HUYỀN QUANG LÝ ĐẠO TÁI – KẾT QUẢ CỦA SỰ TƯƠNG TÁC  GIỮA CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ 

    Nguyễn Quang Khải

(Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh)

 

 Đặt vấn đề

 Người ta thường nói, ở Việt Nam có hiện tượng “tam giáo đồng nguyên” và “tam giáo đồng qui”. Nhưng những thành tố của tổ hợp “đồng nguyên”, “đồng qui” ấy tác động với nhau như thế nào trong một con người để trở thành hợp lực tạo nên cốt cách riêng biệt của con người đó thì ít người bàn đến. Mặt khác, chẳng riêng gì Việt Nam, tại Trung Quốc, Triều Tiên cũng có hiện tượng “tam giáo đồng nguyên” hay “đông qui”, nhưng cốt cách của tầng lớp chịu sự tác động của sự “đồng qui” này ở những quốc gia đó lại có nhiều điểm không giống với giới trí thức phong kiến Việt Nam. Phải chăng, ngoài quá trình chịu sự tương tác của Nho- Phật- Đạo, giới trí thức phong kiến Việt Nam còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống văn hoá dân tộc. Với hướng suy nghĩ đó, trong bài viết này, chúng tôi thử bàn về kết quả của sự tương tác giữa Nho- Phật- Đạo, của  truyền thống văn hoá Việt Nam, của văn học nghệ thuật đương thời đối với một trường hợp cụ thể trong một triều đại cụ thể, đó là Huyền Quang Lý Đạo Tái dưới triều Trần, để từ đó làm rõ kết quả tương tác của các giá trị văn hoá đối với một con người cụ thể như thế nào. Nguồn tư liệu chúng tôi sử dụng trong bài này là các văn bia “Đệ tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng”, “Tam tổ bảo tháp” hiện đang được lưu giữ tại chùa Đại Bi xã Thai Bảo huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh và một số trước tác của Huyền Quang.

  1. Thời Trần và sự tích hợp các giá trị văn hoá

Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, triều Trần là một trong những vương triều có nhiều công lao to lớn trong lịch sử dân tộc. Điều đó được thể hiện trên các mặt sau.

Một là, trong sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Với chiến công hiển hách ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên- Mông vào các năm 1258, 1285, 1288, quân dân, vua tôi nhà Trần đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ nền độc lập tự chủ đất nước.

Hai là, nhà Trần có nhiều đổi mới về chính sách phát triển kinh tế.

Trước hết, đối với sản xuất nông nghiệp, tiếp tục cho đắp đê Đỉnh Nhĩ, đắp đê ở Thanh Hoá, đào sông Bạch Mã, vét sông Tô Lịch, đào kênh từ Thanh Hoá, Nghệ An ra cửa biển Hà Hoa, bán ruộng công cho dân làm ruộng tư, cho phép vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần được lập điền trang, thi hành chính sách hạn điền, thống kê ruộng đất để cấp sổ ruộng cho dân,… Trong thủ công nghiệp, thấy xuất hiện nghề khắc ván in và nghề in, nghề khắc gỗ, làm con dấu.

 Thương nghiệp cũng rất phát triển. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, chúng ta biết, vào thời điểm này, ở Vân Đồn đã có nhiều người dân chuyên làm nghề buôn bán và thuyền buôn nước ngoài đã tụ tập nhiều ở Vân Đồn. Nhà nước còn qui định thống nhất thước đo gỗ lụa.

Trong chính sách tiền tệ, nhà nước đã cho đúc tiền kẽm và phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao” gồm 7 loại. Trong chính sách thuế, Nhà nước bắt đầu đánh thuế thuyền buôn và định lại các loại thuế ruộng.

Ba là, trong công tác tổ chức Nhà nước, nhà Trần đã tiến hành hàng loạt các cải cách: chia nước ra làm 12 lộ, chia thành Thăng Long làm 61 phường, định các phường ở hai bên tả hữu kinh thành, đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, đổi đơn vị giáp thành hương, đổi tên châu Ô và châu Lý thành Thuận châu và Hoá châu, định lại các lộ phủ ở Diễn châu, Hoan châu và Lâm Bình; thay đổi tên gọi một số cơ quan chuyên môn: đổi Ty Bình bạc ở kinh sư làm An Phủ sứ, Ty Hành khiển làm Môn Hạ sảnh, Nội thư hoả cục làm Nội Mật viện, đổi Viện Đăng văn kiểm pháp là Thượng lãm tự; làm sổ dân đinh ở các lộ phủ; định chế độ lương bổng cho các quan, qui định thể lệ chứng chỉ vào các chúc thư văn khế vay mượn ruộng đất, qui định dân lương thiện bị bán làm nô tì được phép chuộc lại, qui định hạn chế việc dùng gia nô, ban hành bộ “Hoàng triều đại điển” và “Hình thư”. Nhà Trần còn qui định phẩm phục của các quan văn võ và hoạn quan.

Về giáo dục, triều Trần cũng có một số cải cách: qui định tổ chức các kỳ thi Thái học sinh và đặt ra học vị kinh Trạng nguyên và trại Trạng nguyên, dựng Viện Quốc học, dựng nhà Giảng võ, thi lại viên để tuyển vào làm việc tại các sảnh  viện.

Trong chính sách đối với tín ngưỡng tôn giáo, nhà Trần cho phát triển cả Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng bản địa, như cho xây, sửa chữa nhiều chùa lớn, trong một tháng cho đúc 330 quả chuông, tô tượng Phật để thờ ở các đình trạm, đắp tượng Thánh Hiền, cho đạo sĩ người Trung Quốc được cư trú và hành đạo ở kinh đô,…

Từ những trình bày sơ lược trên đây, chúng ta thấy được triều Trần có nhiều đổi mới trong chính sách trị nước của mình. Những chính sách đổi mới đó đã góp phần làm nên sự cường thịnh của triều đại và tạo điều kiện tốt để kế thừa và tích hợp đươc các giá trị văn hoá của truyền thống và của thời đại.

Với nội lực mạnh, triều Trần tiếp tục duy trì và phát huy giá trị văn hoá của truyền thống và không ngừng mở rộng tiếp thu các giá trị văn hoá từ bên ngoài nhằm xây dựng một nền văn hoá dân tộc phong phú và đa dạng.

Về kiến trúc, điêu khắc, bên cạnh những công trình kiến trúc có phong cách của các triều đại phong kiến Trung Quốc, của thời Lý, chúng ta còn thấy có những ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Chính vì vậy nghệ thuật kiến trúc thời Trần được thể hiện với nét phong phú và độc đáo của nó. Với chính sách đổi mới này, ngày nay chúng ta còn có thể được chiêm ngưỡng trên nhiều chi tiết của công trình trùng tu tôn tạo tại tháp Phổ Minh (Tức Mặc, Nam Định), tháp Bình Sơn (Lập Thạch, Vĩnh phúc), vì nóc chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), bức cánh cửa chùa Phổ Minh, con hổ trong lăng Trần Thủ Độ, tấm bia tại chùa Thị Đức (Gia Lộc, Hải Dương), một số đầu bẩy chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), ba pho tượng Tam thế chùa Ngọc Khám (Thuận Thành, Bắc Ninh), bệ đá tại các chùa Hương Trai (Hà Nội), Xuân Lũng (Phú Thọ), Ngọc Đình, Bối Khê (Hà Nội),…

Về hội hoạ, chúng ta cũng thấy triều Trần chịu ảnh hưởng nhiều phong cách vẽ tranh thờ của Trung Quốc cổ đại. Đó là bộ tranh “Thất thập nhị hiền” theo đề tài Nho giáo và tranh vẽ chân dung một số công thần của triều đình có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Nguyên- Mông.

Trong nghệ thuật làm đồ mỹ nghệ, ở thời Trần, nhiều mặt hàng mỹ nghệ chạm khắc vàng bạc mang phong cách của nghệ thuật chạm khắc Trung Hoa cổ  đã đạt đến độ tinh xảo, được triều đình chọn làm quà tặng cho hoàng đế Trung Hoa. Đồ gốm tráng men với hình dáng đa dạng và nét trang trí kế thừa của thời Lý nhưng đã đổi mới hơn, cũng thấy xuất hiện vào thời Trần.

Trong giáo dục, trên cơ sở tiếp thu thành tựu giáo dục của các triều đại phong kiến Trung Quốc, triều Trần đã cắm dấu mốc quan trọng trong lịch sử giáo dục của nước ta, đó là đã định ra các kỳ thi Thái học sinh và xác định học vị Trạng nguyên.

Trong lĩnh vực tôn giáo, trên cơ sở kế thừa tư tưởng và phương pháp hành đạo của các dòng Thiền đã có, như dòng Vô Ngôn Thông, dòng Lâm Tế, các tăng sĩ cao cấp- với sự tham gia tích cực của bản thân các vị hoàng đế và giới quí tộc, trí thức- đã sáng lập ra một Thiền phái mới, rất Việt Nam, đó là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo ra điểm nhấn quan trọng của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh Phật giáo, Đạo giáo cũng được triều Trần tạo điều kiện hoạt động và Phát triển

Như vậy, sự tích hợp văn hoá của thời Trần, xét về ý nghĩa khách quan, là sự phản ánh quá trình tự vượt lên chính mình về mặt văn hoá của dân tộc Việt. Sự tích hợp đó cũng phản ánh nhu cầu cần đổi mới của thời đại.

  1. Trong quá trình tích hợp văn hoá, chúng ta thấy có hiện tượng tương tác giữa các giá trị văn hoá.

Sự tương tác xét theo mối quan hệ Nho- Phật- Đạo- quản lý xã hội- tín ngưỡng dân gian- văn hoá truyền thống- Văn học nghệ thuật. Trong mối quan hệ tương tác này, Nho đóng vai trò chủ đạo.

Nếu thời Lý, Phật giáo có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội thì đến thời Trần, vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị đã không còn như trước. Nhà vua đã bắt đầu tuyển quan lại bằng con đường thi cử. Các môn thi không phải là thi Tam giáo như thời Lý mà nội dung các môn thi được lấy từ kinh điển Nho giáo. Vì vậy, cách tuyển chọn quan lại đương nhiên là theo quan điểm Nho giáo. Về phía mình, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, các trường học cũng phải từng bước cải cách chương trình theo hướng Nho giáo hoá.

Cũng xuất phát từ nền học vấn Nho giáo, các tăng sĩ và đạo sĩ phải học và dạy kinh điển của tôn giáo mình bằng chữ Hán (văn tự khối vuông); mô hình trường lớp cũng theo mô hình trường lớp của Nho giáo; viết ngữ lục bằng chữ Hán, các hoành phi, câu đối, cuốn thư, cách đặt tên chùa… đều được thể hiện bằng chữ Hán, và như vậy, nội dung tư tưởng của các tác phẩm đó, các tên gọi đó đều ít nhiều có chịu ảnh hưởng của Nho. Rõ ràng, Nho giáo đã tác động đến Phật giáo không nhỏ.

Về phía mình, Phật giáo cũng tác động trở lại tư tưởng Nho, lập trường Nho, nếp sống Nho,… không ít. Đó là nếp sống, lối sống, lối tư duy của mỗi cá nhân trong gia đình, trong xã hội. Nếu Nho dạy người ta phải đề cao trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội, đối với quốc gia mà ít dạy người ta suy nghĩ về tiểu sự thì Phật giáo thường dạy con người đặt sự chú ý đến những cái rất nhỏ; nếu Nho chỉ dạy con người rèn đức rèn trí với mục đích để làm quan, phục vụ xã hội thì Phật giáo còn chú ý dạy con người biết luyện tập dưỡng sinh bằng cách đếm hơi thở, tập yoga với mục đích làm cho thân thể được khoẻ mạnh, khoan khoái. Với những cách hành đạo trên đây, Phật giáo có tác dụng làm cân bằng trong tư duy của mỗi người mà Nho giáo thường hay thiên lệch. Có thể nói tác động của Phật đến Nho là tác động không trực tiếp nhưng có tác dụng thiết thực và cụ thể.

Ảnh: Đệ Tam Tổ Huyền Quang

Đối với Đạo giáo cũng có hiện tượng tương tự như vậy.

Đối với tín ngưỡng dân gian, sau khi ở các làng xã có các vị trí thức Nho học hoặc những vị quan lại có trình độ học vấn Nho học về làng, việc tế lễ tại các cơ sở tín ngưỡng cộng đồng hoặc việc tế tự tại tư gia đều được thực hiện theo mô thức Nho. Nhưng tín ngưỡng dân gian và phong tục tập quán của người dân lại có tác dụng làm bình dân hoá Nho giáo ở mức độ nhất định; Phật giáo tác động vào tín ngưỡng dân gian làm xuất hiện hiện tượng “Thích Ca hoá” và “Quan Âm hoá” một số hoạt động tín ngưỡng dân gian. Về phía mình, tín ngưỡng dân gian tác động đến Phật giáo chủ yếu là tác động vào việc hoạt động thờ tự. Tại nhiều ngôi chùa, hiện tượng một số đối tượng thờ tự vốn không phải là của Phật giáo có mặt ở đây, có thể mới có từ đời Trần.

Sự tác động của Nho, Phật, Đạo đến văn học nghệ thuật có tác dụng làm cho các phẩm đó thêm phong phú về đề tài, mở rộng vốn từ và làm thiêng hoá các giá trị thẩm mỹ. Ngược lại, văn học nghệ thuật tác động đến Nho, Phật, Đạo bằng cách lấy chủ đề Nho, Phật, Đạo làm cảm hứng sáng tác sẽ có tác dụng làm thi vị hoá không gian thờ tự, làm đời thường hoá những tín điều vốn rất khô khan của các tôn giáo này, …

Sự tác động của Nho, Phật, Đạo, tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật đến nếp sống hàng ngày của người dân có tác dụng chuẩn tắc hoá một số sinh hoạt thường nhật của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi thôn làng. Ngược lại, cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi thôn làng làm cho những tín điều, chuẩn tắc của các tôn giáo, trở nên dân gian hoá, và vì vậy, chúng có sức sống lâu dài.

Những tương tác trên đây diễn ra một cách tự nhiên, nhưng cũng chịu tác động của hoàn cảnh sống, của chế độ xã hội. Sự tương tác có thể dẫn tới kết quả như thế nào đối với sự phát triển của xã hội và của mỗi cá nhân còn tuỳ thuộc vào khả năng nhận thức và sử dụng các tương tác đó.

  1. Huyền Quang Lý Đạo Tái- kết quả của sự tương tác giữa các giá trị văn hoá.

Theo văn bia “Đệ tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng” do Phó bảng   Nguyễn Phẩm người thôn Vạn Ty xã Thái Bảo huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh soạn vào năm Tự Đức thứ 18 (1865) hiện được bảo quản tại chùa Đại Bi xã Thái Bảo huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh thì Lý Đạo Tái sinh năm Giáp Dần, niên hiệu Nguyên Phong thứ 4 (1254) trong một gia đình dòng dõi khoa bảng tại làng Vạn Ty, là con cầu tự ở chùa Ngọc Hoàng, được sinh ra trong khung cảnh khác thường mà đọc các bản thần tích của nhiều làng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng chúng ta thường gặp, lớn lên thông minh khác thường. 21 tuổi thi đỗ Trạng nguyên, được vua gả công chúa cho nhưng không lấy. Sau khi dự những buổi thuyết pháp của thiền sư Pháp Loa, ngài xin xuất gia, được Trúc Lâm Đại sĩ Điều ngự hoàng đế yêu mến và giao cho soạn bộ “Chư phảm kinh” và được ban khen. Năm Quí Mão niên hiệu Hưng Long thứ 11 (1303) ngài về quê thăm cha mẹ và xây ngôi cùa ở phía Tây ngôi nhà cũ của mình, đặt tên là chùa Đại Bi, rồi lại trở về chùa Vân Hoa. Năm Quí Sửu niên hiệu Hưng Long thứ 21 ( 1313), ngài gặp nạn Điểm Bích, nhưng bằng tài năng và đức độ của mình, ngài đã giải được mối oan khuất. Sau, ngài về trụ trì chùa Côn Sơn huyện Chí Linh. Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất niên hiệu Khai Hựu thứ 6 đời Trần Hiến Tông (1334), ngài thị tịch ở đây, thọ 81 tuổi.

Văn bia thứ hai mà chúng tôi tìm đọc là “Đệ Tam tổ bảo tháp” hiện cũng được lưu giữ trong khuôn viên chùa Đại Bi (gần văn bia “Đệ Tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng” phần đầu có nội dung gần giống như văn bia “Đệ Tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng”, nhưng có thêm chi tiết tượng ngài ở chùa Côn Sơn có tàng xá lị ngài và gặp năm hạn hán, dân xã Chi Ngại xoa rước tượng ngài cầu đảo xin mưa gió thì thấy ứng nghiệm, tượng đưa đi đến đâu, ở đó có mưa gió, xá lị bèn hiện ra,…

Theo văn bia “Đệ Tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng” thì văn bia này được soạn ra căn cứ vào sách “Thực lục” mà năm đầu niên hiệu Tuyên Đức (1426) Hoàng Phúc đã lấy về Trung Quốc và đã trả lại cho ta vào năm 1548. Như vậy, những thông tin có ở văn bia này có thể tin cậy được.

 Theo nội dung văn bia, chúng ta thấy tư tưởng xuất phát, có ý nghĩa định hướng cho toàn bộ hoạt động thời kỳ thanh niên  của Huyền Quang là tư tưởng Nho giáo. Điều này được thể hiện ở chỗ, ông đã chọn cách tiến thân bằng con đương khoa bảng để thực hiện mong ước “trí quân trạch dân” và ông đã giành được kết quả mỹ mãn. Ý nghĩ xuất gia có lẽ chỉ chớm xuất hiện khi ngài có dịp tháp tùng vua Trần Nhân Tông đi vãng cảnh chùa và được xác định rứt khoát sau khi nghe thiền sư Pháp Loa thuyết pháp ở chùa Vĩnh Nghiêm (thuộc xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang). Ở đây, chúng ta thấy trong suy nghĩ của Huyền Quang có nhu cầu cần được bổ sung những khoảng trống trong kiến thức, trong phương pháp hành xử mà Nho giáo không thể khắc phục được. Trước mắt Huyền Quang khi đó, Phật giáo có đầy đủ khả năng thoả mãn được nhu cầu tiếp tục học tập của mình.

Nhưng Huyền Quang tiếp thụ giáo lý Phật giáo là tiếp thụ của tông phái nào? Chắc chắn là Thiền tông rồi. Nhưng Thiền tông thời Trần, cụ thể là Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử là sự kế thừa và phát triển của hai dòng Thiền vốn có từ thời Lý là Vô Ngôn Thông và Lâm Tế, mà hai dòng Thiền này có nhiều màu sắc Mật tông, Tịnh độ tông và tương đối đậm nét hình bóng của Nho. Là một trong tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm, chắc chắn Huyền Quang chịu ảnh hưởng rõ nhất của hiện tượng này. Sách “Đại Nam nhất thống chí” tập 3, trang 411 (NXB KHXH, H.1971) cho biết: chùa Dương Nham xã Dương Nham huyện Giáp Sơn tỉnh Hải Dương “gian giữa thờ Phật, gian bên tả thờ tượng Không Lộ, Đạo Hạnh và Huyền Quang, bên hữu thờ Trần Anh Tông”, cũng chứng tỏ ngài cùng đội hình với những người chịu ảnh hưởng của Mật tông (Không Lộ, Đạo Hạnh).

 Nhưng bóng dáng thiền sư ở vị Tam tổ này không đậm nét bằng bóng dáng của một vị pháp sư. Văn bia “Đệ Tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng” có đoạn:

 “Vua Trần (…) bèn mở hội vô già ở phía Tây thành, trên bàn bày lẫn lộn đồ chay đồ tạp rồi cho mời Tổ đến làm chủ lễ. Tổ biết mình bị người cung nữ kia bán rẻ, bèn ngửa mặt lên trời mà niệm chú. Tức khắc có đám mây đen xuất hiện, gió lớn nổi lên. Một lát sau thì yên. Bao nhiêu đồ tạp bay đi hết, chỉ còn lại đồ chay và hương hoa mà thôi”.

Đoạn văn bia này đã cho chúng ta biết ngài là một pháp sư thực thụ.  Như vậy, chúng ta thấy rằng trên mỗi giai đoạn trong cuộc đời của mình, Huyền Quang đều có ý thức tự hoàn thiện mình bằng cách tự trang bị những kiến thức của loài người mà thời đại ngài cần. Cái gọi là ‘tam giáo đồng qui” ở Huyền Quang Lý Đạo Tái là như vậy và động lực của sự “đồng qui” là nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại, cách thức của sự đồng qui là sự tự “đồng qui”, tự thâu nhận kiến thức.

Tuy nhiên, hậu thế nhìn nhận Huyền Quang không phải chỉ là hiện thân của “tam giáo đồng qui” mà ngưỡng mộ ngài vì ngài còn là một thi nhân tài hoa.

Thi phẩm mà Huyền Quang để lại cho đời không nhiều. Theo các nguồn thư tịch cổ, Huyền Quang có tập thơ “Ngọc tiên tập”, nhưng đã bị thất lạc. “Thơ văn Lý- Trần” (tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, H. 1989) căn cứ vào “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”, “Toàn Việt thi lục”, “Thiền tông bản hạnh” đã chép lại 24 bài thơ và một bài phú “Vịnh chùa Yên Hoa”. Đọc thơ ngài, chúng ta thấy nổi lên cảm hứng ca ngợi cái đẹp của một vị cao tăng ưa cuộc sống thanh nhàn và thích gần gũi với cỏ cây mây nước. Đọc bài “Tảo thu”, bài “Cúc hoa” (IV), người đọc nhận thấy đây là một bức tranh tả cảnh buổi tối đầu thu ở thôn quê thật đẹp và yên tĩnh; bài phú “Vịnh chùa Vân Yên” ca ngợi cảnh đẹp kỳ thú của ngôi chùa cổ. Đặc biệt, bài “Xuân nhật tức sự[1] (có người đã xác định  là thơ thiền đời Tống), chúng ta thấy dưới con mắt tinh tế của tác giả, ngày xuân trên đất Việt cái gì cũng đẹp, cũng đáng yêu. Ở đây có cô gái đẹp, việc làm đẹp, cảnh vật đẹp, tình cảm đẹp. Và tất cả cái đẹp đó được diễn tả với một cảm xúc đẹp của thiền sư.

Các bài “Ngọ thuỵ”, “Thạch thất”, “Trú miên”, “Đề Động Hiên đàn việt giả sơn”,… tư tưởng chủ đạo của bài thơ là ca ngợi thú thanh nhàn, ý thơ phiêu diêu thoát tục. Bên cạnh đó, các bài “Sơn vũ”, “Quá Vạn Kiếp”, “Hoa mai”, “Ai phù lỗ”… người đọc lại thấy ở đây tác giả còn nặng lòng lo đời, thương người, quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Với những bài thơ này, chân dung thiền sư dường như đã ẩn đi để lộ ra thực tướng của một nhà Nho ưu thời mẫn thế.

Với những bài thơ “Nhân sự đề Cửu Lan tự”, “Hoa cúc”, bài phú “Vịnh chùa Vân Yên”, tác giả có ý đề cao phẩm hạnh của những bậc cao khiết.

Đọc 24 bài thơ và một bài phú, chắc chắn không thể hiểu hết được tư tưởng, tâm sự của một thi nhân có tầm hiểu biết sâu trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy ở đó có không nhiều khẩu khí của một nhà tu hành Phật giáo mà dường như bài nào cũng hiện diện bóng dáng, tư tưởng của một thi nhân, một kẻ sĩ quân tử (trừ bài “Diên Hựu tự” và đoạn cuối của bài phú “Vịnh Vân Yên tự”). Đặc biệt, các bài “Phiếm chu”, “Chu trung”, “Cúc hoa” lại rõ ra  chân dung của một trang công tử có tư tưởng phiêu lãng. Chính Phan Huy Chú khi dẫn ba bài này trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã nhận xét là “Văn thơ bay bướm phóng khoáng”. Rõ ràng, cốt cách thi nhân của Huyền Quang không ẩn vào đâu được.

Trong văn bia “Đệ tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng”, như chúng tôi đã dẫn ở trên, có ghi: “Năm Hưng Long thứ 11 triều Trần Anh Tông (1303), Tổ về thăm cha mẹ rồi xây ngôi chùa ở phía Tây ngôi nhà cũ tại làng Am, đặt tên là chùa Đại Bi”. Đây là trường hợp hiếm có đối với các nhà tu hành Phật giáo trước đây. Bởi vì, theo luật Phật, người xuất gia là người đã xả bỏ hết những gì của cuộc sống thế tục, không còn vướng bận gì đến ngoài đời. Người xuất gia đã là con Phật, chùa là nhà của họ, đồng đạo là anh em họ, thầy nghiệp sư được coi như cha mẹ họ. Nhưng Huyền Quang, dù đã ở ngôi vị cao trong giáo hội Phật giáo, vẫn không quên cha mẹ ngoài đời và quê hương bản quán. Việc về quê thăm cha mẹ và xây ngôi chùa ở phía Tây ngôi nhà cũ của mình không phải là suy nghĩ truyền thống của giới tu hành Phật giáo, mà sự hành xử đó được thực hiện bởi tình cảm đối với quê hương, tình yêu kính cha mẹ mà truyền thống văn hoá Việt với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sự thấm nhuần các nguyên lý sống của kinh điển Nho gia trong con người Huyền Quang.

Tóm lại, bằng quá trình tích hợp tích cực và sự sử dụng có hiệu quả khả năng tương tác của các giá trị văn hoá trong con người mình, Huyền Quang Lý Đạo Tái hiện diện trong lịch sử văn hoá dân tộc như là kết quả của quá trình tương tác các giá trị văn hoá của thời đại và của truyền thống văn hoá dân tộc. Ở ngài, không chỉ có phẩm chất của một trí thức Nho học, của một cao tăng mà còn có phong cách của một pháp sư, một nhà thơ tài hoa và một người con của một làng quê cụ thể. Đọc trước tác của ngài, người ta thấy thấp thoáng một người mang phong cách Lão Trang, một thi nhân có phần lãng tử,… nhưng tất cả đều rất chừng mực. Ngài biết dừng lại đúng chỗ. Và đó là kết quả tuyệt vời nhất của nghệ thuật xử lý kết quả tương tác của các giá trị văn hoá.

 

[1] Phiên âm:  Nhị bát giai nhân thích tú trì,                   二  八  佳 人  刺  绣  迟

                Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.             紫  荆  花  下 啭  黄  鹂

                  Khả liên vô hạn thương xuân ý,             可  怜  无  限  伧  春  意

                  Tận tại đình châm bất ngữ thì                尽  在  停  针  不  语  时

Bài viết khác