Vị nữ khất sĩ nào cất chứa những dụng cụ thủ dâm, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

7- Vị nữ khất sĩ nào có xe hơi riêng, hoặc sử dụng những loại xe hay điện thoại đắt tiền, màu sắc sặc sỡ, bóng loáng, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

8- Vị nữ khất sĩ nào nghĩ rằng tiền bạc và của cải có thể đảm bảo cho sự an ninh của mình mà tìm cách tích lũy, để cho tiền bạc và của cải làm trở ngại đường tu của mình, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

9- Vị nữ khất sĩ nào đứng tên mở trương mục ngân hàng riêng, trừ trường hợp được tăng thân cho đi du học nước ngoài, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

10- Vị nữ khất sĩ nào không phải do tăng sai mà một mình đứng tên quản lý tài sản của một tự viện hay của một tổ chức từ thiện, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

11- Vị nữ khất sĩ nào sử dụng ngân sách của tự viện hay ngân sách của tổ chức từ thiện để nuôi dưỡng người thân mà không có sự đồng ý của các vị khác trong tự viện hay trong tổ chức từ thiện, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

12- Vị nữ khất sĩ nào gửi tiền đầu tư; cho vay; hùn vốn kinh doanh; buôn bán chứng khoán, nhà cửa, đất đai; chơi hụi, chơi xổ số hoặc số đề, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

13- Vị nữ khất sĩ nào đeo các thứ vàng bạc, đá quý dù đó là vật kỷ niệm của người thân hoặc trồng hay  bịt  răng  bằng  vàng  bạc,  vị  ấy  phạm  giới Buông bỏ và Phát lộ.

14- Vị nữ khất sĩ nào sử dụng các loại chuỗi hoặc tràng  hạt  bằng  ngọc  đắt  tiền,  màu  sắc  sặc  sỡ giống những thứ trang sức của người thế gian, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

15- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  mua  sắm  và  tàng  trữ  những món đồ cổ đắt tiền, nâng niu giữ gìn như tài sản quý báu, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

16- Vị nữ khất sĩ nào cất chứa tiền bạc hoặc nữ trang dùm người khác, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

17- Vị nữ khất sĩ nào chất chứa quá nhiều sách vở dù là kinh sách Phật học, một mình vướng mắc bo bo cất giữ, không dám cho người khác mượn, cũng không chịu ký thác vào thư viện chung của chúng tăng, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

18- Vị nữ khất sĩ nào chứa nhiều vải dư mà không đem ra chúng tăng sử dụng hay san sẻ cho người thiếu thốn, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

19- Vị nữ khất sĩ nào có trên ba chiếc y lễ phục (an- đà-hội,  uất-đa-la-tăng,  tăng-già-lê),  có  trên  ba chiếc y giáo phục (áo tràng hay nhựt bình), có trên năm bộ y thường phục (vạt hò), mà không chịu gửi lại chúng tăng cất giữ cho các bạn đồng tu đến sau (trừ y phục lao động, đồ lót bên trong và áo ấm cần thiết cho xứ lạnh), vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

20- Vị nữ khất sĩ nào sử dụng những loại pháp phục làm bằng các loại vải mỏng dánh, bóng loáng, trơn mướt, sặc sỡ, gắn kim tuyến, hạt cườm lấp lánh, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

21- Vị nữ khất sĩ nào chế ra những kiểu quần áo theo thời trang của thế tục hay bắt chước ăn mặc theo kiểu dáng của kẻ giàu sang quyền quý, đánh mất nếp sống đơn giản của người tu hạnh viễn ly giải thoát, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

22- Vị nữ khất sĩ nào mua sắm những vật dụng cá nhân thuộc loại thượng hạng, sang trọng, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

23- Vị nữ khất sĩ nào cất giữ và sử dụng những loại giày dép sang trọng, hoặc kiểu dáng thời trang cao gót để tăng thêm vẻ yểu điệu, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

24- Vị nữ khất sĩ nào sử dụng vớ, găng tay, dù che hoặc túi xách kiểu dáng thời trang, màu sắc sặc sỡ, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

25- Vị nữ khất sĩ nào cất giữ và sử dụng nước hoa, kem phấn, nước thơm ngâm y phục và các mỹ phẩm khác, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

26- Vị nữ khất sĩ nào chất chứa nhiều dầu gội, bột giặt, kem đánh răng, khăn, bàn chải… mà không chịu đem ra chia sẻ với chúng tăng, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

27- Vị nữ khất sĩ nào vào y viện chữa trị mà nằm phòng  bệnh  riêng  loại  sang  trọng,  vị  ấy  phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

28- Vị nữ khất sĩ nào nằm giường nệm sang trọng, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

29- Vị nữ khất sĩ nào trang trí phòng ốc của mình sang trọng và đầy dẫy tiện nghi như nhà thế tục, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

30- Vị nữ khất sĩ nào chất chứa nhiều thức ăn, thức uống trong rương tủ mà không chịu đem ra cho đại chúng dùng, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

31- Vị nữ khất sĩ nào cố tình mặc y phục rách rưới để tác động lòng tội nghiệp của thí chủ, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

32- Vị nữ khất sĩ nào đến với người thế tục hoặc bà con  để  quyên  góp  tài  vật  làm  của  riêng,  vị  ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

33- Vị nữ khất sĩ nào sử dụng tài vật không đúng với ý nguyện của người dâng cúng mà không báo lại cho vị đó biết, khiến vị đó buồn khổ, giận hờn, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

34- Vị nữ khất sĩ nào buôn bán, may vá, nấu nướng… để kiếm tiền riêng nuôi gia đình, trừ khi cha mẹ có bệnh không người nuôi, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

35- Vị nữ khất sĩ nào chỉ ham thích việc buôn bán, may vá, nấu nướng… dù là để tạo tài chính cho tự viện mà bỏ phế các thời khóa tu học cùng đại chúng, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

36- Vị nữ khất sĩ nào nuôi súc vật và chim muông với mục đích tiêu khiển hoặc bán cho người khác để kiếm tiền, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

37- Vị nữ khất sĩ nào tìm cách nói để cho người kia đổi  ý  định  cúng  dường  cho  một  vị  nữ  khất  sĩ khác  hay  cho  đại  chúng,  để  họ  quay  về  cúng dường cho mình, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

38- Vị nữ khất sĩ nào cất giữ đồ vật của chúng tăng để sử dụng riêng hoặc đem cho người khác mà không xin phép, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

39- Vị nữ khất sĩ nào sử dụng tài vật của thường trụ trái với ý nguyện của chúng tăng, khiến chúng tăng không vui và đánh mất sự hòa hợp, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

40- Vị nữ khất sĩ nào sử dụng tài vật của chúng tăng một  cách  phung  phí  như  tiền  bạc,  nước,  điện, điện thoại, xe hơi…, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.

Các vị đại đức! Tôi đã tuyên thuyết xong bốn mươi giới Buông bỏ và Phát lộ. Vị nữ khất sĩ nào phạm vào một trong bốn mươi giới ấy thì phải hướng về tăng thân, hoặc trước ba vị, hoặc hai vị nữ khất sĩ đại diện cho tăng thân để buông bỏ và trao trả tiền bạc hay phẩm vật mình đang cất giữ, rồi phát lộ sám hối.

Nay xin hỏi các vị đại đức: Đối với bốn mươi giới Buông  bỏ  và  Phát  lộ ấy  trong  đại  chúng  có  sự  thanh tịnh không? (ba lần)

Các  vị  đại  đức  im  lặng,  vì  thế  tôi  biết  trong  đại chúng có sự thanh tịnh. Điều này chúng ta ý thức, ghi nhận và thông qua. (C)

*
* *

Giới  Phát  lộ (Ba-dật-đề)

Các vị đại đức! Đây là một trăm bốn mươi hai giới Phát  lộ (Ba-dật-đề),  mỗi  nửa  tháng  tụng  một  lần.

1- Vị nữ khất sĩ nào hẹn hò đi chơi với một người nam thế tục hoặc nam xuất gia, vị ấy phạm giới Phát lộ.

2- Vị nữ khất sĩ nào một mình cùng với một người nam thế tục hoặc nam xuất gia ngồi chỗ khuất, vắng vẻ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

3- Vị nữ khất sĩ nào một mình ngồi trên xe hoặc trên thuyền với một nam xuất gia, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc tăng sai, vị ấy phạm giới Phát lộ.

4- Vị nữ khất sĩ nào viết thư hay tặng quà kỷ niệm cho một người nam thế tục hay nam xuất gia để biểu lộ và chinh phục tình cảm, vị ấy phạm giới Phát lộ.

5- Vị nữ khất sĩ nào biết một người nam có vướng mắc tình cảm với mình mà vẫn nhận tài vật hiến tặng của người ấy, dù mình không có tâm vướng mắc với người kia, vị ấy phạm giới Phát lộ.

6- Vị nữ khất sĩ nào từ khước sự giúp đỡ của các bạn đồng tu mà lại để người nam thế tục hoặc nam xuất gia chăm sóc và nuôi bệnh, vị ấy phạm giới Phát lộ.

7- Vị nữ khất sĩ nào mướn nhà trọ hay khách sạn ở chung với các vị nam xuất gia mặc dù có mặt của các nữ khất sĩ khác, trừ trường hợp đặc biệt có tăng sai, vị ấy phạm giới Phát lộ.

8- Vị nữ khất sĩ nào một mình đến tự viện của nam khất sĩ, dù được thỉnh mời trước, vị ấy phạm giới Phát lộ.

9- Vị nữ khất sĩ nào gọi điện thoại cho người khác phái vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp và có báo cho các bạn đồng tu biết, vị ấy phạm giới Phát lộ.

10- Vị nữ khất sĩ nào vì việc học môn thế tục mà mời thầy giáo đến dạy kèm riêng hoặc đến học riêng với thầy giáo, vị ấy phạm giới Phát lộ.

11- Vị nữ khất sĩ nào cố tình tìm riêng cho mình một vị bác sĩ nam để săn sóc đặc biệt, trừ trường hợp được tăng thân cho phép, vị ấy phạm giới Phát lộ.

12- Vị nữ khất sĩ nào được tới bốn vị nữ khất sĩ trở lên nhắc nhở là đang bị vướng mắc tình cảm với một  vị  khác  mà  không  lắng  nghe  lại  còn  chối quanh, tìm cách phủ nhận hoặc tỏ ý giận dữ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

13- Vị nữ khất sĩ nào vì cảm tình đặc biệt với một nam xuất gia nên thường xuyên rủ rê các vị nữ xuất gia khác đến phòng của vị nam xuất gia đó để lau dọn, nấu nướng, bày biện tiệc tùng, vị ấy phạm giới Phát lộ.

14- Vị nữ khất sĩ nào đối với các vị nam khất sĩ có uy  thế  hay  nổi  tiếng  đem  hết  tài  vật  ra  cung phụng, chiều chuộng trong khi đó lại ngược đãi ni chúng, để ni chúng ăn mặc thiếu thốn, cơ cực, vị ấy phạm giới Phát lộ.

15- Vị nữ khất sĩ nào ngủ chung giường với người nữ khác, trừ trường hợp đặc biệt và có báo cho các vị nữ khất sĩ khác biết, vị ấy phạm giới Phát lộ.

16- Vị nữ khất sĩ nào ngủ chung với chó mèo, vị ấy phạm giới Phát lộ.

17- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  dùng  dao  cạo  chỗ  kín,  trừ trường hợp có bệnh và có báo cho một vị nữ khất sĩ khác biết, vị ấy phạm giới Phát lộ.

18- Vị nữ khất sĩ nào dùng tay mân mê ngực và nữ căn, vị ấy phạm giới Phát lộ.

19- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  làm  việc  thủ  dâm,  trừ  trong giấc chiêm bao, vị ấy phạm giới Phát lộ.

20- Vị nữ khất sĩ nào cố ý nhìn súc vật giao hợp, vị ấy phạm giới Phát lộ.

21- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  trong  khi  chuyện  trò  kể  lại những chuyện dâm dục từ phim ảnh, sách báo hay do người khác kể lại…, vị ấy phạm giới Phát lộ.

22- Vị nữ khất sĩ nào không mặc áo lót mà đi vào xóm làng, phố thị hoặc đến tự viện của nam khất sĩ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

23- Vị nữ khất sĩ nào mặc loại đồ lót kiểu người thế tục, vị ấy phạm giới Phát lộ.

24- Vị nữ khất sĩ nào biết người nữ kia đang có thai hoặc có con còn bú, hoặc có bệnh nan y truyền nhiễm,  hoặc  trốn  nợ  thuế,  hoặc  phạm  tội  hình sự, hoặc không được chồng con đồng ý mà vẫn cho người đó xuất gia, vị ấy phạm giới Phát lộ.

25- Vị nữ khất sĩ nào biết người nữ kia chưa đủ hai mươi tuổi, hoặc đã đủ hai mươi tuổi mà chưa trải qua hai năm học giới, hoặc đã trải qua hai năm học giới mà chưa rành về sáu phép của nữ học giới,  hoặc  trước  đó  đã  từng  thọ  giới  lớn,  hoặc biết  đại  chúng  không  chấp  thuận  mà  vẫn  cho người đó thọ giới lớn, vị ấy phạm giới Phát lộ.

26- Vị nữ khất sĩ nào sau tám tháng mà vẫn chưa đổi người cư trú cùng phòng, trừ khi có sự đồng ý của tăng thân, vị ấy phạm giới Phát lộ.

27- Vị nữ khất sĩ nào chê bai, đùa cợt, nói xấu, chửi mắng một vị nam khất sĩ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

28- Vị nữ khất sĩ nào lấn lướt vị trí hay tranh giành lời nói với một vị nam khất sĩ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

29- Vị nữ khất sĩ nào vì sân hận, bực tức mà đánh người khác, vị ấy phạm giới Phát lộ.

30- Vị nữ khất sĩ nào vì chút việc nhỏ tranh cãi mà thề thốt sẽ đọa vào ba đường ác, vị ấy phạm giới Phát lộ.

31- Vị nữ khất sĩ nào bắt buộc người khác phải thề thốt, vị ấy phạm giới Phát lộ.

32- Vị nữ khất sĩ nào nói sai sự thật, thêm bớt, hoặc nói lời thô tục, mắng nhiếc, hoặc nói những lời có tác dụng gây chia rẽ và căm thù, vị ấy phạm giới Phát lộ.

33- Vị nữ khất sĩ nào khi đang nổi giận và lớn tiếng tranh cãi, được một vị nữ khất sĩ khác nhỏ nhẹ khuyên  răn  là  hãy  trở  về  im  lặng  theo  dõi  hơi thở, hoặc đi thiền hành để bảo hộ tâm ý mà vẫn không nghe, cứ tiếp tục lớn tiếng tranh cãi, vị ấy phạm giới Phát lộ.

34- Vị nữ khất sĩ nào được bạn đồng tu chỉ bảo cho mình chỗ sơ sót trong sự hành trì tu tập, đã không biết  chắp  tay  tạ  ơn,  mà  lại  tìm  cách  bào  chữa loanh  quanh  hoặc  so  sánh  phân  bì  với  những người khác, vị ấy phạm giới Phát lộ.

35- Vị nữ khất sĩ nào cứ nói gần nói xa, nói bóng nói gió để nhắc lại những lỡ lầm trong quá khứ của một vị nữ khất sĩ khác, vị ấy phạm giới Phát lộ.

36- Vị nữ khất sĩ nào nhắc lại lỗi lầm trong quá khứ của một vị nữ khất sĩ khác khi tăng đã làm Yết ma Xả tội rồi, vị ấy phạm giới Phát lộ.

37- Vị nữ khất sĩ nào vấn nạn hay la rầy các vị khác trong ni chúng giữa bữa ăn, vị ấy phạm giới Phát lộ.

38- Vị nữ khất sĩ nào la rầy hay xử phạt các vị khác trong ni chúng trước mặt các vị cư sĩ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

39- Vị nữ khất sĩ nào dọa nạt, hù nhát một vị nữ khất sĩ  khác  để  vị  này  sợ  hãi  hoặc  thối  chí,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

40- Vị nữ khất sĩ nào được mời đến để giải quyết sự hiềm giận với một vị khác nhưng liên tiếp nhiều lần  tìm  cách  lẩn  tránh  không  chịu  đến,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

41- Vị nữ khất sĩ nào từ chối không nhận sự hối lỗi của người khác, vị ấy phạm giới Phát lộ.

42- Vị nữ khất sĩ nào vì giận hờn mà quăng đồ đạc của người khác, vị ấy phạm giới Phát lộ.

43- Vị nữ khất sĩ nào để sự giận hờn kéo dài đến bảy ngày  mà  vẫn  chưa  chịu  thực  tập  hòa  giải  làm mới, vị ấy phạm giới Phát lộ.

44- Vị nữ khất sĩ nào vì giận hờn, ganh ghét mà vu cáo một vị nữ khất sĩ khác về tội Tăng thân giải cứu  để  phá  hoại  thanh  danh  của  vị  kia,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

45- Vị nữ khất sĩ nào cứ bút chiến hoặc tranh chấp ngôn  luận  với  các  chủ  thuyết  và  các  tôn  giáo khác mà không để thì giờ tu học, vị ấy phạm giới Phát lộ.

46- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  vì  có  hiềm  hận  với  các  bạn đồng  tu,  không  chịu  nương  vào  năng  lực  tăng thân  để  tìm  cách  hòa  giải  mà  bỏ  chùa  đi  nơi khác, hoặc bỏ về gia đình ở một thời gian rồi trở lại, vị ấy phạm giới Phát lộ.

47- Vị nữ khất sĩ nào không cố gắng thực tập tái lập truyền thông với các bạn đồng tu mà chỉ đi than phiền với người cư sĩ về những khó khăn và mâu thuẫn trong chúng, vị ấy phạm giới Phát lộ.

48- Vị nữ khất sĩ nào không sử dụng các phép ái ngữ và lắng nghe để giải quyết những khó khăn và tranh chấp của mình với một vị nữ xuất gia khác, mà chỉ đi than phiền và tìm đồng minh nơi một người thứ ba, thứ tư, thứ năm…, vị ấy phạm giới Phát lộ.

49- Vị nữ khất sĩ nào được nghe những lời than trách về những khó khăn và tranh chấp của một vị nữ xuất  gia  đối  với  một  vị  nữ  xuất  gia  khác  mà không tìm cách giúp sức đem tới sự hòa giải, trái lại đi liên minh với vị này để chống lại vị kia, vị ấy phạm giới Phát lộ.

50- Vị nữ khất sĩ nào đến ở một tự viện khác mà đem những khuyết điểm, yếu kém nơi tự viện cũ ra kể với tính cách than phiền và chê trách, vị ấy phạm giới Phát lộ.

51- Vị nữ khất sĩ nào tự cho mình là văn minh tiến bộ mà chê trách thầy tổ quê hèn, vị ấy phạm giới Phát lộ.

52- Vị nữ khất sĩ nào được biết đại chúng sẽ ngồi lại với nhau để thực hiện pháp yết ma mà tìm cách trốn  tránh  bỏ  đi  hoặc  giả  bệnh  mà  không  nhờ người khác đại diện gửi theo sự thanh tịnh (gửi dục), vị ấy phạm giới Phát lộ.

53- Vị nữ khất sĩ nào đã cùng đại chúng làm pháp yết ma rồi mà trong lòng còn bực bội khó chịu, đi nói với người khác rằng mình chống lại pháp yết ma đã thành tựu, vị ấy phạm giới Phát lộ.

54- Vị nữ khất sĩ nào đã nhờ người khác đại diện gửi theo  sự  thanh  tịnh  (gửi  dục),  nhưng  sau  đó  lại đổi ý và tìm cách phủ nhận yết ma đã thành tựu, vị ấy phạm giới Phát lộ.

55- Vị nữ khất sĩ nào không thực hiện hoặc khuyến khích  người  khác  không  thực  hiện  những  điều mà tăng đã yết ma, vị ấy phạm giới Phát lộ.

56- Vị nữ khất sĩ nào cứ khăng khăng bênh vực một vị nữ khất sĩ đã bị tăng đoàn xử biệt trú, được khuyên  can  ba  lần  mà  vẫn  không  nghe,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

57- Vị nữ khất sĩ nào nói lỗi một vị nữ xuất gia khác lúc vị này vắng mặt, trừ trường hợp đang thực tập soi sáng, vị ấy phạm giới Phát lộ.

58- Vị nữ khất sĩ nào hứa cho người khác vật dụng hoặc y phục, sau vì phiền giận mà nuốt lời không cho hoặc cho rồi đòi lại, vị ấy phạm giới Phát lộ.

59- Vị nữ khất sĩ nào cất giấu đồ đạc của người khác làm cho vị đó lo lắng và sợ hãi, vị ấy phạm giới Phát lộ.

60- Vị nữ khất sĩ nào thấy bạn đồng tu xuất gia bị bệnh mà không hỏi han, chăm sóc hay nhờ người chăm sóc, vị ấy phạm giới Phát lộ.

61- Vị nữ khất sĩ nào được tăng cử chia đồ vật cho chúng mà lại thiên vị thêm bớt, hoặc không chia cho vị mà mình đang có hiềm giận, vị ấy phạm giới Phát lộ.

62- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  trốn  tránh  thực  tại  khổ  đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống, chỉ lo an dưỡng trong sự kính ngưỡng, cúng dường của đàn na, quên mất mục đích của sự tu tập là chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc, được ba vị nữ khất sĩ khác khuyến cáo mà vẫn không thay đổi, vị ấy phạm giới Phát lộ.

63- Vị nữ khất sĩ nào thấy bạn đồng tu xuất gia sắp phạm giới luật mà không lên tiếng can ngăn hay báo cho các vị khất sĩ khác biết để can ngăn, vị ấy phạm giới Phát lộ.

64- Vị nữ khất sĩ nào biết vị nữ khất sĩ kia cố tình che  giấu  những  lầm  lỡ  gây  ra  mà  không  chịu khuyên  vị  đó  nhận  lỗi  và  sám  hối  trước  tăng thân,  hoặc  báo  cho  tăng  thân  biết  để  tìm  cách giúp vị đó thanh tịnh trở lại, vị ấy phạm giới Phát lộ.

65- Vị nữ khất sĩ nào giả đò mang thai, tàn tật hay ăn mày để đùa giỡn hay chế nhạo, vị ấy phạm giới Phát lộ.

66- Vị nữ khất sĩ nào có thái độ hẹp hòi và cố chấp, tự cho kiến thức mình đang có là những chân lý bất di bất dịch mà không chịu cởi mở, đón nhận quan điểm và tuệ giác của người khác, sau khi được ba vị nữ khất sĩ khác cảnh cáo mà không chịu buông bỏ thái độ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

67- Vị nữ khất sĩ nào dùng uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ để cưỡng bức kẻ khác, kể cả trẻ em, vâng theo quan điểm của mình mà không tôn trọng sự khác biệt và tự do nhận thức của họ, sau khi được ba vị nữ khất sĩ khác cảnh cáo mà không chịu buông bỏ thái độ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

68- Vị nữ khất sĩ nào có thân thuộc họ hàng xuất gia mà lấy quyền lực mình để bao che những việc làm sai trái của những vị đó, hoặc tìm cách giành quyền ưu tiên cho họ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

69- Vị nữ khất sĩ nào dựa vào quyền hạn hay chức vụ  của  mình  mà  lấn  lướt  và  giành  vị  trí  phía trước một vị nữ khất sĩ khác có tuổi đạo lớn hơn mình, vị ấy phạm giới Phát lộ.

70- Vị nữ khất sĩ nào dùng quyền lực buộc một vị nữ khất sĩ khác phải đứng về phía mình để chống lại yết ma, vị ấy phạm giới Phát lộ.

71- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  vướng  mắc  vào  các  danh  vị giáo phẩm hay giới phẩm, khi có người xưng hô không đúng danh vị của mình thì sanh lòng hờn giận, bực tức hoặc yêu cầu người kia phải chỉnh sửa lại, vị ấy phạm giới Phát lộ.

72- Vị nữ khất sĩ nào không chăm lo trau dồi phẩm hạnh lại đi tranh giành hoặc dụ dỗ đệ tử người khác, gây nên tình trạng hiềm hận lẫn nhau, vị ấy phạm giới Phát lộ.

73- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  chỉ  chăm  sóc  đặc  biệt  đệ  tử xuất gia của mình, bỏ bê những vị khác đã đến y chỉ nơi mình, vị ấy phạm giới Phát lộ.

74- Vị nữ khất sĩ nào khuyến dụ một vị nữ xuất gia khác đứng về phía mình để tăng thêm thế lực mà chống đối hoặc lấn lướt bạn đồng tu, vị ấy phạm giới Phát lộ.

75- Vị nữ khất sĩ nào khuyến dụ một vị nữ xuất gia khác bỏ thầy tổ đi cất am cốc riêng hay đến ở tự viện khác, vị ấy phạm giới Phát lộ.

76- Vị nữ khất sĩ nào nói những lời đường mật hoặc than khóc để được người khác thương cảm, vị ấy phạm giới Phát lộ.

77- Vị nữ khất sĩ nào vì mưu cầu tài lợi và sự kính phục mà loan truyền những tin không biết chắc là  có  thật,  phê  bình  và  lên  án  những  gì  không biết rõ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

78- Vị nữ khất sĩ nào vì tài lợi mà bênh vực người thế tục và xử ép các vị xuất gia khác, vị ấy phạm giới Phát lộ.

79- Vị nữ khất sĩ nào thu nhận đệ tử không với mục đích giáo dưỡng họ trên đường tu học mà chỉ để phục vụ cho sự nghiệp danh lợi riêng mình, vị ấy phạm giới Phát lộ.

80- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  bắt  ni  chúng  phải  làm  lụng buôn bán, may vá, cúng bái… để phát triển tài chánh,  không  cho  họ  đủ  thì  giờ  tu  học,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

81- Vị nữ khất sĩ nào nói gần nói xa, nói bóng nói gió  để  mưu  cầu  sự  cúng  dường  tài  vật,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

82- Vị nữ khất sĩ nào giả bệnh nặng để được tín chủ chăm sóc và cúng dường tài vật, vị ấy phạm giới Phát lộ.

83- Vị nữ khất sĩ nào lợi dụng các tổ chức từ thiện để quyên góp thêm tài vật cho cá nhân hay tự viện của mình, vị ấy phạm giới Phát lộ.

84- Vị nữ khất sĩ nào mở lời chê bai phẩm vật của tín thí dâng cúng, vị ấy phạm giới Phát lộ.

85- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  nhận  tài  vật  của  tín  thí  mà không tu tập nghiêm chỉnh, nói rằng bổn phận người cư sĩ là phải cúng dường cho mình, vị ấy phạm giới Phát lộ.

86- Vị nữ khất sĩ nào đến tự viện của các vị nam khất sĩ  than  phiền  túng  thiếu  với  chủ  ý  được  cúng dường, vị ấy phạm giới Phát lộ.

87- Vị nữ khất sĩ nào có khuynh hướng kỳ thị, chỉ tiếp chuyện người giàu sang và trí thức, còn người nghèo khổ và ít học thì không quan tâm tới, vị ấy phạm giới Phát lộ.

88- Vị nữ khất sĩ nào mượn tài vật của người khác mà hồi trả không đúng thời hạn, làm cho vị kia bực tức, khó chịu, vị ấy phạm giới Phát lộ.

89- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  chiếm  hữu  hoặc  bảo  người chiếm  hữu  hoặc  thấy  người  chiếm  hữu  tài  vật của người khác mà không tìm cách can ngăn, vị ấy phạm giới Phát lộ.

90- Vị nữ khất sĩ nào thất hứa với người thế tục, làm cho người ta hờn giận và chê trách tăng thân, vị ấy phạm giới Phát lộ.

91- Vị nữ khất sĩ nào lánh công việc nặng tìm công việc nhẹ, trừ trường hợp bệnh tật yếu đuối, vị ấy phạm giới Phát lộ.

92- Vị nữ khất sĩ nào đánh giá người khác qua công việc mà không biết rằng phẩm chất tu học của người  tu  là  quan  trọng  hơn  số  lượng  công  tác người ấy có thể làm, vị ấy phạm giới Phát lộ.

93- Vị nữ khất sĩ nào không ý thức rằng bổn phận người xuất gia là phải cống hiến những phương pháp thực tập chuyển hóa đau khổ mà chỉ chú tâm vào các công tác từ thiện, rồi bắt ni chúng làm việc cực nhọc, bỏ phế giờ giấc tu học, vị ấy phạm giới Phát lộ.

94- Vị nữ khất sĩ nào đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền riêng, trong khi tự viện vẫn đủ sức nuôi mình ăn học đàng hoàng, vị ấy phạm giới Phát lộ.

95- Vị nữ khất sĩ nào xem quẻ, bói tướng hoặc cúng sao, giải hạn, đốt giấy tiền vàng bạc… để sinh sống, vị ấy phạm giới Phát lộ.

96- Vị nữ khất sĩ nào ăn mặn, dù lấy cớ thiếu dinh dưỡng, vị ấy phạm giới Phát lộ.

97- Vị nữ khất sĩ nào tham lam, ăn uống không có chừng mực, vị ấy phạm giới Phát lộ.

98- Vị nữ khất sĩ nào bỏ phế thời khóa tu học cùng đại chúng để chế biến những món ăn cầu kỳ, đắt tiền,  sang  trọng  mà  không  nhớ  mình  đang  tu hạnh thanh bần của người khất sĩ và không nghĩ đến  biết  bao  nhiêu  người  đang  đói  khổ,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

99- Vị nữ khất sĩ nào không ăn cùng đại chúng mà lại ăn riêng trong phòng, trừ khi có bệnh hoặc vì công việc do tăng sai, vị ấy phạm giới Phát lộ.

100- Vị nữ khất sĩ nào uống bia, rượu nho, rượu đế… hay bất cứ thức uống nào có tác dụng gây ra sự say sưa, trừ trường hợp có bệnh và có phép của chúng tăng, vị ấy phạm giới Phát lộ.

101- Vị nữ khất sĩ nào vào ngồi quán rượu hoặc quán cà phê đèn mờ để giải khát hoặc để ngồi chơi ngắm người qua lại, vị ấy phạm giới Phát lộ.

102- Vị nữ khất sĩ nào đến nhà cư sĩ hoặc nhà hàng để dự lễ sinh nhật, tiệc cưới hỏi, vị ấy phạm giới Phát lộ.

103- Vị nữ khất sĩ nào tổ chức lễ sinh nhật của mình ở nhà cư sĩ hoặc nhà hàng, vị ấy phạm giới Phát lộ.

104- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  đi  xem  bóng  đá,  xi-nê  hoặc nhạc hội thế gian, vị ấy phạm giới Phát lộ.

105- Vị nữ khất sĩ nào thuê và xem những cuốn phim, những đĩa hình hoặc những sách báo có tác dụng độc hại và tưới tẩm những hạt giống tham dục, sợ hãi, bạo động và ủy mị sầu đau, vị ấy phạm giới Phát lộ.

106- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  xem  những  chương  trình  vô tuyến  truyền  hình  có  tác  dụng  độc  hại  và  tưới tẩm những hạt giống tham dục, sợ hãi, bạo động và ủy mị sầu đau, vị ấy phạm giới Phát lộ.

107- Vị nữ khất sĩ nào đi lên mạng lưới Internet một mình mà không có một vị nữ xuất gia khác ở bên cạnh để giúp bảo hộ mình khỏi lạc vào những chương trình độc hại, vị ấy phạm giới Phát lộ.

108- Vị nữ khất sĩ nào sử dụng và tiêu thụ các hình ảnh  hoặc  những  âm  thanh  kích  động  dâm  dục trên mạng lưới Internet hay trong điện thoại, vị ấy phạm giới Phát lộ.

109- Vị nữ khất sĩ nào nghe hoặc trình diễn những bài hát tình sầu đứt ruột, lãng mạn và kích động, vị ấy phạm giới Phát lộ.

110- Vị nữ khất sĩ nào chơi trò chơi điện tử, dù bằng điện thoại di động hoặc máy vi tính, vị ấy phạm giới Phát lộ.

111- Vị nữ khất sĩ nào đánh bạc hay cá độ bóng đá, đua ngựa, đua xe…, vị ấy phạm giới Phát lộ.

112- Vị nữ khất sĩ nào chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu hay đua xe, vị ấy phạm giới Phát lộ.

113- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  xuống  đường  phố  vỗ  tay,  la hét, tung cờ, rải hoa, diễn hành… để ủng hộ một đội  bóng  đá  hay  một  đội  thể  thao  khác,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

114- Vị nữ khất sĩ nào đi xem quân đội lập trận chiến đấu, tập dợt hoặc đứng xem một đám đông cãi vã, đánh nhau hoặc múa võ, làm trò ảo thuật, vị ấy phạm giới Phát lộ.

115- Vị nữ khất sĩ nào đi xem hoặc thúc giục loài vật giao đấu, vị ấy phạm giới Phát lộ.

116- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  đánh  đập  loài  vật  hoặc  lấy xương,  sừng  hay  da  để  sáng  tạo  các  tác  phẩm nghệ  thuật,  hoặc  để  trang  trí  phòng  ốc,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

117- Vị nữ khất sĩ nào không học hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của các loài động vật, tự mình giết hại, hoặc tán thành sự giết hại, hoặc để cho kẻ khác giết hại mà không tìm cách can ngăn, vị ấy phạm giới Phát lộ.

118- Vị nữ khất sĩ nào nấu thức ăn mặn cho chó mèo, vị ấy phạm giới Phát lộ.

119- Vị nữ khất sĩ nào gây ô nhiễm sinh môi như đốt phá cây rừng, sử dụng chất độc hóa học, vị ấy phạm giới Phát lộ.

120- Vị nữ khất sĩ nào cố tình để tóc dài, vị ấy phạm giới Phát lộ.

121- Vị nữ khất sĩ nào vào thẩm mỹ viện để sửa sắc đẹp, vị ấy phạm giới Phát lộ.

122- Vị nữ khất sĩ nào không ý thức được rằng cái đẹp của  người  tu  được  làm  bằng  chất  liệu  của  sự vững chãi và thảnh thơi, lại để nhiều thời gian lo trau chuốt, chưng diện, vị ấy phạm giới Phát lộ.

123- Vị nữ khất sĩ nào khi đi vào thành phố, thôn làng hoặc chợ búa mà mặc quần áo thế gian, hoặc đội đầu tóc giả, vị ấy phạm giới Phát lộ.

124- Vị nữ khất sĩ nào tách rời tăng thân mà đi mướn nhà ở trọ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

125- Vị nữ khất sĩ nào đến nhà cư sĩ ngủ lại, dù công việc do tăng cử đi, mà không có ít nhất một bạn đồng tu đi theo, trừ trường hợp đặc biệt có phép của tăng thân, vị ấy phạm giới Phát lộ.

126- Vị nữ khất sĩ nào ở quá một tuần nơi nhà cư sĩ, trừ trường hợp tăng thân cho phép, vị ấy phạm giới Phát lộ.

127- Vị nữ khất sĩ nào một mình đi ra khỏi tự viện, hoặc đi chung rồi tách ra đi riêng mà không biết rằng hiểm nạn có thể bất ngờ xảy ra, làm nguy hại đến giới hạnh, vị ấy phạm giới Phát lộ.

128- Vị nữ khất sĩ nào kết nghĩa cha, mẹ, anh, chị, em và con cháu với người thế tục, vị ấy phạm giới Phát lộ.

129- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  đi  học  các  môn  thế  học  với mục đích để có bằng cấp như kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ,  thạc  sĩ,  tiến  sĩ…,  trừ  môn  Phật  học,  vị  ấy phạm giới Phát lộ.

130- Vị nữ khất sĩ nào chỉ chuyên đi học các môn thế học mà bỏ học giáo lý và các pháp môn tu tập, vị ấy phạm giới Phát lộ.

131- Vị  nữ  khất  sĩ  nào  tìm  sự  trú  ẩn  và  lãng  quên trong  công  việc  mà  đánh  mất  liên  lạc  tốt  giữa mình và các thành phần khác trong tăng thân, vị ấy phạm giới Phát lộ.

132- Vị nữ khất sĩ nào rời thầy y chỉ trước mùa an cư thứ năm, hoặc khi đã đủ năm mùa an cư mà sự thực tập vẫn còn yếu kém, vị ấy phạm giới Phát lộ.

133- Vị nữ khất sĩ nào trong một năm mà không an cư ba tháng, vị ấy phạm giới Phát lộ.

134- Vị nữ khất sĩ nào đã được kiết giới an cư rồi mà vẫn đi ra ngoài đại giới, số lượng ngày đi ra bằng hoặc hơn số lượng ngày ở trong đại giới, dù có công tác giảng dạy, từ thiện, học hành…, vị ấy phạm giới Phát lộ.

135- Vị nữ khất sĩ nào quá ba tháng mà không đến các vị nam khất sĩ để cầu giáo thọ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

136- Vị nữ khất sĩ nào sau khi an cư xong không chịu đến bên nam khất sĩ nói những việc đã thấy, đã nghe, đã nghi để cầu tự tứ, vị ấy phạm giới Phát lộ.

137- Vị nữ khất sĩ nào an cư trong địa phận không có nam khất sĩ an cư, vị ấy phạm giới Phát lộ.

138- Vị nữ khất sĩ nào chưa đủ mười hai tuổi hạ mà đi truyền giới lớn, vị ấy phạm giới Phát lộ.

139- Vị nữ khất sĩ nào không nắm vững luật nghi nên tác  pháp  yết  ma  hay  cử  tội  không  đúng  pháp, khiến  cho  chúng  tăng  không  an  vui,  mất  hòa hợp, vị ấy phạm giới Phát lộ.

140- Vị nữ khất sĩ nào mở lời chê trách điều giới và uy nghi, cho rằng các điều mục này phiền toái, rắc rối, vụn vặt, không thật sự cần thiết, làm mất tự do…, vị ấy phạm giới Phát lộ.

141- Vị nữ khất sĩ nào không tụng giới cùng đại chúng ít nhất một lần trong ba tháng, trừ khi có bệnh nặng kéo dài, vị ấy phạm giới Phát lộ.

142- Vị nữ khất sĩ nào sau một năm thọ giới lớn mà chưa  bắt  đầu  học  hỏi  giới  bản  cổ  truyền  song song với giới bản tân tu, vị ấy phạm giới Phát lộ.

Các vị đại đức! Tôi đã tuyên thuyết xong một trăm bốn mươi hai giới Phát lộ. Vị nữ khất sĩ nào phạm vào một trong một trăm bốn mươi hai giới ấy thì phải làm lễ Phát lộ sám hối trước ba hay hai vị nữ khất sĩ để được thanh tịnh trở lại.

Nay xin hỏi các vị đại đức: Đối với một trăm bốn mươi hai giới Phát lộ ấy trong đại chúng có sự thanh tịnh không? (ba lần)

Các  vị  đại  đức  im  lặng,  vì  thế  tôi  biết  trong  đại chúng có sự thanh tịnh. Điều này chúng ta ý thức, ghi nhận và thông qua. (C)

 

*
* *


Giới  Uy  nghi (Chúng  học)

Các vị đại đức! Đây là một trăm mười lăm giới Uy nghi (Chúng  học),  mỗi  nửa  tháng  tụng  một  lần.

1- Vị nữ khất sĩ không nên vừa đi vừa nói chuyện, cười giỡn, huýt gió, ca hát, gọi từ xa.

2- Vị nữ khất sĩ không nên vừa đi vừa nhai thức ăn, xỉa răng hoặc nói chuyện điện thoại.

3- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  vừa  đi  vừa  xá  chào, búng tay, đánh đằng xa, lắc lư, chạy nhảy, ngẩng đầu lên trời.

4- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  đi  vội  vàng  hấp  tấp, trong khi đi phải tỏa chiếu vững chãi và thảnh thơi.

5- Vị nữ khất sĩ không nên vừa đi vừa mặc hoặc chỉnh sửa pháp phục.

6- Vị nữ khất sĩ không nên lết dép guốc, bước chân quá dài hoặc nện gót xuống nền.

7- Vị nữ khất sĩ không nên ngắt lời người khác.

8- Vị nữ khất sĩ không nên nói quá lớn, lấn át cả tiếng người khác.

9- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  nói  chuyện  đẩy  đưa, đùa bỡn qua lại.

10- Vị nữ khất sĩ khi nói chuyện không nên trỏ tay vào mặt người khác.

11- Vị nữ khất sĩ không nên nói quá nhanh và nuốt chữ; nên tập nói năng nhỏ nhẹ, khoan thai.

12- Vị nữ khất sĩ không nên bỏ lửng nửa chừng câu nói.

13- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  bàn  chuyện  lứa  đôi, ngừa thai, sanh nở.

14- Vị nữ khất sĩ không nên nói giọng đanh đá, mỉa mai, xoi mói, cộc cằn.

15- Vị nữ khất sĩ không nên kể chuyện ma quái mà tưới tẩm hạt giống sợ hãi cho người khác.

16- Vị nữ khất sĩ không nên trong khi nói chuyện mà liếc mắt nhìn chung quanh hay chớp mắt lia lịa.

17- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  nhái  giọng  điệu  của người khác để trêu chọc.

18- Vị nữ khất sĩ không nên cười quá lớn tiếng hoặc há miệng quá to.

19- Vị nữ khất sĩ không nên le lưỡi liếm môi.

20- Vị  nữ  khất  sĩ  khi  ngáp  hoặc  xỉa  răng  nên  che miệng lại.

21- Vị nữ khất sĩ không nên ngồi chò hỏ.

22- Vị nữ khất sĩ không nên vừa ngồi vừa rung đùi, lắc lư hay nhịp chân, nên ngồi cho thẳng lưng, vững vàng mà buông thư.

23- Vị nữ khất sĩ không nên ngồi những chỗ có người đang uống rượu, ăn thịt, cờ bạc, chửi mắng, cợt nhả hoặc nói xấu kẻ khác.

24- Vị nữ khất sĩ nên tránh nằm ngửa hoặc nằm úp; nên tập nằm nghiêng hông phải vì đó là thế an lành nhất.

25- Vị nữ khất sĩ không nên vừa nằm vừa đọc tụng kinh, trừ trường hợp có bệnh.

26- Vị nữ khất sĩ không nên nằm chỗ có người đang đi qua lại, trừ trường hợp đặc biệt.

27- Vị nữ khất sĩ không nên nghiêng dựa vào tường dù là đang đứng sắp hàng chờ mua vé hoặc lên xe, nên đứng cho thẳng lưng.

28- Vị nữ khất sĩ không nên chắp tay sau lưng hay chống  nạnh.

29- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  chỉ  lựa  chọn  thức  ăn ngon.

30- Vị  nữ  khất  sĩ  trong  khi  ăn  không  nên  nhai  và nuốt quá gấp, nên nhai chậm rãi khoảng 30 lần trước khi nuốt.

31- Vị nữ khất sĩ không nên nói chuyện trong bữa ăn.

32- Vị nữ khất sĩ không nên nhai hoặc húp lớn tiếng.

33- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  le  lưỡi  liếm  thức  ăn trong bát, đĩa hoặc há miệng quá to để ăn.

34- Vị nữ khất sĩ khi ăn cơm quá đường không nên đặt bát không xuống khi những người lớn tuổi tu hơn mình còn đang ăn.

35- Vị nữ khất sĩ không nên bỏ thừa thức ăn.

36- Vị nữ khất sĩ không nên đứng dậy giữa buổi ăn hoặc ăn xong rồi đứng dậy trước khi có chuông báo.

37- Vị nữ khất sĩ nên ăn ít vào buổi chiều để trong người được nhẹ và tránh mất thì giờ nấu nướng.

38- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  mua  những  loại  thực phẩm  như  trà,  bánh…  loại  thượng  hạng,  sang trọng, đắt tiền, trừ trường hợp đặc biệt.

39- Vị nữ khất sĩ nên giữ gìn bình bát một cách trân quý và không nên sử dụng hơn một bình bát.

40- Vị nữ khất sĩ không nên dùng muỗng đũa khua vào bình bát.

41- Vị nữ khất sĩ nên mặc y giáo phục chỉnh tề khi đi ra khỏi chùa.

42- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  ăn  mặc  xốc  xếch,  dơ bẩn.

43- Vị nữ khất sĩ nên mặc áo lót qua khỏi lưng quần.

44- Vị nữ khất sĩ nên mặc đồ kín đáo, không để thấy đồ lót bên trong.

45- Vị nữ khất sĩ không nên sử dụng loại ống vệ sinh khi bị bất tịnh.

46- Vị nữ khất sĩ nên bọc kín những băng vệ sinh đã sử dụng trước khi bỏ vào thùng rác.

47- Vị nữ khất sĩ nên phơi đồ lót nơi quy định.

48- Vị nữ khất sĩ không nên đùa giỡn hay nói chuyện khi mặc y phục.

49- Vị nữ khất sĩ không nên để móng tay dài hay dũa nhọn.

50- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  cắt  tỉa,  nhổ  hoặc  kẻ chân  mày.

51- Vị nữ khất sĩ không nên để cơ thể hôi hám nhiều ngày không tắm.

52- Vị nữ khất sĩ nên thường xuyên vận động để sức khỏe được tráng kiện.

53- Vị nữ khất sĩ phải nên học kỹ phương pháp bảo tồn tinh, khí và thần.

54- Vị nữ khất sĩ nên chải răng sau mỗi bữa ăn.

55- Vị nữ khất sĩ không nên đi qua đi lại nói chuyện, cười giỡn khi chải răng.

56- Vị nữ khất sĩ gặp ác mộng thì đừng ngủ lại ngay, nên ngồi dậy xoa bóp cho máu chảy đều hoặc bước ra ngoài đi thiền hành khoảng mười phút rồi vào ngủ lại.

57- Vị nữ khất sĩ không nên xá chào cho có lệ mà không có chánh niệm.

58- Vị nữ khất sĩ nên chắp tay sen búp xá mỗi khi nhận một phẩm vật do người khác trao cho.

59- Vị nữ khất sĩ không nên liếc mắt nhìn qua nhìn lại mà nên tập nhìn thẳng.

60- Vị  nữ  khất  sĩ  khi  lạy  năm  vóc  phải  sát  đất  và quán chiếu trong tư thế phủ phục mà không nên lạy một cách máy móc.

61- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  đại  tiểu  tiện  gần  chỗ tháp miếu, chỗ trống trải không có vật ngăn che, trong vườn rau hay vào dòng nước chảy.

62- Vị nữ khất sĩ nên gõ cửa ba tiếng thật khoan thai trước khi vào phòng người khác.

63- Vị  nữ  khất  sĩ  không  nên  để  giày  dép  bừa  bãi, không ngay hàng thẳng lối.

64- Vị nữ khất sĩ nên sắp xếp gọn gàng mọi thứ sau khi sử dụng xong.

65- Vị nữ khất sĩ không nên ngâm quần áo lâu ngày mà  không  chịu  giặt  và  phơi  cất  để  tránh  cho quần áo khỏi bị mục rách sớm.

66- Vị nữ khất sĩ không nên đến pháp đường trước để giành chỗ ngồi.

67- Vị nữ khất sĩ mỗi khi ngồi thiền xong, nên sắp tọa cụ và bồ đoàn lại cho ngay thẳng. Khi sửa bồ đoàn, tọa cụ thì nên quỳ xuống dùng tay, không nên dùng chân.

68- Vị nữ khất sĩ nên thở ba hơi thật sâu theo bài kệ thỉnh chuông trước khi thỉnh chuông, kiểng hay khánh.

69- Vị nữ khất sĩ khi nghe chuông thỉnh lên thì dừng lại mọi tư duy, nói năng và hành động để thực tập hơi thở chánh niệm.

70- Vị nữ khất sĩ phải tôn trọng thời khóa của đại chúng, có mặt đầy đủ và đúng giờ để làm gương cho các bạn đồng tu.

71- Vị nữ khất sĩ không nên vào pháp đường sau vị pháp sư và giữa pháp thoại bỏ ra ngoài.

72- Vị  nữ  khất  sĩ  khi  nghe  pháp  thoại  dù  là  băng giảng cũng nên ngồi nghiêm trang bằng tất cả sự cung kính.

73- Vị  nữ  khất  sĩ  khi  nghe  chuông  điện  thoại  nên phát khởi chánh niệm, theo dõi hơi thở ít nhất ba lần rồi mới cầm máy lên nói.

74- Vị nữ khất sĩ khi nghe điện thoại phải ngồi ngay ngắn, không nên nói quá to hoặc đùa giỡn.

75- Vị  nữ  khất  sĩ  chỉ  nên  dùng  điện  thoại  để  nói những điều cần thiết và sử dụng ái ngữ.

76- Vị  nữ  khất  sĩ  khi  nghe  người  ở  đầu  dây  điện thoại bên kia nói những chuyện không cần thiết thì dùng lời nhã nhặn xin lỗi trước khi gác ống nghe.

77- Vị nữ khất sĩ không nên sử dụng điện thoại di động trong giờ ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, họp chúng hay trong lớp học.

78- Vị nữ khất sĩ không nên vừa tắm vừa hát, đọc kinh, nói lớn tiếng hay đùa giỡn.

79- Vị nữ khất sĩ trong khi làm bếp hoặc chấp tác cũng thực tập chánh niệm giống như ngồi thiền hay  thực  tập  các  pháp  môn  khác.  Cần  duy  trì chánh niệm, đi đứng khoan thai, không vội vã hấp tấp.

80- Vị nữ khất sĩ được tăng thân giao cho một công tác đặc biệt, đừng nên cho đó là quyền hành, hay cho  công  việc  của  mình  quan  trọng  hơn  công việc  của  người  khác.  Nên  biết  tất  cả  các  công việc phục vụ cho tăng thân đều quan trọng như nhau.

81- Vị nữ khất sĩ nhận lãnh một công việc dù rất đặc biệt, không nên lấy cớ đó mà bỏ những giờ sinh hoạt  khác.

82- Vị nữ khất sĩ nhận lãnh một công việc dù rất đặc biệt, cũng phải làm trong thảnh thơi.

83- Vị nữ khất sĩ nên thực tập nói lời từ chối khi cảm thấy khả năng hay tình trạng sức khỏe của mình không thể kham lãnh thêm công việc, đừng vì sợ phiền lòng mà lãnh lấy để rồi lo âu, mệt mỏi và chán  nản.

84- Vị nữ khất sĩ khi học hỏi những giáo điển siêu việt và uyên áo, phải thường tự hỏi làm sao áp dụng được giáo lý này vào đời sống hằng ngày để chuyển hóa đau khổ và đạt tới sự giải thoát.

85- Vị nữ khất sĩ không nên chỉ đọc sách vở và kinh điển  mà  không  thực  tập  những  pháp  môn  căn bản và cốt tủy của đạo Bụt để chuyển hóa phiền não và tập khí.

86- Vị nữ khất sĩ nên đọc thêm những sách về lịch sử các nền văn minh trên thế giới, về đại cương lịch sử và giáo lý các tôn giáo, về đại cương tâm lý học áp dụng và về đại cương những khám phá hiện đại nhất trong lĩnh vực khoa học, vì những kiến thức ấy có thể giúp mình hiểu và diễn bày giáo lý cho đời một cách khế cơ.

87- Vị nữ khất sĩ chỉ nên xin rời chúng đi tu học nơi khác khi thấy hoàn cảnh hiện tại của mình không có đủ điều kiện cho sự tiến tu. Nên chọn một tu viện mà trong đó có tăng thân tu học hài hòa và hạnh  phúc.

88- Vị nữ khất sĩ không nên hờn mát, đột nhiên không nói chuyện với người khác mà không cho người đó biết mình đang có cơn giận.

89- Vị  nữ  khất  sĩ  khi  thấy  cơn  giận  bắt  đầu  phát khởi,  thì  phải  dừng  lại  mọi  nói  năng  và  hành động để quay về hơi thở chánh niệm, đừng tiếp tục  nghe  và  chú  ý  tới  người  mà  mình  cho  là nguyên do của cơn giận. Nếu cần thiết, có thể đi ra ngoài để thực tập thiền hành và quán chiếu để thấy được nguyên nhân chính là hạt giống giận hờn ở nơi mình.

90- Vị  nữ  khất  sĩ  phải  nguyện  hết  lòng  nương  tựa tăng,  tin  tưởng  ở  tuệ  giác  của  tăng  thân  trong việc  đi  tới  những  quyết  định  và  giải  pháp  cần thiết. Ý thức rằng cái thấy biết của tăng thân lớn hơn cái thấy biết của mỗi người trong chúng.

91- Vị nữ khất sĩ trong khi chấp tác hay tu tập nếu có khó khăn nên chia sẻ cùng các bạn đồng tu mà không  giấu  diếm,  để  được  nâng  đỡ  và  ôm  ấp trong tình thương của đại chúng.

92- Vị nữ khất sĩ nên có một đệ nhị thân là nữ xuất gia để chăm sóc và nâng đỡ, cũng như mình là đệ nhị thân của một nữ xuất gia khác để được vị này chăm sóc và nâng đỡ.

93- Vị nữ khất sĩ không nên đi ra khỏi chùa vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải thưa trình  cho  đại  chúng  biết  và  phải  có  một  vị  nữ xuất gia khác cùng đi theo.

94- Vị nữ khất sĩ nên mang một y lễ phục khi đi ra ngoài cách đêm.

95- Vị nữ khất sĩ không nên vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, nói chuyện huyên thuyên, đùa giỡn, xem  bản  đồ  hoặc  chạy  xe  song  song  với  một người khác để nói chuyện.

96- Vị nữ khất sĩ khi lái xe phải nhớ mang theo bằng lái và giấy tờ xe.

97- Vị nữ khất sĩ khi lên xe phải vén gọn tà áo và cài dây an toàn.

98- Vị nữ khất sĩ không nên chạy xe quá tốc độ cho phép.

99- Vị nữ khất sĩ không nên bóp còi để trách móc xe khác.

100- Vị nữ khất sĩ lái xe đường xa nếu thấy buồn ngủ hoặc hơi mệt thì nên đổi người lái. Nếu không có người lái thế thì dừng lại để nghỉ ngơi cho đến khi thực sự tỉnh táo. Nên nhớ sinh mạng người ngồi trên xe nằm trong sự thận trọng của mình.

101- Vị nữ khất sĩ không nên tỏ thái độ chê bai hàng hóa,  chê  đắt  hay  mua  rồi  trả  lại,  trừ  khi  có  sự đồng ý trước của người bán.

102- Vị nữ khất sĩ không nên mua chịu, hoặc kỳ kèo trả giá.

103- Vị nữ khất sĩ đã hứa mua hàng cho người này rồi thì không được vì thấy bên kia rẻ hơn mà không mua.

104- Vị nữ khất sĩ không nên vào chỗ bán sách báo và tranh ảnh độc hại.

105- Vị nữ khất sĩ không nên đùa giỡn với người bán hàng.

106- Vị nữ khất sĩ khi ra phố gặp một vị tôn túc phải dừng lại chắp tay hỏi thăm, hoặc gặp một người xuất gia đạo khác cũng nên làm như thế.

107- Vị nữ khất sĩ không nên la cà nơi nhà cư sĩ hay phố thị để nói chuyện phiếm hay ăn quà bánh.

108- Vị nữ khất sĩ nên chít khăn khi đến tự viện của nam khất sĩ hay nơi phố chợ, lễ hội.

109- Vị nữ khất sĩ không nên về thăm gia đình thường xuyên.  Có  thể  viết  thư  về  gia  đình  để  chia  sẻ hạnh phúc và sự tu học của mình để gia đình có thêm đức tin và hạnh phúc.

110- Vị nữ khất sĩ không nên kể về những khó khăn gặp phải trong đời sống xuất gia để gia đình khỏi bận lòng, lo lắng.

111- Vị nữ khất sĩ khi góp mặt giải quyết những tình trạng khó khăn của gia đình nên sử dụng năng lượng tâm linh và các phép lắng nghe, ái ngữ.

112- Vị nữ khất sĩ về thăm gia đình không nên xin hết cái này đến cái khác. Được gia đình hiến tặng vật gì thì nên chia sẻ với tăng thân.

113- Vị nữ khất sĩ khi tiếp chuyện với người cư sĩ đến chùa nên từ chối không tham dự vào những câu chuyện thị phi ngoài đời, trái lại chỉ lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của họ, rồi căn cứ trên kinh  nghiệm  thực  tập  của  mình  mà  cống  hiến cho họ những pháp môn có thể chuyển hóa được bản thân cũng như gia đình và xã hội.

114- Vị nữ khất sĩ khi tiếp chuyện với người cư sĩ đến chùa nên cương quyết từ chối không lắng nghe những lời đàm tiếu về các vị xuất gia và các đạo tràng  khác.

115- Vị nữ khất sĩ không nên chỉ tìm cách thân cận gần  gũi với người có chức quyền,  giàu  có  hay nổi tiếng.

Các vị đại đức! Tôi đã tuyên thuyết xong một trăm mười  lăm  giới  Uy nghi  (Chúng  học). Vị  nữ  khất  sĩ nào phạm vào một trong một trăm mười lăm giới ấy thì nên biết là sự thực tập của mình còn yếu kém, cần phải phát tâm hối quá và hứa với thầy Y chỉ là mình sẽ thực tập vững chãi hơn.

Nay xin hỏi các vị đại đức: Đối với một trăm mười lăm  giới  Uy  nghi ấy  trong  đại  chúng  có  sự  thực  tập vững vàng không? (ba lần)

Các  vị  đại  đức  im  lặng,  vì  thế  tôi  biết  trong  đại chúng có sự thực tập vững vàng. Điều này chúng ta ý thức, ghi nhận và thông qua. (C)

Phương  pháp  Diệt  trừ  tranh  chấp
(Diệt  tránh)

Các vị đại đức! Đây là bảy phương pháp Diệt trừ tranh  chấp (Diệt  tránh),  mỗi  nửa  tháng  tụng  một  lần.

1- Nếu cần một buổi họp của tăng thân với sự có mặt của các đương sự trong vụ tranh chấp để các vị này có thể nói ra những oan ức và đau khổ của mình, để tăng thân thực tập lắng nghe với tâm từ bi và để làm cho nhẹ bớt những khổ đau của hai bên đương sự, thì tổ chức một buổi họp như thế để giải quyết tranh chấp.

2- Nếu cần tổ chức một buổi họp để khuyến khích các  đương  sự  nhớ  lại  và  nói  ra  những  điều  gì mình đã thấy, đã nghe và đã nghĩ về cuộc tranh chấp theo phương pháp ái ngữ và lắng nghe, thì tổ chức một buổi họp như thế để giải quyết tranh
chấp.

3- Nếu cần tổ chức một buổi họp để tuyên bố xác định đương sự trong quá khứ đã trải qua một cơn khủng hoảng tâm lý hay có bệnh tâm thần cho nên không biết là mình đã gây khó khăn và khổ đau cho kẻ khác, bây giờ hết khủng hoảng mà không  còn  nhớ  lại  được,  thì  tổ  chức  một  buổi họp như thế để giải quyết tranh chấp.

4- Nếu cần tổ chức một buổi họp để các đương sự có cơ hội tự tỉnh, sử dụng ái ngữ nói lên sự vụng về thiếu chánh niệm và sự hối tiếc của mình để người kia cũng làm được như thế trong một cuộc thực tập xuống thang tranh chấp, thì tổ chức một buổi họp như thế để giải quyết tranh chấp.

5- Nếu cần tổ chức một buổi họp để chỉ định một ủy ban điều tra và nghiên cứu về nguyên ủy và bản chất của vụ tranh chấp rồi trình cho đại tăng giải quyết, thì tổ chức một buổi họp như thế để giải quyết tranh chấp.

6- Nếu cần tổ chức một buổi họp với mục đích lấy quyết định của đa số để giải quyết một vụ tranh chấp đã kéo dài quá lâu mà chưa giải quyết được, thì tổ chức một buổi họp để lấy quyết định của đa số mà giải quyết tranh chấp. Giải quyết xong rồi thì không được đề cập trở lại.

7- Nếu  cần  tổ  chức  một  buổi  họp  có  mặt  các  vị Trưởng lão và nhờ các vị Trưởng lão tuyên bố ân xá cho tất cả, khuyến khích mọi người lấy từ bi mà diệt trừ hiềm hận, như lấy rơm phủ bùn, thì tổ chức một buổi họp như thế để giải quyết tranh chấp.

Các vị đại đức! Tôi đã tuyên thuyết xong bảy phương pháp  Diệt  trừ  tranh  chấp.

Nay  xin  hỏi  các  vị  đại  đức:  Đối  với  bảy  phương pháp ấy, trong đại chúng có học hỏi, áp dụng và thực tập không? (ba lần)

Các  vị  đại  đức  im  lặng,  vì  thế  tôi  biết  trong  đại chúng có học hỏi, áp dụng và thực tập. Điều này chúng ta ý thức, ghi nhận và thông qua. (C)

Kết  Thúc

Các vị đại đức! Tôi đã tuyên thuyết xong 348 giới của nữ khất sĩ, trong đó có tám giới Rơi rụng, ba mươi sáu giới Tăng thân giải cứu, bốn mươi giới Buông bỏ và  Phát  lộ,  một  trăm  bốn  mươi  hai  giới  Phát  lộ,  một trăm mười lăm giới Uy nghi và bảy phương pháp Diệt trừ tranh chấp. Tôi xin cảm tạ chư vị đại đức đã yểm trợ cho tôi thuyết giới một cách thanh tịnh.

(Trường hợp có duyên sự đặc biệt, không thể tụng hết 348 giới thì có thể kết thúc: Các vị đại đức! Tôi đã lược thuyết xong giới của nữ khất sĩ, trong đó có tám giới Rơi rụng và ____  giới (liệt kê những giới đã tụng ngày hôm nay). Các giới khác, xin đại chúng các vị nữ khất sĩ nên tự đọc tụng và học hỏi để cho sự hành trì giới luật của chúng ta càng ngày càng thêm sâu sắc và lớn rộng. Tôi xin cảm tạ chư vị đại đức đã yểm trợ cho tôi thuyết giới một cách thanh tịnh.)

Các  vị  đại  đức!  Giờ  đây  tôi xin  thuyết  tụng  bốn phép Nương  tựa  và  bốn  cách  Xử  sự  thiết  yếu  của  nữ khất sĩ mà đức Như Lai đã chế tác và chúng ta đã được tiếp nhận từ giáo đoàn nguyên thỉ. Xin các vị hãy hết lòng lắng nghe và cố gắng hành trì.

Bốn  phép  Nương  tựa:

1- Vị nữ khất sĩ phải nương vào chiếc áo ca sa của mình như chim nương vào đôi cánh.

2- Vị nữ khất sĩ phải nương vào bình bát để khất thực, thực tập hạnh khiêm cung và có cơ hội tiếp xúc độ đời.

3- Vị nữ khất sĩ phải nương vào gốc cây, am lá hay tự viện làm chỗ dung thân, luôn luôn không lìa xa tăng thân.

4- Vị nữ khất sĩ phải nương vào các thứ cây cỏ và thực phẩm hiền lành, đơn giản để trị bệnh.

Bốn  cách  Xử  sự:

1- Vị nữ khất sĩ bị người khác nhục mạ thì không nhục mạ lại.
2- Vị nữ khất sĩ bị người khác giận thì không giận lại.
3- Vị nữ khất sĩ bị người khác đùa giễu thì không đùa giễu lại.
4- Vị nữ khất sĩ bị người khác đánh thì không đánh lại. (C)

+ Bụt  Tỳ  Bà  Thi đã  dạy:

Nhẫn nhục là hạnh đầu
Niết bàn là tối thượng
Làm đau buồn kẻ khác
Chẳng phải hạnh sa môn.

+ Bụt  Thi  Khí đã  dạy:

Người nào có mắt sáng
Tránh được lối hiểm nghèo
Bậc hiền nhân trên đời
Không đi vào nẻo ác.

+ Bụt  Tỳ  Xá  Phù đã  dạy:

Không phỉ báng, ganh ghét
Hành trì theo giới pháp
Ăn uống biết chừng mực
Tinh tiến sống tĩnh lặng
Đó là lời Bụt dạy.

+ Bụt Câu Lưu  Tôn đã  dạy:

Như ong đi thăm hoa
Không tổn hại sắc hương
Chỉ lấy vị mật ngọt
Vị khất sĩ ra ngoài
Cũng hành xử như thế
Không sa vào thế sự
Nhìn thẳng, bước uy nghi.

+ Bụt Câu  Na Hàm  Mâu  Ni đã  dạy:

Tâm không để buông lung
Vững đi trên đường thánh
Tâm trí chẳng lo buồn
Nhờ an trú chánh niệm.

+ Bụt  Ca Diếp đã  dạy:

Không làm các điều dữ
Chỉ làm những điều lành
Thanh lọc tâm ý mình
Là lời chư Bụt dạy.

+ Bụt Thích  Ca Mâu  Ni đã  dạy:

Bảo hộ thân và ngữ
Thanh lọc tâm ý mình
Nếu làm được như thế
Thì đạt tới vô sinh. (C)

Hồi  Hướng

Xin các vị đại đức chắp tay để chúng ta cùng tụng bài hồi hướng.

Tôn trọng và hành trì
Theo giới kinh mầu nhiệm
Buông bỏ được sanh tử
Thực chứng được niết bàn
Đạt niềm vui cứu cánh

Giới kinh nếu vẫn còn
Là Phật pháp vẫn còn
Tụng giới và hộ giới
Làm cho Bụt thường trú
Vĩnh viễn trong thế gian. (C)

Trì thuyết giới thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sanh mọi miền

Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)

Giới  Tăng  thân  giải  cứu
Phương  pháp  thực  tập  Biệt  trú,  Làm  mới và  Giải  tội

Nếu phạm giới Tăng thân giải cứu mà biết phát lộ ngay thì vị nữ khất sĩ chỉ cần thực tập mười lăm ngày Làm  mới  gọi  là  Ma-na-đõa  (Manatva)  và  sau  đó  thì được làm lễ Giải tội. Nếu che giấu thì sau khi phát lộ phải thực tập Biệt trú trong một thời gian đúng với thời gian che giấu, sau đó mới được thực tập mười lăm ngày Làm mới và Giải tội. Ví dụ che giấu 40 ngày thì phải thực  tập  Biệt  trú  40  ngày  trước  khi  bắt  đầu  thực  tập mười lăm ngày Làm mới.

Trong những ngày biệt trú, vị nữ khất sĩ phải sống trong một hoàn cảnh đơn sơ thiếu tiện nghi hơn thường nhật và làm việc tay chân nhiều hơn để được nhắc nhở là mình đang biệt trú. Trong thời gian biệt trú và làm mới, vị nữ khất sĩ này không được tiếp nhận sự lễ bái, không được có thị giả, không được thuyết pháp, không được  dự  pháp  đàm,  không  được  chấp  trì  các  chức  vụ như tri khách, tri sự…

Văn  Phát  lộ

Xin đại chúng lắng nghe cho con: Con là nữ khất sĩ ____  đã phạm giới  và con đã che giấu trong ____  ngày mà không phát lộ. Bây giờ con xin phát lộ để nhận phép thực tập Biệt trú ____  ngày, trước khi tiếp nhận sự thực tập mười lăm ngày Làm mới. Xin chư tôn đức mở lòng thương chứng minh cho con.

Văn báo cáo mỗi ngày trong thời gian thực tập  Biệt  trú

Xin đại chúng lắng nghe cho con: Con là nữ khất sĩ ____  đã phạm giới và con đã che giấu trong ____  ngày mà không phát lộ. Con đã được phép đại chúng cho thực tập Biệt trú ____  ngày trước khi tiếp nhận sự thực tập mười lăm ngày Làm mới. Con đã thực tập được tới ngày thứ ____ và con còn phải thực tập them ____  ngày nữa. Con rất ý thức là con đang thực tập Biệt trú. Xin chư tôn đức mở lòng thương chứng minh cho con.

Văn  xin  thực  tập  mười lăm  ngày  Làm  mới

Xin đại chúng lắng nghe cho con: Con là nữ khất sĩ ____  đã phạm giới  và con đã che giấu trong ____  ngày mà không phát lộ. Con đã được phép đại chúng cho thực tập Biệt trú ____  ngày và con đã hoàn tất thời gian biệt trú ấy. Nay con xin đại chúng cho phép con bắt đầu thực tập  mười  lăm  ngày  Làm  mới.  Xin  chư  tôn đức mở lòng thương và chứng minh cho con.

Văn  báo  cáo  mỗi  ngày  trong  thời  gian mười  lăm  ngày  Làm  mới.

Xin đại chúng lắng nghe cho con: Con là nữ khất sĩ ____  đã phạm giới ____  và con đã che giấu trong ____  ngày mà không phát lộ. Con đã được phép đại chúng cho thực tập Biệt trú ____  ngày và đã hoàn tất sự thực tập Biệt trú ấy. Con cũng đã được đại chúng cho thực tập mười lăm ngày Làm mới, và hôm nay là ngày thứ ____ của mười lăm ngày ấy. Con ý thức  là  con  đang  thực  tập  mười  lăm  ngày Làm mới trước khi làm lễ Giải tội. Xin chư tôn đức mở lòng thương và chứng minh cho con.

Văn  Giải  tội

Xin đại chúng lắng nghe cho con: Con là nữ khất sĩ ____  đã phạm giới và con đã che giấu trong ____  ngày mà không phát lộ. Con đã được phép đại chúng cho thực tập Biệt trú ____  ngày và nay con đã hoàn tất sự thực tập Biệt trú ấy và  mười  lăm  ngày  thực  tập  Làm  mới.  Bây giờ con xin chư tôn đức làm lễ Giải tội cho con. Kính xin chư tôn đức mở lòng thương và chứng minh cho con.

Giới  Buông  bỏ  và  Phát  lộ
Phương  pháp  sám  hối  trước  toàn  thể  đại chúng  hay  trước  ba,  hoặc  hai  vị  đại  diện của  tăng  đoàn

Vị nữ khất sĩ trình bày vật dụng hoặc ngân khoản phải được buông bỏ và giao trả cho tăng thân và nói:

–  Xin  đại  chúng  lắng  nghe  cho  con.  Con  là  nữ khất sĩ ____  đã phạm giới khi nắm giữ và sử dụng những vật dụng hay của cải này. Nay con xin buông bỏ và trao lại cho tăng thân.

Vị nữ khất sĩ trao lại những vật dụng hoặc của cải đó cho một vị nữ khất sĩ đại diện tăng thân, rồi nói:

–  Xin  đại  chúng  lắng  nghe  cho  con.  Con  là  nữ khất sĩ  ____ đã phạm giới khi nắm giữ và sử dụng những vật dụng và của cải này. Con đã buông bỏ và giao trả cho tăng thân để tăng thân tùy nghi phân phối cho đại chúng sử dụng, hay nếu cần thì tiêu hủy. Con xin được phát lộ sám hối và hứa sẽ không làm như thế nữa. Xin chư tôn đức mở lòng thương chứng minh cho con.

Vị nữ khất sĩ đại diện tăng thân đáp:

–  Đại đức ____  đã biết hối cải, phát lộ và sám hối. Đại đức đã được thanh tịnh trở lại.
Theo: http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/gi-i-lu-t/29-gii-t-kheo-ni/122-gbtt-t-kheo-ni-toan-tp
Bài viết khác