Lập quy hoạch bảo tồn di tích chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
(PGVN)
Ngày 19/12/2016, Văn phòng Chính phủ có công văn số 10990/VPCP-KGVX về việc chủ trương lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích QGĐB chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang.
Công văn cho biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm; trình Thủ tướng phê duyệt.
Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, Việt Nam, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ xưa cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.
Năm 2015, Chùa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt
Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự. Thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao tăng tu hành nên được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308), từ bỏ ngôi vua thành người tu hành đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngoạ Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam. Hương Vân cùng hai đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam gọi là Tam tổ.
Chùa Vĩnh Nghiêm có quy mô lớn, tọa lạc trên mảnh đất khoảng 1 ha, bao quanh khuôn viên là luỹ tre dày đặc. Chùa được kiến trúc trên một trục, hướng đông nam gồm Toà Thiên đường, toà Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trình khác.
Trong chùa có tất nhiều tượng pháp, đủ loại tượng, đặc biệt có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.
Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá.
Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2012. |
PV